Chuyển đổi số từ dưới đi lên

Việt Hưng - 16:19, 13/12/2022

TheLEADERNếu có thể chuyển đổi số được nhóm doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, là các tiểu thương đang sử dụng khoảng 35 triệu lao động, thì sẽ tác động rất tích cực đến chuyển đổi số toàn bộ nền kinh tế, xã hội tại Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 (VFTE 2022), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo và nhấn mạnh: "Theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2020 - 2030, Chính phủ đặt mục tiêu 7%/năm, từ 2031 trung bình 6,5%-7%/năm. Công nghệ thông tin được nhìn nhận như một mũi nhọn để có thể đạt được các mục tiêu này".

Theo Phó Thủ tướng, nền kinh tế số Việt Nam có nhiều dư địa, nhưng cũng có nhiều thách thức đặt ra, trong đó bao gồm các yếu tố như: nguồn lực, thể chế... Với các sản phẩm, doanh nghiệp công nghệ trong nước, cần đặt ta bài toán rất cụ thể, làm đến cùng, không để người dùng bận tâm, hay nghi ngờ.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đánh giá, doanh nghiệp số Việt Nam đang đóng một vai trò quan trọng trong việc góp phần chuyển đổi số quốc gia, đồng thời đưa các thương hiệu Việt vươn ra toàn cầu.

Hiện công nghệ số tiếp tục là điểm sáng, khi năm 2022 doanh thu ước đạt 148 tỷ USD, doanh nghiệp công nghệ số có sự phát triển mạnh mẽ với 70.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập và hoạt động; xuất khẩu công nghệ số ước đạt 136 tỷ USD, tiếp tục khẳng định vai trò của công nghệ số trong đổi mới số sáng tạo.

Chuyển đổi số từ dưới đi lên
Ông Nguyễn Bá Diệp - đồng sáng lập MoMo

Đại diện các doanh nghiệp, ông Nguyễn Bá Diệp - đồng sáng lập MoMo chia sẻ: "Chúng tôi thấy rằng việc chuyển đổi số của xã hội không chỉ phát triển ở thượng tầng mà phải "từ dưới đi lên". Ở Việt Nam hiện có khoảng 5 triệu doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, là các tiểu thương đang sử dụng khoảng 35 triệu lao động. Nếu chúng ta có thể chuyển đổi số được nhóm doanh nghiệp này thì sẽ tác động rất tích cực đến chuyển đổi số toàn bộ nền kinh tế, xã hội".

Theo ông Diệp, ngay từ khi ra đời, MoMo đã mong muốn ứng dụng công nghệ giúp người dân tiếp cận dịch vụ tài chính đơn giản, dễ dàng với chi phí thấp nhất. Qua đó, các sản phẩm tài chính của MoMo tập trung vào việc hỗ trợ nhiều hơn cho các đối tượng có thu nhập trung bình thấp, yếu thế trong xã hội.

Như trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, MoMo phối hợp cùng TPBank để triển khai sản phẩm Ví Trả Sau, giúp những người trước giờ chưa có cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính. Chỉ sau 1 thời gian ngắn ra mắt, đã có hàng triệu người sử dụng sản phẩm này với giá trị giải ngân hàng nghìn tỷ đồng.

"70% người sử dụng Ví Trả Sau là người chưa có lịch sử tín dụng, chưa có giao dịch ngân hàng trước đó, không thể chứng minh thu nhập hoặc không có thu nhập ổn định như sinh viên, công nhân, lao động tự do, tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Chúng tôi nhìn thấy rằng đây là nhóm đối tượng yếu thế và thực sự cần một giải pháp để tiếp cận dịch vụ tài chính truyền thống", ông Nguyễn Bá Diệp cho biết.

Bên cạnh đó MoMo còn triển khai dịch vụ mua bán Chứng chỉ quỹ, phối hợp với công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp. Một trong những vấn đề không chỉ riêng Việt Nam mà còn cả thế giới là khoảng cách giàu - nghèo. Thông qua sản phẩm Chứng chỉ quỹ này, MoMo giúp người thu nhập thấp vẫn có thể đầu tư từ giá trị nhỏ.

Thao tác giao dịch đơn giản và hoàn toàn miễn phí. Chỉ trong vài tháng triển khai sản phẩm này, lượng khách hàng mà MoMo phát triển được nhiều hơn tổng số tài khoản nhà đầu tư chứng chỉ quỹ của toàn thị trường trong nhiều năm trước đó.

Chuyển đổi số từ dưới đi lên 1
Ứng dụng công nghệ giúp người dân tiếp cận dịch vụ tài chính đơn giản, dễ dàng

Ngoài ra, MoMo cũng tham gia tích cực trong việc thúc đẩy thanh toán không tiền mặt và chính phủ số. Trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hơn 90% dịch vụ công cả MoMo đã có thể thanh toán bằng MoMo. Tính trong 8 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán bằng MoMo chiếm hơn 33,73% tổng giao dịch thanh toán trên Cổng Dịch vụ công Quốc Gia.

MoMo kết nối với hàng nghìn trường học, đại học, cao đẳng, bệnh viện trên cả nước để người dân có thể thanh toán bằng MoMo. Gần đây nhất, trong năm đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thanh toán lệ phí xét tuyển Đại học, Cao đẳng trực tuyến, MoMo là phương thức thanh toán được nhiều thí sinh, phụ huynh lựa chọn, chiếm hơn 50% tổng giao dịch thanh toán (tương đương 192.000 giao dịch, chỉ trong 3 tuần triển khai).

Đặc biệt, MoMo hiện cũng là nền tảng thiện nguyện điện tử lớn nhất Việt Nam. Thông qua nền tảng này, đã có hơn 8,2 triệu người tham gia đóng góp cho các hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ.

Trong hơn 3 năm qua, MoMo đã kết nối với hơn 36 tổ chức, huy động số tiền quyên góp hơn 167 tỷ đồng. Số tiền này đã giúp đỡ được hơn 223.000 cháu bé có hoàn cảnh khó khăn, xây nhà chống lũ, hỗ trợ tiền tuyến chống dịch bệnh Covid-19,...