Chính phủ Lào đã số hóa ngành gỗ thế nào?

Việt Hưng - 12:31, 06/10/2018

TheLEADERTheo kế hoạch, khi áp dụng công nghệ Blockchain, tài nguyên rừng của Lào sẽ có giá trị tăng 2,5 lần, nhờ quản lý và sử dụng hiệu quả hơn.

Tài nguyên gỗ tại Lào đã được khai thác thương mại ở quy mô nhỏ kể từ thời thuộc địa và là một nguồn ngoại hối quan trọng. Năm 1988 sản phẩm gỗ chiếm hơn một nửa tổng thu nhập xuất khẩu. Năm 1992, gỗ và sản phẩm gỗ chiếm gần một phần ba tổng xuất khẩu chính của Lào.

Vào những năm 1950, rừng chiếm 70% diện tích đất ở Lào. Đến năm 1992, theo ước tính của Chính phủ Lào, diện tích rừng đã giảm gần 1/3, chỉ còn 47% tổng diện tích đất.

Theo Tổ chức Liên Hợp Quốc và các cơ quan giám sát khác, nạn phá rừng đã gia tăng liên tục trong suốt những năm 1980, với tỷ lệ trung bình hàng năm khoảng 1,2% trong nửa đầu thập kỉ. Tỉ lệ này tiêu hủy khoảng 150.000 đến 160.000 ha mỗi năm, so với tái trồng rừng hàng năm khoảng 2.000 ha.

Từ thực trạng đó, năm 2016, Chính phủ Lào đã đi tới quyết định ngừng toàn bộ hoạt động khai thác gỗ và không cấp quota khai thác gỗ hàng năm cho các đơn vị, tổ chức, lẫn doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Để xiết chặt hoạt động quản lý gỗ rừng, gỗ quý hiếm, Chính phủ Lào đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, từ việc đưa ra các dự luật, chế tài xử phạt, cho tới khuyến khích người dân trồng và bảo vệ rừng. Kết quả bước đầu cho thấy hoạt động quản lý, khai thác tài nguyên gỗ ở Lào có những chuyển biến tích cực.

Đóng góp vào kết quả đó là giải pháp quản lý gỗ rừng bằng Blockchain, được công ty Derun (Lào) triển khai và ứng dụng tại tỉnh Bolikhamxay vào giữa năm nay.

Derun kết hợp cùng International Digital Asset Management (IDA) tích hợp công nghệ Blockchain, trí thông minh nhân tạo (AI) và Internet of Things (IoT) để quản lý dự án khai thác và chế biến 9.400 ha gỗ rừng cho Chính phủ Lào.

Chính phủ Lào đã số hóa ngành gỗ thế nào?
Tài nguyên rừng của Lào được dự báo có giá trị tăng 2,5 lần, nhờ quản lý và sử dụng hiệu quả hơn

Thông qua dự án này, Chính phủ Lào có thể dễ dàng quản lý cây gỗ từ xa, mỗi khối gỗ khi được khai thác sẽ biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, năm trồng, công ty chế biến, khai thác, phục vụ mục đích sản xuất hay xuất khẩu.

Bên cạnh đó, công nghệ do IDA triển khai còn giải quyết tính minh bạch trong hoạt động quản lý gỗ - vốn luôn bị coi là "mập mờ" từ trước tới nay.

Chưa kể, ngoài hoạt động quản lý, khai thác, Blockchain còn giúp báo cáo, theo dõi tình hình gỗ rừng trực tuyến, từ đó giúp các chuyên gia dễ dàng bổ sung cây trồng, tài nguyên khi cần thiết, tránh tình trạng khai thác hết mới bắt đầu trồng mới.

Được biết, cải thiện năng lực nền kinh tế địa phương là một trong những trọng tâm quan trọng được Chính phủ Lào đặt ra. Theo kế hoạch, khi áp dụng giải pháp của Derun và IDA, tài nguyên rừng của Lào sẽ có giá trị tăng 2,5 lần, nhờ quản lý và sử dụng hiệu quả.

Đây không đơn thuần là ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực tài nguyên gỗ rừng, mà Chính phủ Lào sẽ tiến tới tạo ra một hệ sinh thái giúp số hóa các ngành nghề truyền thống. Từ đó sẽ hình thành một mạng lưới các dịch vụ sản xuất giá trị gia tăng tại Lào, giúp năng lực sản xuất, quản lý tăng tới 6 lần.

Không riêng lĩnh vực tài nguyên gỗ, trước đó, đập thủy điện Nam Theun số 1 cũng áp dụng công nghệ Blockchain để tiếp kiệm chi phí vận hành, đồng thời gia tăng năng xuất.

Theo số liệu từ Cơ quan năng lượng tái tạo ở Lào, kể từ khi đập thủy điện Nam Theun số 1 được "số hóa", công suất điện đã tăng thêm 10%, tạo ra khoảng 650 MW năng lượng. Nhờ hoạt động quản lý hiệu quả, năng lượng dư thừa từ đập thủy điện còn được xuất khẩu sang các nước láng giềng như Thái Lan.

"Chúng tôi tự hào khi được đồng hành cùng chính quyền tỉnh Bolikhamxay, khi giúp nâng cao hiệu quả, an toàn và tính minh bạch trong quản lý các tài nguyên của địa phương. Gỗ luôn chiếm tỷ trọng lớn trong lĩnh vực xuất khẩu của Lào, nhưng giá trị gia tăng thấp. Với việc số hóa ngành gỗ, chúng tôi tin tưởng nền tảng công nghệ mà IDA cung cấp sẽ giúp giá trị này tăng lên nhiều lần", ông Arthur He, Nhà sáng lập IDA nói.