Chiến lược mới cho đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu

Phạm Sơn - 09:28, 12/10/2021

TheLEADERBộ Tài nguyên và môi trường đề nghị các địa phương miền Tây Nam Bộ nghiên cứu, bổ sung thêm các phương án chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu, bên cạnh các quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 120/NQ-CP.

Chiến lược mới cho đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu
Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với nguy cơ lớn từ biến đổi khí hậu. Ảnh: TN.

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh lương thực cho Việt Nam và quốc tế. Chiếm diện tích rộng và 20% dân số Việt Nam nhưng đồng bắng sông Cửu Long chỉ đóng góp khoảng 18% GDP quốc gia.

Nghiên cứu về đồng bằng sông Cửu Long của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và đại học Fulbright chỉ ra, khu vực này là vùng trũng về cơ sở hạ tầng, đầu tư, giáo dục của Việt Nam, do quan điểm chiến lược chưa hiệu quả.

Đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm cả biến đổi khí hậu, theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Trưởng nhóm nghiên cứu Báo cáo kinh tế đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất Chín Rồng đang “chìm theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng” nếu không có những hành động cụ thể và kịp thời.

Nghị quyết 120/NQ-CP ra đời nhằm giải quyết triệt để những vấn đề còn vướng mắc cho miền Tây, với trọng tâm đặt vào việc thay đổi tư duy phát triển theo hướng kinh tế nông nghiệp, tôn trọng và tránh can thiệp vào tự nhiên, phát triển miền Tây theo hướng bền vững, thịnh vượng, phù hợp với lợi ích chung của đất nước.

Tuy nhiên, diễn biến của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên khó lường. Nhiều dự báo quốc tế chỉ ra, đồng bằng sông Cửu Long sẽ là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, kéo theo những thiệt hại về kinh tế và xã hội khó có thể đo đếm được.

Từ sự cấp thiết của việc “cứu” đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Tài nguyên và môi trường mới đây đã có văn bản gửi cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ xây dựng và các tỉnh thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long, đề nghị đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP trong năm 2021

Bên cạnh đó, các bộ ngành và địa phương cũng cần tiếp cận, nghiên cứu nội dung chiến lược mới về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, bổ sung vào Nghị quyết 120/NQ-CP.

Trên cơ sở đánh giá, bổ sung, những quan điểm chiến lược mới sẽ được áp dụng để bảo vệ đồng bằng sông Cửu Long trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phát triển bền vững kinh tế, xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Giải pháp mới cho bối cảnh mới

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, 13 địa phương đồng bằng sông Cửu Long đều phải thực hiện giãn cách xã hội, đúng vào thời điểm thu hoạch nhiều loại cây lương thực, hoa màu, trái cây, thủy sản.

Tình trạng tắc nghẽn tiêu thụ nông sản trở thành vấn đề nóng trong suốt nhiều tháng, thu hút sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành và địa phương. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phải thành lập riêng một tổ công tác đặc biệt để khơi thông tiêu thụ nông sản cho khu vực miền nam.

Nói về việc đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định, câu chuyện “được mùa mất giá” trở nên trầm trọng hơn bởi Covid-19, tuy nhiên thực tế không phải là câu chuyện mới.

Theo Bộ trưởng, đại dịch là cơ hội tốt để nhìn lại và tạo ra những sự thay đổi mang tính chiến lược cho miền Tây, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, cần có cơ chế mới để liên kết chặt chẽ các tỉnh thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long, điều đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết 120/NQ-CP nhưng vẫn còn lúng túng trong việc triển khai.

Đồng thời, nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long cần định hướng tăng giá trị thay vì tăng sản lượng, phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn, phát triển dựa trên nhu cầu của thị trường.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt cũng đề ra một số giải pháp cho phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biển đổi khí hậu dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo đó, các giải pháp khoa học công nghệ cần được ứng dụng trong việc giám sát, đo đạc thông số môi trường, khí hậu, thổ nhưỡng để cung cấp thông tin kịp thời cho các biện pháp thích ứng, đặc biệt là vấn đề liên quan đến nguồn nước ngọt dùng cho canh tác và sinh hoạt, vấn đề chống xói mòn và sạt lở đất.

Thành phố Cần Thơ được Bộ trưởng đề nghị nghiên cứu thành lập Trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ, chú trọng vào nông nghiệp, nông thôn.