Chỉ bỏ một thủ tục hành chính ‘cứu’ doanh nghiệp hàng trăm triệu USD

Nhật Minh - 11:40, 06/11/2022

TheLEADERĐại diện doanh nghiệp cho biết và nhấn mạnh việc số hóa nền hành chính công có giá trị lớn hơn nhiều gói hỗ trợ khác dành cho doanh nghiệp, mà không tốn đồng ngân sách nào.

Ông Trần Đức Nghĩa, đại diện Hiệp hội logistics Việt Nam, Giám đốc Công ty Delta International, cho biết, việc kết nối hệ thống cảng điện tử, hải quan điện tử đã giúp doanh nghiệp bỏ được thủ tục hải quan thanh lý tờ khai.

Chỉ cần bỏ đi một thủ tục này đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được tới 500 triệu USD/năm so với việc làm bằng thủ tục giấy tờ thông thường, ông thông tin tại hội thảo công bố mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính mới đây.

Tại công ty Delta, nếu kiểm tra chuyên ngành MCQG được làm ở cấp độ cao nhất, doanh nghiệp có thể tiết kiệm 10% chi phí do giảm nhân lực.

“Đó là một số dẫn chứng về những điều đạt được khi thực hiện số hóa nền hành chính công, có giá trị lớn hơn nhiều gói hỗ trợ khác dành cho doanh nghiệp mà không tốn đồng ngân sách nào", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo báo cáo khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia (MCQG) và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành mới nhất, việc triển khai cơ chế MCQG nhìn chung đem lại những thay đổi tích cực về thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

Về thời gian, 10 trong số 12 thủ tục hành chính trong diện đánh giá ghi nhận thời gian giảm bớt khi làm thủ tục qua cổng thông tin MCQG so với khi tiến hành thủ tục theo phương thức nộp hồ sơ truyền thống.

Việc triển khai cơ chế MCQG cũng giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp ở hầu hết các thủ tục so với hình thức làm thủ tục truyền thống trước đây, với mức cắt giảm chi phí trung bình 18 – 82%.

Không chỉ vậy, việc triển khai cơ chế MCQG áp dụng cho hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp. Theo đó, thời gian và chi phí giảm đáng kể ở các khâu khai báo thông tin hồ sơ và tiếp nhận, giải quyết hồ sơ.

Điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp có nhìn nhận tích cực và ủng hộ việc triển khai cổng thông tin MCQG rộng rãi và toàn diện hơn nữa, để tiếp tục giảm các gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Chỉ bỏ một thủ tục hành chính ‘cứu’ doanh nghiệp hàng trăm triệu USD 1

Phát biểu tại hội thảo công bố kết quả khảo sát, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, cho biết và nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận những cố gắng của các cơ quan nhà nước.

Một số chuyển biến tích cực so với trước đây có thể kể đến là số đông các doanh nghiệp cho biết cổng MCQG được vận hành tương đối tốt; quá trình thực hiện thủ tục trực tuyến trên cổng thuận lợi hơn; việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua cổng đã giúp giảm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp.

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp cũng quan sát thấy những chuyển biến tích cực tương tự trong lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành…

Thúc đẩy dòng chảy cải cách hành chính

Tuy nhiên, ông Phòng cũng lưu ý khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp tiếp tục mong muốn các bộ, ngành có thêm nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả của cổng MCQG, và đẩy mạnh cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với việc vận hành cổng, các bộ, ngành cần thường xuyên cập nhật chính sách, quy định mới, cơ quan vận hành cần nâng cấp cổng, tích hợp thêm các dịch vụ, tiện ích.

Cùng với đó, cải thiện cách thức thu thập, xử lý kịp thời các vấn đề kỹ thuật và những vướng mắc mà doanh nghiệp thường gặp; đơn giản hóa quy trình thực hiện các thủ tục hành chính…

Đối với lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành, các bộ, ngành cần tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các khâu trong quy trình kiểm tra chuyên ngành, từ nộp hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, lấy mẫu và thông báo kết quả; áp dụng đầy đủ và rộng rãi hơn nguyên tắc quản lý rủi ro để tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp có lịch sử tuân thủ tốt; giảm thiểu những điểm chồng chéo giữa các quy định về kiểm tra chuyên ngành;

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tiếp tục đề nghị việc triển khai cơ chế MCQG cần nhanh hơn và triệt để hơn, để giảm tối đa các giấy tờ phải nộp, chuyển tối đa sang số hóa, tránh tình trạng doanh nghiệp vừa phải khai thông tin trên cổng MCQG, vừa phải làm thủ tục trực tiếp tại cơ quan quản lý nhà nước.

Các cơ quan nhà nước cũng cần có cơ chế kết nối, chia sẻ thông tin để tránh yêu cầu trùng lặp với các doanh nghiệp.

“Đồng thời với đó, là cần tiếp tục giảm thiểu chi phí ngoài quy định đối với các doanh nghiệp”, ông Phòng nhấn mạnh.