CEO Loship Nguyễn Hoàng Trung: Shipper cần một nơi thuộc về

Việt Hưng - 11:41, 25/10/2021

TheLEADERShipper hiện là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng, đảm bảo lưu thông hàng hóa nhanh chóng, liền mạch, đáp ứng kịp thời nhu cầu người dân.

Ngay từ trước khi Covid-19 xuất hiện, sự lên ngôi của mua sắm trực tuyến đã kéo theo sự phát triển của nhiều ứng dụng đặt hàng online. Những người giao hàng, hay còn gọi là shipper, là đội ngũ không thể thiếu để duy trì việc giao nhận.

Khi đại dịch xảy ra, shipper lại càng đóng vai trò quan trọng đối với bức tranh kinh tế xã hội. Họ là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng, đảm bảo lưu thông hàng hóa một cách nhanh chóng, liền mạch, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.

Đồng thời, sự có mặt của đội ngũ shipper còn giúp giảm thiểu các tác động của dịch bệnh, giúp hệ thống xã hội và nền kinh tế được vận hành bình thường.

Shipper cần được công nhận và quan tâm đúng mực

Có thể nói, chưa bao giờ shipper công nghệ lại đóng vai trò quan trọng như hiện nay, được Nhà nước đưa vào danh sách ưu tiên tiêm chủng vaccine.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cần coi đội ngũ giao hàng là một "tuyến đầu" khác, bên cạnh đội ngũ y tế trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.

CEO Loship Nguyễn Hoàng Trung khẳng định, shipper là một trong những đối tác quan trọng nhất của công ty và chế độ phúc lợi của họ luôn là ưu tiên hàng đầu.

CEO Loship Nguyễn Hoàng Trung: Shipper cần một nơi thuộc về
Ông Nguyễn Hoàng Trung - nhà sáng lập và CEO Loship

Đại diện Loship cũng cho biết shipper công nghệ là một nghề nghiệp ổn định không thua kém bất cứ ngành nghề nào trong xã hội, và mỗi shipper xứng đáng được công nhận và tôn trọng như một người lao động thực thụ.

"Tôi cảm thấy rất vui khi đội ngũ shipper đã và đang được nhìn nhận như một mắt xích quan trọng trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Shipper là hình ảnh rất quen thuộc mà chúng ta nhìn thấy mỗi ngày. Shipper là huyết mạch giữ cho nền kinh tế vận động ngay cả trong điều kiện thành phố trở nên tồi tệ nhất dưới sức ép của cách ly xã hội", CEO Loship nói.

Tuy nhiên, có một thực tế là shipper chưa nhận được về sự quan tâm đúng mực. Vẫn còn khá nhiều người đánh giá nghề shipper là một công việc tạm bợ, thấp kém và họ nhìn shipper bằng những ánh mắt không hề dễ chịu.

Shipper còn gánh thêm nhiều rủi ro trong việc di chuyển, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh. Bối rối vì những quy định thay đổi liên tục, nguy cơ bị phạt và nguy cơ lây nhiễm bệnh luôn lơ lửng trên đầu nhưng nhiều shipper vẫn phải ra đường mưu sinh.

Đã đến lúc rất cần một cái nhìn đúng đắn hơn, nhân văn hơn với một loại hình lao động hoàn toàn chân chính và gian khó này, không chỉ trong đại dịch mà còn là lâu dài về sau. 

Khách hàng cần có cái nhìn cảm thông mỗi khi có những đơn hàng đến muộn vì lý do bất khả kháng. Doanh nghiệp cần có những chính sách hỗ trợ cần thiết để mang lại cho người shipper một môi trường làm việc an toàn và bền vững.

"Điều này không chỉ tạo điều kiện cho người shipper duy trì công việc của họ với mức thu nhập ổn định, mà nó còn cho thấy rằng mỗi người trong chúng ta, với tư cách là cá nhân hay tổ chức, đều coi trọng công việc và những đóng góp của shipper, và rằng shipper là một phần không thể thiếu trong vận hành xã hội", CEO Nguyễn Hoàng Trung chia sẻ.

