Cần tiếp tục cấm các giao dịch đất đai trái pháp luật ở đặc khu Phú Quốc

Minh Anh - 08:33, 17/06/2018

TheLEADERĐể kiểm soát hiệu quả thị trường bất động sản Phú Quốc, nhiều chuyên gia cho rằng, trước mắt cần tiếp tục cấm các giao dịch trái pháp luật, tuy nhiên, các giao dịch hợp pháp nên được thực hiện.

Cần tiếp tục cấm các giao dịch đất đai trái pháp luật ở đặc khu Phú Quốc
Bất động sản Phú Quốc thay da đổi thịt hàng ngày với nhiều dự án đẳng cấp

"Sốt nóng" do tách thửa, chuyển nhượng chưa bền vững

Cùng với sự phát triển của du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kế hoạch chuẩn bị lên đặc khu kinh tế, Phú Quốc đang trở thành miền đất hứa không ngừng “thay da đổi thịt” hàng ngày trong mắt các nhà đầu tư.

Từ năm 2014 trở lại đây, giá đất tại Phú Quốc đã có sự gia tăng đáng kể. Thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, giá đất nền tại đây đã tăng 10 lần sau 3 năm, giá đất trong năm 2017 đã tăng khoảng 35% so với năm 2016. 

Việc giá đất tại Phú Quốc tăng quá nhanh trong thời gian vừa qua gây tiềm ẩn nhiều nguy cơ sốt ảo, rủi ro cho khách hàng. Theo ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và môi trường), bất động sản tỉnh Kiên Giang nóng bất thường chủ yếu là do quy hoạch, quy định tách thửa, chuyển nhượng chưa bền vững.

Tại buổi tọa đàm “Thị trường bất động sản Kiên Giang có gì mới?” do UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp với Thời báo kinh tế Sài Gòn tổ chức, ông Chính cho rằng: "Việc sử dụng công cụ về quy hoạch tại tỉnh này chưa tốt, trong khi đó thông tin quy hoạch chưa công khai, minh bạch dẫn đến phân lô, bán nền tràn lan". 

Ngoài ra, các cán bộ phường, xã không nắm đươc hiện trạng sử dụng đất tại nhiều địa phương, kể cả trên hồ sơ và thực tế, ông Chính cho hay.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Lộc, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Kiên Giang cũng cho rằng, có ba nguyên nhân chính dẫn đến sốt đất tại Phú Quốc.

Thứ nhất là thông tin giả: Với dự đoán về định hướng phát triển đảo Phú Quốc trong tương lai, không ít người đưa ra thông tin giả như điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp sang thương mại dịch vụ tại một khu vực nào đó, đẩy giá đất nông nghiệp lên cao hay là thông tin mua đất Phú Quốc bán lại được ngay với giá cao hơn, tạo ra cơn sốt khan hiếm đất đai, từ đó, cò đất lợi dụng đẩy giá lên cao tại các khu vực này.

Thứ hai, công tác thông tin, tuyên truyền, công khai quy hoạch, công bố dự án có thu hồi đất đến người dân có lúc chưa đầy đủ, kịp thời, người dân “mua đất” thiếu thông tin chính thức, tiếp nhận nhiều thông tin giả.

Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra về đất đai, xây dựng chưa được thực hiện thường xuyên; các vi phạm về đất đai chưa được xử lý nghiêm, kịp thời.

Rủi ro từ các giao dịch đất tăng cao, nhiều giao dịch chỉ là giấy viết tay, hoặc ở những khu vực vốn là đất rừng, đất nông nghiệp, sẽ để lại hệ lụy lâu dài, phát sinh tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai phức tạp hơn. 

Giá đất tăng cao không những làm chi phí đền bù tăng lên, mà tình trạng mua bán lòng vòng, không rõ ràng sẽ khiến công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, khiếu kiện phát sinh. Từ đó, việc triển khai các dự án đầu tư cũng gặp khó khăn, làm giảm sức hấp dẫn của Phú Quốc đối với các nhà đầu tư, tăng nguy cơ rủi ro.

Vì thế, theo ông Lộc, rất cần thiết phải có những giải pháp quyết liệt để ngăn chặn đầu cơ, mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, phân lô trái pháp luật. 

Việc ngăn chặn hiện tượng giao dịch, mua bán đất đai trái quy định pháp luật, ngăn chặn đầu cơ đẩy giá đất là hết sức cần thiết, đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ, quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước, vị lãnh đạo này cho hay.

Tiếp tục cấm các giao dịch trái pháp luật

Theo ông Lộc, để kiểm soát hiệu quả thị trường bất động sản Phú Quốc, trước mắt, chính quyền địa phương cần tiếp tục cấm mọi giao dịch quyền sử dụng đất không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, hướng đến mục đích ngăn ngừa tình trạng mua bán "nóng" và thổi giá đất nền, phân lô tách thửa tràn lan dẫn đến sốt đất ảo. 

Tuy nhiên, các giao dịch về quyền sử dụng đất hợp pháp vẫn được thực hiện theo quy định.

Thứ hai, cần kiểm soát chặt chẽ, việc đầu tư xây dựng phải có đầy đủ các thủ tục và giấy phép quy định; nghiêm cấm mọi hiện tượng phân lô, bán nền trái quy định phát luật. Đặc biệt là trên đất nông nghiệp và đất rừng.

Thứ ba, để cho huyện đảo Phú Quốc phát triển bền vững, đúng định hướng, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất là tất yếu, cần thiết, vì vậy chính quyền tỉnh, huyện đang “tạm dừng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất”; “tạm dừng chưa cho phép tách thửa”.

Với các giải pháp đồng bộ nêu trên, cùng với việc sớm phê duyệt quy hoạch điều chỉnh và công khai, ông Lộc hy vọng thị trường quyền sử dụng đất tại Phú Quốc sẽ được kiểm soát, bình ổn và minh bạch thời gian tới.

Về vấn đề này, ông Lê Quốc Anh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang cũng cho rằng, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai và khung pháp lý để quản lý và phát triển thị trường bất động sản, hoàn thành việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị; nghiên cứu xây dựng chương trình phát triển đô thị cho từng địa phương làm cơ sở triển khai các dự án liên quan đến dự án bất động sản.

"Sớm hoàn thành việc lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định; công khai minh bạch các hồ sơ, thủ tục liên quan đến loại hình quy hoạch nêu trên để mọi tổ chức cá nhân được biết", ông Quốc Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Giám đốc Sở Xây dựng, tỉnh Kiên Giang cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các tổ chức, cá nhân hành nghề kinh doanh bất động sản tại các sàn giao dịch và trung tâm môi giới bất động sản trên địa bàn tỉnh. 

Đối với sản phẩm condotel đang phát triển tràn lan, chưa có quy định quản lý cụ thể, ông Quốc Anh cho rằng, cần sớm xây dựng khung pháp lý đối với sản phẩm này. Đồng thời, có các quy định chính sách cụ thể nhằm khai thác nguồn lực đầu tư và đảm bảo phát triển lành mạnh đa dạng hoá sản phẩm bất động sản.