Chậm bàn giao Mandarin Garden 2 có thể khiến lợi nhuận của Hòa Phát giảm 200 tỷ đồng

Trần Anh - 16:09, 17/07/2018

TheLEADERTháng trước, Cơ quan Cảnh sát PC&CC Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện nhiều vi phạm về PCCC tại dự án Mandarin Garden 2 và yêu cầu chủ đầu tư dừng đưa các hộ dân vào ở tại công trình cho đến khi có các xác nhận nghiệm thu về PCCC.

Báo cáo phân tích về Tập đoàn Hòa Phát của một công ty chứng khoán mới đây cho biết, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát trong tháng 6 giảm 11,4% so với cùng kỳ và giảm gần 35% so với đỉnh tiêu thụ là tháng 5.

Nguyên nhân được lý giải là tháng 6 là cao điểm mùa mưa khiến việc xây dựng bị hạn chế, đi kèm với đó là các đại lý sau khi nhập một lượng lớn thép trong tháng 5 sẽ cần thời gian tiêu thụ hết hàng tồn kho.

Cùng với sản lượng tiêu thụ giảm, giá bán bình quân thép xây dựng giảm kể từ giữa tháng 6 năm nay sau 12 tháng tăng liên tục do giá thép thế giới đang có xu hướng giảm. Hiện tại, giá thép xây dựng khoảng 13,3 triệu đồng/tấn, thấp hơn 2,2% so với mức đỉnh là 13,6 triệu đồng/tấn. Một số quy định mới như áp thuế của Mỹ hay khả năng thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam ồ ạt cũng tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng của Hòa Phát.

Trong lĩnh vực bất động sản, dự án Mandarin Garden 2 đang có đợt kiểm tra Hệ thống phòng cháy chữa cháy. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng nhiều đến cả kế hoạch bàn giao nhà và hạch toán lợi nhuận.

"Việc chậm bàn giao dự án này có thể khiến Hòa Phát giảm 200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2018", báo cáo phân tích viết.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát PC&CC Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện nhiều vi phạm về PCCC và yêu cầu chủ đầu tư dừng đưa các hộ dân vào ở tại công trình cho đến khi có các xác nhận nghiệm thu về PCCC.

Báo cáo trên cũng cho biết, nhà máy tôn mạ của công ty sẽ đi vào hoạt động muộn hơn do nhu cầu thị trường yếu. Theo kế hoạch, chuỗi giá trị toàn diện cho tôn mạ sẽ đi vào hoạt động trong tháng 7 năm nay. Tuy nhiên, do điều kiện thị trường cạnh tranh, công ty đã lùi thời gian đưa dây chuyền sản xuất tôn mạ có công suất thiết kế 400.000 tấn/năm và vốn đầu tư 2.700 tỷ đồng vào hoạt động trễ hơn dự kiến 2 tháng hoặc lâu hơn.

Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh trong quý 2 của Hòa Phát được dự báo tiếp tục khả quan. Doanh thu thuần trong quý 2 của công ty có thể đạt 14.140 tỷ đồng, tăng 33,24% và lãi ròng đạt 2.250 tỷ đồng, tăng 46,2% so với cùng kỳ nhờ vào tổng sản lượng tiêu thụ thép trong 3 tháng tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.

Ở thị trường trong nước, Hòa Phát vẫn đang cho thấy ưu thế vượt trội so với các đối thủ cùng ngành. Trong giai đoạn từ năm 2014 đến nay, công ty đã mở rộng thị phần từ 19,1% lên 23,9%. Hiện nay Hòa Phát và 4 công ty thép khác gồm VnSteel, Posco, Pomina Vinakyoei đang nắm giữ gần 70% thị phần trong nước.

Hiện tại, các nhà máy hiện tại của công ty đã hoạt động với gần 100% công suất. Hòa Phát đang xây dựng nhà máy Dung Quất để nâng công suất thép xây dựng thêm 600.000 tấn, tăng 25%. Đây là động lực duy trì tăng trưởng cho công ty trong thời gian tới khi dây chuyền cán thép đầu tiên dự kiến đi vào hoạt động từ quý III. Toàn bộ dự án sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2019.