Chìa khoá mở cửa nền kinh tế không dùng tiền mặt

Trang Nguyễn - 14:44, 03/06/2019

TheLEADERHọc theo cách Uber hay Grab đã làm khi thay đổi thói quen của người sử dụng trong gọi taxi truyền thống sang sử dụng công nghệ gọi xe trên ứng dụng điện thoại thông minh để phát triển nền kinh tế không dùng tiền mặt.

Đầu tư thay đổi … thói quen

Khi tích hợp công nghệ vào các sản phẩm và dịch vụ tài chính dường như không còn là một bài toán khó đối với nhiều định chế tài chính tại Việt Nam, trở ngại giờ đây đến trực tiếp từ thói quen của người dân trong việc sử dụng tiền mặt và chỉ khi thói quen này được thay đổi thì Việt Nam sẽ thực sự trở thành một nền kinh tế không dùng tiền mặt.

Theo ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), trình độ, hạ tầng, công nghệ cũng như các sản phẩm dịch vụ tài chính của Việt Nam đang phát triển đến mức độ tương đương với mặt bằng trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên thay đổi thói quen của người tiêu dùng từ sử dụng tiền mặt trong các giao dịch hàng ngày sang giao dịch số là một thách thức lớn.

Giáo dục để thay đổi thói quen nguời dân bởi vậy đóng một vai trò quan trọng khi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại và công ty fintech cần phải đầu tư cho hoạt động truyền thông và phổ cập kiến thức rộng rãi đến người dân.

Ông Minh lấy ví dụ của Grab khi vào thị trường Việt Nam, loại hình taxi công nghệ này đã bỏ rất nhiều chi phí để giáo dục khách hàng, hay nói một cách khác là thay đổi thói quen người sử dụng.

“Tôi tin là các công ty ra đời sau này như là GoViet hoặc là Be hoặc là các công ty khác cũng được hưởng lợi đối với việc thay đổi hành vi của khách hàng do các công ty tiên phong thực hiện. Đây là câu chuyện mà trong thách thức sẽ có cơ hội và hy vọng là các ngân hàng và các công ty tài chính sẽ có những chương trình riêng của mình,” ông Minh chia sẻ tại sự kiện Banking Vietnam 2019 diễn ra tuần trước.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thuỳ Dương, Phó tổng giám đốc dịch vụ tài chính ngân hàng của EY Việt Nam khẳng định, thách thức để phát triển một xã hội không dùng tiền mặt nằm ở ba yếu tố, bao gồm con người, năng lực tài chính và cơ chế chính sách.

Theo bà Dương, NHNN đã nhận thức được rất rõ vai trò và các chính sách để có thể dẫn dắt và thúc đẩy nền kinh tế không dùng tiền mặt trong những năm vừa qua.

“Tôi cũng mong đến tương lai gần thì NHNN cũng xây dựng một trung tâm nghiên cứu phát triển để nghiên cứu các cơ chế chính sách và các sản phẩm dành riêng cho bản thân ngân hàng để nó gần gũi hơn, tiếp cận được nhiều hơn,” bà Dương nói.

Các sản phẩm tài chính và quy trình giao dịch vận hành sẽ phải đủ gần gũi và tiện lợi để nguời dân có thể sử dụng và không gặp khó khăn, nếu không người dân sẽ không thể sử dụng được thanh toán không dùng tiền mặt để chi trả cho việc đi mua bò hoặc mua cây xanh về trồng, bà Dương lý giải.

Nền tảng sẵn sàng

Sự kiện Banking Vietnam 2019 có nhiều sản phẩm tài chính số đã được các ngân hàng và công ty công nghệ lớn mang đến giới thiệu, phần nào phản ánh bức tranh sinh động của hạ tầng thanh toán số tại Việt Nam. Các sản phẩm như thanh toán qua QR code, thẻ tín dụng ảo, ví điện tử và sắp tới đây là mô hình Mobile Money sẽ được NHNN đưa vào thử nghiệm. Sự phát triển này không nằm ngoài định hướng của NHNN trong đề án thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020.

Nhiều ngân hàng ngoại như Standard Chartered đã mang công nghệ thẻ tín dụng ảo đến tay khách hàng nội của mình trong năm vừa qua.

Chìa khoá mở cửa nền kinh tế không dùng tiền mặt
Dịch vụ ngân hàng số Yolo của VPBank.

Các ngân hàng nội bên cạnh đó cũng không chịu kém cạnh khi cũng đưa ra các sản phẩm tương tự và có phần chịu chơi hơn khi xây dựng hẳn mô hình ngân hàng số vào hoạt động song song với ngân hàng truyền thống trong một nỗ lực phát triển mảng ngân hàng số của mình.

