Chuyển đổi du lịch theo hướng tuần hoàn

Phạm Sơn - 15:29, 05/10/2021

TheLEADERDu lịch xanh, tuần hoàn, hướng đến giá trị bền vững là xu thế của ngành du lịch hậu đại dịch Covid-19.

Chuyển đổi du lịch theo hướng tuần hoàn
Du khách sẽ ưu tiên lựa chọn dịch vụ du lịch gắn với giá trị bền vững. Ảnh: Vietnamtourism.

Trải qua gần 2 năm khốn đốn vì đại dịch Covid-19, ngành du lịch toàn cầu đang bắt đầu tái khởi động. Tuy nhiên, những tác động của Covid-19 có thể khiến ngành du lịch mang một diện mạo hoàn toàn mới.

Theo nghiên cứu gần đây của hãng du lịch Expedia, du lịch sau đại dịch sẽ được định hình bởi 3 xu hướng, bao gồm điểm đến và trải nghiệm mới; du lịch nội địa, ngắn hạn; du lịch xanh, hướng tới phát triển bền vững.

Trong đó, 53% du khách tham gia khảo sát cho biết mối quan tâm của họ tập trung vào du lịch bền vững và 59% du khách sẵn sàng trả thêm tiền để chuyến đi đóng góp vào phát triển bền vững.

Yếu tố bền vững cũng tác động rõ rệt tới quyết định lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú, du lịch. 73% du khách sẽ lựa chọn khách sạn, nhà nghỉ thực hành những quy tắc thân thiện với môi trường và cộng đồng và 65% du khách lựa chọn doanh nghiệp dịch vụ thể hiện tính toàn diện trong công cuộc phát triển bền vững.

Từ những số liệu trên, có thể thấy du lịch xanh, du lịch hài hòa với thiên nhiên và cộng đồng dân cư bản địa sẽ là xu hướng chủ đạo trong tương lai. Đây cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp ngành du lịch có thể tận dụng để nhanh chóng phục hồi sau cú sốc Covid-19.

Nói về tính bền vững trong ngành du lịch, theo ông Lê Ngọc Tường, Phó giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, những năm gần đây, xu thế này được nhiều cơ quan nhà nước, cơ quan thông tấn báo chí và cộng đồng doanh nghiệp đề xuất như một giải pháp giúp ngành du lịch đóng góp vào công cuộc bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa.

Tuy nhiên, nếu nhìn dưới góc độ doanh nghiệp, câu chuyện du lịch xanh, du lịch bền vững đem lại nhiều giá trị thực tiễn và cụ thể.

Đầu tiên, thay đổi sản phẩm du lịch để đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách, đặc biệt sau bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến những giá trị an toàn, bền vững càng được coi trọng.

Thứ hai, mở rộng không gian khai thác của ngành du lịch, ví dụ như không gian sinh thái, làng quê, cách xa đô thị nhưng không làm ảnh hưởng đến sự hài hòa của thiên nhiên, cộng đồng. Ông Tường cho biết, muốn khai thác giá trị du lịch tại những nơi này, dịch vụ du lịch cần phải có trách nhiệm, phù hợp với cộng đồng.

Cuối cùng và quan trọng nhất là tiết giảm chi phí, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho doanh nghiệp ngành du lịch, với minh chứng rõ nét nhất là sự thành công những biệt thự, homestay theo phong cách thiên nhiên hay các chương trình trải nghiệm ẩm thực, trải nghiệm văn hóa gần gũi với thiên nhiên và con người bản xứ.

“Chọn hướng phát triển bền vững là xu thế tất yếu của ngành du lịch”, ông Tưởng đúc kết.

Tháng 8 vừa qua, Ủy ban nhân ân tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 5177 về phát triển du lịch xanh đến năm 2025, với mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng được 10 - 20 mô hình du lịch xanh kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí du lịch xanh.

Kế hoạch bao gồm công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch xanh đến cộng đồng, doanh nghiệp…; ban hành và triển khai Bộ tiêu chí du lịch xanh của riêng tỉnh Quảng Nam.