CEO Loship Nguyễn Hoàng Trung: Shipper cần một nơi thuộc về 1
Shipper đóng vai trò quan trọng đối với bức tranh kinh tế xã hội Việt Nam

Shipper cần một nơi thuộc về

Đại diện Loship cho rằng, cá nhân những người shipper cũng sẽ cần một nơi để thuộc về. Tại Việt Nam, các shipper chưa có hợp đồng lao động, do vậy họ chưa được hưởng quyền lợi, chế độ bảo hiểm xã hội như một nhân viên thông thường. Tương lai của các shipper công nghệ sẽ còn nhiều bấp bênh.

Hiểu được những bất cập đó, Loship luôn cố gắng tạo ra nhiều chính sách hỗ trợ cho shipper, mang đến một môi trường làm việc ổn định và lâu dài.

Các shipper được tạo điều kiện tiếp cận với các bảo hiểm dân sự, bảo hiểm tai nạn lao động và các khoản vay tài chính, giúp họ vững tâm hơn trong quá trình làm việc và bảo vệ họ khỏi những rủi ro có thể xảy ra.

"Cá nhân tôi có một niềm tin rằng, Loship đã và đang trở thành "nơi thuộc về" của rất nhiều shipper. Nơi thuộc về sẽ không phải nhà, hay quán cà phê, mà là điểm đến mỗi khi cảm thấy chán chường, mệt mỏi. Tại mỗi thành phố mà Loship hoạt động, chúng tôi phát triển những trạm dừng chân cho shipper, mà ở đó shipper luôn được hưởng 3 điều miễn phí: rửa xe miễn phí, uống trà đá miễn phí, và sạc pin miễn phí.

Nghe qua thì có vẻ bình thường, nhưng nếu nhìn lại những lúc shipper muốn nghỉ ngơi hay chờ đợi đơn hàng thì họ có xu hướng làm gì? Chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người shipper dựng chống xe và ngồi đợi giữa trưa nắng, hoặc là ngồi nghỉ ngơi tạm bợ, ăn vội bữa cơm trưa tại một vỉa hè nào đó. Việc có những trạm dừng chân cho phép người shipper có thể uống trà đá, sạc pin và rửa xe miễn phí thể hiện sự quan tâm của Loship dành cho shipper ngay từ những điều nhỏ nhất, để họ thấy rằng chúng tôi thật sự trân trọng công việc và công sức của họ mỗi ngày", CEO Nguyễn Hoàng Trung chia sẻ.

CEO Loship Nguyễn Hoàng Trung: Shipper cần một nơi thuộc về 2
Người shipper đang cần một nơi để thuộc về

Tuy nhiên, khi nói rằng shipper cần một nơi thuộc về, không có nghĩa là họ cần ký hợp đồng lao động với một ứng dụng giao hàng cụ thể. Shipper luôn muốn có được sự tự do nhất định trong công việc, vì bản chất công việc giao hàng là linh hoạt và có thể làm vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.

Điều cần làm là mang đến cho shipper những chính sách hỗ trợ cần thiết, tạo ra một cộng đồng shipper gắn kết và lành mạnh nơi họ có thể chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ nhau trong công việc. Nơi thuộc về khi ấy sẽ là cả một cộng đồng, chứ không chỉ đơn thuần gói gọn trong một đơn vị nào đó.

Được biết, Loship đang là doanh nghiệp duy nhất trên thị trường mà CEO là người trực tiếp quản lý đội ngũ shipper.

Rất dễ để nhìn thấy hình ảnh CEO Loship thoải mái trao đổi, giải đáp thắc mắc và thậm chí là đùa giỡn với chính những người shipper của mình trên các trang mạng xã hội, cộng đồng tài xế. Với anh, việc gặp gỡ và trò chuyện, thăm hỏi người shipper không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm yêu thích.

"Shipper là những người đồng hành với mình, giúp mình trực tiếp đem dịch vụ đến tay khách hàng. Nếu mình chăm sóc shipper thật tốt và mang lại cho họ cảm giác được trân trọng, tự khắc những người shipper sẽ giúp mình đối xử với khách hàng theo cách tương tự như thế", CEO Loship cho biết.