‘Cao tốc Bắc Nam phía Đông hoàn thành vào năm 2025 là khả thi’

Nhật Hạ - 10:54, 19/06/2023

TheLEADERTổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc – Nam đã lên gần 1.000 km. Nhiều dự án thành phần gần đây đồng loạt được khánh thành và khởi công. Thủ tướng cho rằng mục tiêu hoàn thành tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông vào năm 2025 là khả thi.

Theo quy hoạch, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 2.063 km từ Cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố, được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2025. Tuyến cao tốc này gồm 11 dự án thành phần, với 8 dự án đầu tư công và 3 dự án hợp tác công tư (PPP).

Với sự kiện khánh thành 2 dự án cao tốc Nha Trang – Can Lâm và Vĩnh Hảo – Phan Thiết dài hơn 150 km vào ngày 18/6, tổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc – Nam đã được nâng lên gần 1.000km.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, mục tiêu hoàn thành tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông vào năm 2025 là khả thi.

Theo ông, hành lang vận tải Bắc - Nam luôn đóng vai trò rất quan trọng, là trục xương sống, hành lang kinh tế - vận tải huyết mạch của đất nước. Chính vì vậy, để tạo ra động lực đột phá, phát huy được tiềm năng, lợi thế các địa phương trên hành lang này.

Rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP.HCM và Nha Trang

Việc đưa vào khai thác 2 đoạn cao tốc Nha Trang – Can Lâm và Vĩnh Hảo – Phan Thiết đã cơ bản kết nối tuyến cao tốc từ TP.HCM - Khánh Hòa, giúp rút ngắn thời gian di chuyển; giảm tải cho Quốc lộ 1A, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải, giao lưu văn hóa, xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kích cầu du lịch, góp phần phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của vùng đất duyên hải tươi đẹp Nam Trung Bộ, kết nối hai trung tâm kinh tế, du lịch lớn là TP. HCM và Khánh Hòa, hai vùng kinh tế - xã hội.

Cao tốc Nha Trang – Cam Lâm là một trong ba dự án thành phần hợp tác công tư (PPP), được ký kết hợp đồng từ ngày 6/5/2021. Đến nay, tuyến chính đã cơ bản hoàn thành và được đưa vào khai thác tạm thời từ ngày 19/5/2023.

Vì vậy, dự án này đã ‘cán đích’ sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch, đánh dấu sự kết hợp thành công đầu tiên giữa cơ quan nhà nước và tư nhân tại dự án cao tốc huyết mạch đầu tiên của cả nước.

Cao tốc Nha Trang – Cam Lâm có chiều dài 49,1 km. Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư với quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư với quy mô đạt tiêu chuẩn đường cao tốc vận tốc thiết kế 120 km/h.

Nhà đầu tư là Tập đoàn Sơn Hải, doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.

Tổng vốn thực hiện dự án hơn 5.500 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng hơn 2.500 tỷ đồng, nguồn vốn nhà nước tham gia dự án khoảng gần 3.000 tỷ đồng.

‘Cao tốc Bắc Nam phía Đông hoàn thành vào năm 2025 là khả thi’
Cao tốc Nha Trang – Cam Lâm. Ảnh: Nhật Bắc

Dự án Nha Trang - Cam Lâm được triển khai trong bối cảnh pháp luật về đầu tư PPP chưa hoàn thiện. Dự án được lựa chọn nhà đầu tư trước khi Luật đầu tư PPP được ban hành, "làn sóng" phản ứng các dự án BOT giao thông xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước ảnh hưởng tâm lý của các nhà đầu tư và e ngại của tổ chức tín dụng tài trợ vốn.

Điều này đã kéo theo việc đã có 5/8 dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây phải chuyển đổi phương thức PPP sang đầu tư công.

Cũng nằm trong trục đường kết nối giữa TP.HCM với Nha Trang, cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết đã được Bộ Giao thông vận tải đưa vào khai thác tạm thời từ ngày 19/5/2023.

Đây là dự án đầu tư công với tổng mức đầu tư hơn 10.800 tỷ đồng; được khởi công từ ngày 19/2020.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài khoảng 100,8 km. Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư với quy mô đạt vận tốc thiết kế 100 - 120 km/h.

Hiện tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Nha Trang vào TP.HCM nối liền một mạch chỉ còn chờ dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo dài 78km hoàn thành, từ đó rút ngắn thời gian di chuyển giữa Nha Trang và TP.HCM còn khoảng 4-5 giờ, giảm gần 1 nửa so với đi trên quốc lộ 1.

Cũng là một dự án theo phương thức đối tác công – tư (PPP), cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2024 theo hợp đồng đã ký. Dự án có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng, do Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194 làm nhà đầu tư.

