CEO HSBC: Để Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn

Kiều Mai - 14:20, 20/09/2022

TheLEADERTheo Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, cần lan tỏa rộng rãi câu chuyện của Việt Nam ra thế giới, từ đó tận dụng lợi thế này để thu hút đầu tư, duy trì vị trí là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Việt Nam vốn là một câu chuyện thành công về phát triển kinh tế và thu hút đầu tư từ trước Covid-19. Khi đại dịch bùng phát, Việt Nam tiếp tục bồi đắp tích cực cho thương hiệu này bằng chương trình tiêm phòng cho người dân được triển khai nhanh chóng, hiệu quả, thể hiện ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng về phục hồi toàn cầu tốt nhất sau Covid-19 của Nikkei.

"Giờ đây, Việt Nam vẫn đang giữ vững tiến độ phục hồi kinh tế, có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay khoảng 7%".

“Có thể nói, Việt Nam đang sở hữu một thương hiệu rất tốt. Chúng ta cần lan tỏa rộng rãi câu chuyện của Việt Nam ra thế giới, từ đó tận dụng lợi thế này để thu hút đầu tư, duy trì vị trí là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư”, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans nhấn mạnh tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài gần đây.

Mở ra cơ hội trong bối cảnh nhiều thách thức

Hiện tại, Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới và đứng thứ hai ở ASEAN xét về tỷ trọng FDI trên GDP. Theo ông Tim Evans, để duy trì lợi thế và bứt phá hơn nữa, Chính phủ và các cơ quan ban ngành sẽ cần tiếp tục các chương trình phục hồi và cải cách kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh thế giới còn nhiều thách thức và đầy biến động như hiện nay.

Cuộc chiến chống lạm phát chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, khi dữ liệu tháng 8 cho thấy giá hàng hóa chủ chốt bao gồm năng lượng của thế giới tiếp tục gia tăng.

Trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã liên tiếp điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, kéo theo nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới áp dụng các biện pháp thắt chặt. Điều này được dự đoán sẽ tạo ra tình trạng suy thoái từng phần, và diễn biến ở các khu vực trên thế giới mỗi nơi một khác. GDP của Mỹ và Trung Quốc đã được dự báo sẽ giảm một nửa so với 2021.

CEO HSBC: Để Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn
Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans.

Ông Tim Evans cho biết, các nền kinh tế châu Á cũng đang chịu ảnh hưởng từ những biến động này. Sự chuyển dịch nhu cầu từ hàng hóa sang dịch vụ cùng với tình trạng dự trữ hàng tồn kho cho thấy xuất khẩu từ châu Á sang các nước phương Tây đang chậm lại.

Có thể thấy rõ nhất trong lĩnh vực điện tử, khi nhu cầu đối với cả điện tử tiêu dùng và điện tử công nghiệp đều ghi nhận giảm trong nửa cuối năm 2022.

Trong bối cảnh đó, giá lương thực vốn chiếm tới 25% trong rổ hàng hóa tính CPI của nhiều nước châu Á lại đang tăng lên. Sự bất ổn này rõ ràng tác động không nhỏ tới các quyết định đầu tư.

“Tuy nhiên, Việt Nam vẫn khá vững vàng trước các con sóng lớn, bình tĩnh phục hồi các ngành kinh tế và kiểm soát lạm phát. Những biến động bên ngoài cũng mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam thúc đẩy FDI, nâng cao tầm vóc và khả năng cạnh tranh của một điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư”, vị tổng giám đốc HSBC Việt Nam đánh giá.

Theo đó, Việt Nam cần tập trung cập nhật các khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là về ngoại hối, kế toán, thuế và hải quan, để cho phép các tập đoàn đa quốc gia tích hợp đầy đủ các hoạt động của Việt Nam vào nền tảng hoạt động toàn cầu của họ, cũng như nội địa hóa chuỗi cung ứng để có thể thực hiện nhiều quy trình giá trị cao hơn tại Việt Nam.

“Nhiều khách hàng của chúng tôi đã đầu tư đáng kể để nâng cao năng lực tại Việt Nam, biến Việt Nam thành một trong những trung tâm sản xuất chính của họ”, ông cho biết.

Để Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư

Vị tổng giám đốc HSBC Việt Nam đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.

Trước hết là cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng.

Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019, Việt Nam xếp thứ 77/141 quốc gia và vùng lãnh thổ về cơ sở hạ tầng tổng thể, với thứ hạng thấp trên hầu hết các lĩnh vực giao thông, đặc biệt là về chất lượng vận tải đường bộ và hàng không. Cơ sở hạ tầng lạc hậu và quá tải liên tục được coi là trở ngại đối với năng lực sản xuất trong tương lai.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, chi phí thương mại phi thuế quan của Việt Nam đã cao hơn các nước ASEAN, với chi phí do tắc nghẽn vận tải lên tới 21% GDP trong năm 2016, vượt xa mức trung bình toàn cầu là 12%.

Do đó, việc nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng hiện có sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam giảm bớt các rào cản đối với thương mại và tăng cường khả năng thu hút FDI.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần thúc đẩy trao đổi thường xuyên, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp FDI để làm rõ các quy định và chính sách chính liên quan đến dòng vốn, tài trợ, việc thành lập doanh nghiệp và các ưu đãi cụ thể theo ngành liên quan đến thu hút FDI.

Điều này sẽ tạo điều kiện cho các khách hàng FDI tiềm năng và các công ty FDI hiện tại hiểu rõ hơn về môi trường địa phương, từ đó hỗ trợ mở rộng đầu tư. Các nhà đầu tư trung bình cần 6 - 9 tháng để thành lập doanh nghiệp so với kỳ vọng của họ là 3 tháng.

Các nhà đầu tư tại Việt Nam được hưởng lợi từ khoảng 15 hiệp định thương mại tự do FTA đang thực hiện, cho phép tiếp cận 55 thị trường, trong đó có 15 thị trường từ G20.

Do đó, việc tích cực quảng bá cơ hội và lợi ích của các FTA này từ các bộ, ngành liên quan sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tiềm năng, ông Tim Evans khuyến nghị.

Ông cũng lưu ý khi Việt Nam tiếp tục thăng hạng giá trị, sự sẵn có của nguồn lao động lành nghề là một yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tập trung vào phát triển nhiều lao động có kỹ năng hơn sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy và thu hút đầu tư giá trị cao vào các lĩnh vực có giá trị cao như bán dẫn, kỹ thuật ô tô, fintech, logistic…

Bên cạnh đó, Việt Nam đã đạt được nhiều dấu mốc quan trọng trong lộ trình số hóa và cần tiếp tục nỗ lực chuyển đổi nhất quán trên các lĩnh vực như thanh toán xuyên biên giới, thuế, hải quan. Việc đơn giản hóa và nhất quán trong các lĩnh vực này là rất quan trọng để Việt Nam thu hút thêm dòng vốn đầu tư.

“Thu hút FDI cũng nên đi đôi với tính bền vững”, ông Tim Evans nhấn mạnh.

Nhiều bài học trên thế giới đã cho thấy tăng trưởng sản xuất nhanh chóng mà không đi đôi với bảo vệ môi trường sẽ để lại nhiều tác hại nghiêm trọng. Đặc biệt, khi Việt Nam đã có những cam kết đầy tham vọng tại COP26, những yếu tố bền vững càng được quan tâm hơn.

FDI “xanh” sẽ là xu hướng quan trọng trong tương lai mà Việt Nam không đứng ngoài cuộc.

Thực tế, Việt Nam đã và đang tích cực đẩy mạnh chiến lược phát triển nền kinh tế theo hướng xanh hơn, bền vững hơn, và giảm phát thải nhà kính để thu hút được dòng FDI “xanh” thông qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để hiện thực hóa chiến lược này, Chính phủ đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, đề ra nhiệm vụ, hoạt động cụ thể cho các ngành.

“Việt Nam cần tiếp tục triển khai thêm các hoạt động xanh khác, và sớm thông qua Quy hoạch Điện VIII nhằm tạo tiền đề vững chắc trong thu hút FDI vào lĩnh vực năng lượng tái tạo”, ông Tim Evans lưu ý. 

Trong nửa đầu năm 2022, HSBC đã hỗ trợ các công ty toàn cầu khi họ đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ, cơ sở hạ tầng và logistics. Vốn đăng ký của những doanh nghiệp này đạt 2,2 tỷ USD, chiếm khoảng 45% tổng vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam.

Không chỉ vậy, HSBC còn hợp tác với Cục Đầu tư nước ngoài để tích cực quảng bá Việt Nam đến nhà đầu tư nước ngoài thông qua mạng lưới toàn cầu rộng khắp của HSBC, qua đó viết nên câu chuyện về tăng trưởng kinh tế và FDI thú vị của Việt Nam.

Bên cạnh đó, HSBC cũng hỗ trợ Việt Nam trong việc hiện thực hóa các mục tiêu về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu của Chính phủ tại COP26. HSBC cam kết thu xếp nguồn tài chính xanh trực tiếp và gián tiếp lên tới 12 tỷ USD cho Việt Nam đến năm 2030.