Theo kế hoạch, thành phố Hội An sẽ là điểm du lịch đầu tiên được lựa chọn để xây dựng mô hình du lịch xanh theo Bộ tiêu chí du lịch xanh, sau đó tiếp tục nhân rộng trên địa bàn tỉnh và quy mô toàn quốc.

Để thực hiện kế hoạch này, vừa qua chính quyền thành phố Hội An, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam phối hợp với Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) ký kết Khung kế hoạch doanh nghiệp giảm rác thải hướng tới Hội An – điểm đến xanh giai đoạn 2021 – 2023, nằm trong khuôn khổ Chương trình đối tác chiến lược IUCN Việt Nam với Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) và dự án Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương được thực hiện bởi Trung tâm GreenHub.

Kinh tế tuần hoàn cho du lịch bền vững

Những năm gần đây, kể cả thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều đơn vị dịch vụ du lịch, lưu trú, nghỉ dưỡng đã tiên phong trong công cuộc chuyển đổi du lịch xanh, với việc sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, tuyên truyền nâng cao ý thức của du khách…

Những xu thế đó được PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) đánh giá cao. Tuy nhiên, ông Quân nhận xét, chỉ những hành động này, dù thể hiện phần nào ý thức và trách nhiệm của doanh nghiệp, nhưng vẫn chưa đủ để xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho ngành du lịch.

Hướng tới du lịch xanh, du lịch tuần hoàn đúng nghĩa, theo ông Quân, cần phải xem xét và điều chỉnh dựa trên 4 nhóm giải pháp.

Đầu tiên, xem xét sản phẩm sử dụng trong ngành du lịch theo vòng đời. Hiện nay nhiều đơn vị sử dụng những sản phẩm như túi phân hủy sinh học, ống hút giấy, cốc giấy… thay thế cho đồ nhựa, phần nào nhận được thiện cảm của du khách. Tuy nhiên, để xem xét sản phẩm ấy có thực sự thân thiện với môi trường hay không cần phải xem xét quá trình sản xuất liệu có gây ra ô nhiễm, quá trình xử lý, thu gom sau khi vứt bỏ…

Thứ hai, nhìn nhận kinh tế tuần hoàn như một mô hình, với hiệu quả được đánh giá trong dài hạn, thay vì những hành động tưởng như thân thiện với môi trường nhưng chỉ mang tính chất “làm hình ảnh”.

Ông Quân nhận xét, kinh tế tuần hoàn về bản chất là một mô hình, tức là nếu được áp dụng tốt sẽ tự vận hành và nuôi sống chính nó. Các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn thường lo ngại về chi phí đầu tư ban đầu nhưng nếu nhìn trong dài hạn sẽ thấy được giá trị về nhiều mặt.

Thứ ba, cần gắn liền du lịch với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt khi vấn đề biến đổi khí hậu đang là vấn đề nóng trên toàn cầu. Lãnh đạo ICED nhận xét, tiên phong gắn liền du lịch với kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính sẽ là điểm nhấn đặc biệt cho các địa điểm trong hoạt động quảng bá.

Thứ tư, thiết lập một hệ sinh thái số hỗ trợ du lịch tuần hoàn, kết nối doanh nghiệp với cơ sở lưu trú, với người nông dân, thợ thủ công bản địa đang áp dụng những giải pháp xanh, tạo ra luồng thông tin cụ thể, rõ ràng, minh bạch để làm việc chặt chẽ với nhau cũng như giới thiệu cho du khách.

Hệ thống số hóa này cũng có thể được sử dụng để kiểm soát lượng du khách, thông qua ứng dụng đặt trước, giá cả tùy thuộc vào từng thời điểm. Nếu làm như vậy, lượng du khách sẽ không gây áp lực quá lớn tới cơ sở hạ tầng nhưng cũng không tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các phân khúc du khách.

Cuối cùng, chuyển đổi du lịch theo hướng tuần hoàn sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự cộng tác, phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cơ quan chính quyền địa phương, các cấp quản lý trung ương cho tới các tổ chức, doanh nghiệp, điểm du lịch quốc tế.