Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2022

Tùng Anh - 16:13, 02/10/2022

TheLEADERTừ tháng 10/2022, nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực, nổi bật trong đó là các quy định liên quan đến kinh doanh vận tải, đóng bảo hiểm thất nghiệp, lưu trữ dữ liệu...

Dừng giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 24/9/2021 quy định người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được giảm mức đóng bảo hiểm từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Trong đó, đối tượng được giảm 1% mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022) là người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 1/10/2021.

Người sử dụng lao động nêu trên không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Như vậy, từ ngày 1/10/2022, người sử dụng lao động sẽ không còn được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ quay về mức 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Giảm một số loại phí kinh doanh vận tải

Thông tư số 59/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí. Trong đó, giảm từ 20 - 50% một số loại phí hoạt động kinh doanh vận tải từ ngày 1/10 đến hết ngày 31/12/2022.

Cụ thể, giảm 20% phí trọng tải tàu, thuyền hoạt động hàng hải nội địa; phí bảo đảm hàng hải hoạt động hàng hải nội địa; lệ phí ra, vào cảng biển hoạt động hàng hải nội địa.

Giảm 20% mức thu đối với 7/10 nội dung thu phí trong hai khoản phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay.

Giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt. Giảm 50% phí trình báo đường thủy nội địa và lệ phí ra, vào cảng bến thủy nội địa.

Lưu trữ trong nước dữ liệu thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam 

Nghị định số 53/2022/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 15/8/2022quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng.

Cụ thể, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải thực hiện lưu trữ những dữ liệu sau tại Việt Nam:

Một là dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam.

Hai là dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra, bao gồm: tên tài khoản, thời gian sử dụng dịch vụ, thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ mạng đăng nhập, đăng xuất gần nhất, số điện thoại đăng ký được gắn với tài khoản hoặc dữ liệu;

Ba là dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam gồm bạn bè, nhóm mà người sử dụng dịch vụ kết nối hoặc tương tác.

Hình thức lưu trữ sẽ do doanh nghiệp quyết định. Thời gian lưu trữ dữ liệu bắt đầu từ khi doanh nghiệp nhận được yêu cầu lưu trữ dữ liệu đến khi kết thúc yêu cầu. Thời gian lưu trữ tối thiểu là 24 tháng.

Thời gian đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam bắt đầu từ khi doanh nghiệp nhận được yêu cầu đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam đến khi doanh nghiệp không còn hoạt động tại Việt Nam hoặc dịch vụ được quy định không còn cung cấp tại Việt Nam.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Nghị định số 55/2022/NĐ-CP ngày 23/8/2022 của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có hiệu lực từ ngày 10/10/2022.

Theo đó, cơ sở dữ liệu này là là tập hợp thông tin về việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân và thông tin, dữ liệu về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý kiến nghị, phản ánh của cơ quan có thẩm quyền được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin.

Cơ sở dữ liệu được xây dựng, quản lý tập trung tại thanh tra Chính phủ và được tổ chức cập nhật, khai thác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Miễn phí cấp và sử dụng tài khoản định danh điện tử

Nghị định số 59/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2022.

Theo nghị định này, chủ thể danh tính điện tử là cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam không phải thanh toán chi phí đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử và chi phí sử dụng tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Danh tính điện tử công dân Việt Nam gồm: số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; ảnh chân dung; vân tay.

Danh tính điện tử người nước ngoài bao gồm: số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; ảnh chân dung; vân tay.

Danh tính điện tử tổ chức gồm: mã định danh điện tử của tổ chức; tên tổ chức gồm tên tiếng Việt, tên viết tắt (nếu có) và tên tiếng nước ngoài (nếu có); ngày, tháng, năm thành lập; địa chỉ trụ sở chính; số định danh cá nhân hoặc số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu của tổ chức.