Chủ tịch SSI: 'Động lực tăng trưởng mới của Việt Nam chính là nhận thức của Chính phủ'

Linh Lan - 12:55, 16/11/2017

TheLEADERĐó là nhận định của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - SSI khi chia sẻ về thị trường vốn trong Diễn đàn Tổng quan Nikkei châu Á tại Việt Nam.

Chủ tịch SSI: 'Động lực tăng trưởng mới của Việt Nam chính là nhận thức của Chính phủ'
Ông Nguyễn Duy Hưng. Ảnh: NDH

Trả lời câu hỏi rằng tại sao Việt Nam hôm nay lại là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, ông Hưng chia sẻ: "Một đất nước với 90 triệu dân, một chính phủ coi doanh nghiệp là động lực tăng trưởng, chính là điều thu hút các nhà đầu tư".

"TTCK Việt Nam được chia ra làm 2 thời kỳ, một là thời kỳ chuẩn bị gia nhập WTO và hai là thời kì từ 2016 đến 2021", ông nói.

"Nhìn lại cách đây hơn 10 năm khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO, tôi nhớ ngày ấy khi chúng tôi sang tổ chức hội thảo tại Nhật Bản, có tới hơn 300 nhà đầu tư đại diện các quỹ khác nhau, các công ty khác nhau quan tâm tới Việt Nam và đến nghe chúng tôi trình bày. Thậm chí khi đi taxi tại Tokyo, khi thấy cô thư kí cầm bộ tài liệu của SSI, anh lái xe taxi cũng hỏi 'các anh làm chứng khoán ở Việt Nam à? Việt Nam sở hữu cơ hội kiếm tiền nhiều lắm phải ko?'"

"Một đất nước với 90 triệu dân, một chính phủ coi doanh nghiệp là động lực tăng trưởng, chính là điều thu hút các nhà đầu tư".

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI)

Đó là câu chuyện của 10 năm trước khi Việt Nam gia nhập WTO. Với kì vọng của các nhà đầu tư, một lượng vốn rất lớn đã được đổ vào Việt Nam. Lúc bấy giờ, giá chứng khoán, giá bất động sản lên hàng ngày. Nền kinh tế đầu cơ bắt đầu được hình thành kèm theo tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo tôi, tình hình lúc bấy giờ là không bền vững do dự báo biến động và đầu cơ thị trường .

"Quy mô TTCK lúc bấy giờ rất nhỏ, chỉ có một số công ty. Vì vậy, khi một lượng tiền đổ vào quá lớn tức khắc chứng khoán sẽ biến động theo, cứ mua ngày hôm trước thì ngày hôm sau giá tăng. Ngay trong thị trường chứng khoán cũng xảy ra bong bóng. Và khi người ta cảm thấy việc huy động tiền hay kiếm tiền quá dễ, nhiều doanh nghiệp cảm thấy rằng chúng ta chỉ cần phát hành cổ phiếu sẽ thu được một lượng tiền rất lớn mà không kịp cải tổ để đưa bộ máy mình lớn lên nhằm sử dụng các khoản đầu tư một cách hiệu quả". 

Tình hình quản trị doanh nghiệp không được cải thiện, cơ sở hạ tầng không được nâng cấp một cách đồng bộ với lượng tiền đổ vào. Sau một thời gian đến đỉnh điểm, TTCK bắt đầu đổi chiều kèm theo những bất cập: Nợ xấu ngân hàng tăng cao, thanh khoản thị trường thấp, hệ thống ngân hàng bị đe dọa.

Tuy nhiên, sau đó, rất may mắn chính phủ Việt Nam đã kịp nhìn thấy tất cả câu chuyện đó để đưa ra những giải pháp hợp lý.

"Giai đoạn thứ hai là giai đoạn chính phủ mới được hình thành. Một trong những nguyên tắc đưa ra của Chính phủ mà tôi cho đó chính là động lực của tăng trưởng kinh tế. Với chủ trương vĩ mô hiện nay, Nhà nước sẽ không huy động và phân bổ nguồn lực mà chỉ định hướng nguồn lực qua các chính sách còn để các thành phần kinh tế chủ động làm việc đó. Khi nguyên tắc này được triển khai một cách rộng tãi, các bước tiếp theo sẽ đẩy mạnh tính hiệu quả của nền kinh tế", ông Hưng nói.

Mặc dù những câu chuyện này mới bắt đầu vào cuối năm 2016 nhưng thành tựu đạt được là rất tốt. Dù tình hình thu ngân sách, hay các vấn đề của hệ thống ngân hàng vẫn tồn tại nhưng về cơ bản, các chỉ số đang được đánh giá rất tốt.

Trước đây, khi chúng ta tăng trưởng dựa vào đầu cơ tài sản, nhờ vào việc chính phủ huy động và phân bổ nguồn lực thì chỉ số ICOR của Việt Nam vô cùng cao. Còn hiện nay, thành công điển hình cho chính sách mới này chính là việc thoái vốn nhà nước khỏi các DNNN và các kế hoạch IPO của các doanh nghiệp lớn được thực hiện rất nhiều và khá hiệu quả. Như vậy, trong một thời gian rất ngắn, lượng tiền đưa vào nền kinh tế là khá lớn.

"Đây không phải chỉ là những hiệu ứng trước mắt mà đó là niềm tin của các nhà đầu tư và những kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới", ông Hưng nhấn mạnh.