Đồng loạt khởi công 3 tuyến cao tốc ở phía Nam

Cùng với các dự án cơ bản được hoàn thành, ngày 18/6, ba cao tốc khác gồm đường Vành đai 3 TP.HCM và hai cao tốc trục ngang Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu đã được khởi công với tổng chiều dài khoảng 247km và tổng mức đầu tư khoảng 115 nghìn tỷ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài hơn 76km đi qua 4 địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An; chia làm 8 dự án thành phần, mỗi tỉnh, thành phố thực hiện 2 dự án gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp. Theo kế hoạch, dự án sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Trong giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư quy mô 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/h; đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), cấp đường ô tô đô thị 60 km/h. Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), đầu tư không liên tục. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 75.378 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách các địa phương.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài khoảng 117,5km, tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng. Dự án được chia làm 3 dự án thành phần, do tỉnh Khánh Hòa, Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản.

Theo kế hoạch, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài gần 54km. Giai đoạn 1 được đầu tư quy mô 4 - 6 làn xe theo từng đoạn tuyến, vận tốc thiết kế 100 km/h. Giai đoạn hoàn thiện, tuyến cao tốc sẽ được mở rộng bảo đảm quy mô 6-8 làn xe. Tổng mức đầu tư chung dự án là 17.837 tỷ đồng.

Dự án được chia thành 3 dự án thành phần do tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ quan chủ quản. Theo lộ trình đề ra, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026.

Ba dự án này nằm trong chuỗi các dự án trọng điểm ngành giao thông được khởi công trong tháng 6/2023. Trong đó, dự án Châu Đốc- Cần Thơ - Sóc Trăng vừa khởi công ngày 17/6; dự kiến ngày 25/6 sẽ tiếp tục khởi công Dự án đường vành đai 4 - Vùng Hà Nội với chiều dài hơn 112 km, tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (nối Đồng Tháp – Tiền Giang) với chiều dài 27km, tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, kết nối 2 tuyến cao tốc huyết mạch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

‘Cao tốc Bắc Nam phía Đông hoàn thành vào năm 2025 là khả thi’ 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, điều đặc biệt của 3 dự án khởi công này là đều được áp dụng cơ chế đặc thù riêng có về đẩy mạnh phân cấp phân quyền, theo đó giao địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án; áp dụng cơ chế huy động nguồn lực cho các dự án kết hợp giữa ngân sách Trung ương và địa phương; áp dụng chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu thi công dự án, qua đó rút ngắn thời gian chuẩn bị để triển khai dự án.

Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, trong giai đoạn 2000 – 2021, cả nước mới đầu tư đưa vào khai thác 1.163km đường bộ cao tốc. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc.

Như vậy, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, chúng ta cần phải triển khai đầu tư, xây dựng gấp gần 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong hơn 20 năm trước. Trong đó, đến 2025, cần đạt được ít nhất 3.000km cao tốc và giai đoạn 2026 - 2030 phấn đấu có thêm 2.000km nữa.

Thủ tướng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ (2021) đến nay, cả nước đã khánh thành và đưa vào khai thác thêm 566km đường cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc đang khai thác của cả nước lên 1.729km.

Các dự án đang thi công với tổng chiều dài 350km gồm: 5 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 dài 229km; dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ 23km; dự án Bến Lức - Long Thành 58km; dự án Tuyên Quang - Phú Thọ 40km.

Các dự án khởi công từ đầu năm 2023 có tổng chiều dài 1.406km, gồm: 12 dự án thành phần thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 dài 729km; cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang 104km; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 188km; Vành đai 3 TP.HCM 76km; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu 53,7km; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột 117km; Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên 112km; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu 27km.

Như vậy, cùng với 1.729km đã đưa vào khai thác và tổng chiều dài đường cao tốc của các dự án đang thi công, đã khởi công đến hết tháng 6/2023 là 1.756km.

Bên cạnh đó, một số dự án phấn đấu sẽ khởi công từ nay đến năm 2024 có tổng chiều dài khoảng 284km, gồm: Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu 65km; cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh 93km; cao tốc Dầu Giây - Tân Phú 60km; cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc 66km và nhiều dự án đường bộ cao tốc đang được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư (Hữu Nghị - Chi Lăng, Mộc Châu - Sơn La, TP.HCM - Mộc Bài; TP.HCM - Chơn Thành, Chơn Thành - Gia Nghĩa, Bảo Lộc - Liên Khương…). Đây là tiền đề để thực hiện thành công mục tiêu 5.000km cao tốc vào năm 2030.

Thủ tướng cho biết trong nhiệm kỳ này, sẽ huy động khoảng 500.000 tỷ đồng cho các dự án hạ tầng giao thông, gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, nguồn vốn đầu tư công trung hạn, nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các nguồn vốn hợp pháp khác.