VPBank được biết đến là ngân hàng đầu tiên giới thiệu ngân hàng số, hay đúng hơn là một hệ sinh thái kết hợp các dịch vụ tài chính và dịch vụ vui chơi, giải trí và mua sắm, với tên gọi YOLO, đến khách hàng của mình trong năm 2018.

Công ty tài chính của ngân hàng này, FE Credit, năm ngoái cũng giới thiệu nền tảng cho vay tự động có tên $Nap, cùng với SHIELD - một ứng dụng mua bảo hiểm trực tuyến và FE Card Mobile hoạt động như một thẻ tín dụng ảo, với mục đích đơn giản hóa hoạt động cho vay tới khách hàng.

Trong tháng 5 vừa qua, ngân hàng VIB cũng giới thiệu công nghệ thẻ ảo đến khách hàng của mình, cho phép họ có thể sử dụng thẻ ảo tích hợp trên điện thoại thông minh ngay khi đăng ký, rút ngắn hoàn toàn quy trình và thời gian giao dịch so với sử dụng thẻ vật lý.

Công nghệ Green PIN cũng là một công nghệ mới mà ngân hàng này vừa đưa vào sử dụng. Khách hàng của VIB sẽ được nhận được mã PIN của mình qua điện thoại và công nghệ mới này cũng giúp VIB giảm thiểu chi phí in ấn và chuyển phát mã PIN cho khách hàng qua bưu điện và bảo vệ môi trường.

Theo chia sẻ của bà Trần Thu Hương, Giám đốc Khối bán lẻ của Ngân hàng VIB, trên 76% giao dịch của VIB là qua ngân hàng số, và ngân hàng hiện có khoảng gần 8 triệu giao dịch mỗi năm.

Đầu tư vào mảng ngân hàng số, theo bà Hương, “càng làm sớm và ráo riết” thì bản thân ngân hàng càng có lợi trong tương lai.

“Dựa trên những ưu điểm sẵn có của mình và dựa trên đầu tư bài bản về công nghệ, VIB coi phát triển hệ thống ngân hàng tự động là chiến lược của mình trong thời gian tới. Các công nghệ khác như là AI hay robotics sẽ được tiếp tục tích hợp vào hệ thống ngân hàng số của VIB và đây là một trong những lợi thế cạnh tranh vô cùng mạnh mẽ của VIB so với các ngân hàng khác trên thị trường,” bà Hương trao đổi với TheLEADER bên lề sự kiện.

Các công nghệ khác như là AI hay robotics sẽ được tiếp tục tích hợp vào hệ thống ngân hàng số của VIB và đây là một trong những lợi thế cạnh tranh vô cùng mạnh mẽ của VIB so với các ngân hàng khác trên thị trường.

Bà Trần Thị Thu Hương
Bà Trần Thị Thu HươngGiám đốc Khối bán lẻ ngân hàng VIB

Dẫn các con số thống kê, bà Hương cho biết Việt Nam hiện có nhiều yếu tố tích cực bổ trợ cho việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, 44% khách hàng của các ngân hàng đang sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử và thị trường thanh toán qua thẻ ngân hàng đang trong giai đoạn nóng lên với 158 triệu thẻ đã được phát hành ghi nhận tại thời điểm cuối quí 1 vừa qua, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thêm vào đó, hiện có gần 10 triệu người dùng ví điện tử với 20 loại ví điện tử đang hoạt động.

Với 66% dân số sử dụng Internet, 143 triệu thuê bao di động và 72% trong số này sử dụng điện thoại thông minh, bên cạnh con số 35% dân số thuộc thế hệ Millennial am hiểu công nghệ và mạng xã hội, cơ hội để Việt Nam tiến tới một nền kinh tế không phụ thuộc vào tiền mặt là rất lớn.

Tuy nhiên, cơ hội lớn này đi kèm một thách thức không nhỏ khi 70% người dân Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng và cơ sở hạ tầng tài chính còn thiếu với chỉ 18.668 máy ATM và 261.705 điểm thanh toán POS để phục vụ 158 triệu thẻ đã phát hành.

Thêm một thách thức nữa đến từ thói quen của người tiêu dùng khi 99% trong số họ đang sử dụng tiền mặt hàng ngày và 85% giao dịch ATM là để rút tiền.

“Gần 99% tất cả các giao dịch mà dưới 4 đô la ở Việt Nam hoàn toàn là dùng tiền mặt và chúng ta cũng gặp một chút khó khăn nữa, đó là tỷ lệ người dân ở những vùng không phải là đô thị chính, mà ở vùng sâu vùng xa thì cũng chiếm đa số, trên 60%. Và tại các vùng này, cơ hội để tiếp cận với công nghệ sẽ không nhiều như các tỉnh, thành phố lớn. Chúng ta còn nhiều việc phải làm với cơ sở vật chất để tạo được cơ sở tốt cho thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam”, bà Hương nói.