Chuyện vượt bão Covid-19 ở Miss Ede và Làng Chài Xưa

Quỳnh Chi - 09:08, 22/07/2020

TheLEADERKhi các doanh nghiệp lớn phải vật lộn đối mặt với nhiều vấn đề từ cắt giảm chi phí, chuyển đổi số để tồn tại thì các doanh nghiệp nhỏ lại tìm kiếm được cơ hội để bắt đầu số hoá, xoay chuyển thị trường và thậm chí có cơ hội “chiến” với các ông lớn nếu khéo léo.

Những tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp. Dù vậy, nhiều công ty với khả năng thích ứng linh hoạt đã nhanh chóng tìm kiếm được cơ hội trong khó khăn để vượt khủng hoảng. 

Có những doanh nghiệp dù ở quy mô nhỏ nhưng cũng đã tìm cách biến khó khăn thành cơ hội. 

Thương hiệu Miss Ede, nhãn hiệu dành cho các mặt hàng chế biến từ nông sản sạch Đắk Lắk, bắt đầu từ cà phê bột và sô-cô-la, trước đây chủ yếu tập trung hướng đến thị trường khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam đã khiến doanh số của Miss Ede đột ngột trở về con số 0.

Tìm hiểu và đánh giá kỹ, ông Hoàng Danh Hữu, nhà sáng lập Miss Ede xác định phải nhanh chóng thu hồi lượng hàng tồn nằm trên kệ và tìm cách chuyển hướng sang phục vụ thị trường khách nội địa.

Doanh nghiệp quy mô nhỏ nắm bắt cơ hội mùa Covid
Ông Hoàng Danh Hữu, nhà sáng lập thương hiệu Miss Ede

Ông nhận thấy, vấn đề lớn nhất không nằm ở doanh nghiệp của mình mà nằm ở các đối tác bán lẻ khi suốt mấy tháng liền đóng cửa mà vẫn phải trả tiền mặt bằng. Ông cùng đối tác ngồi lại để chia sẻ khó khăn và tìm phương án cùng hỗ trợ thay vì chỉ nghĩ đến bản thân doanh nghiệp của mình.

Theo ông Hữu, dịch Covid-19 cũng là cơ hội để đánh giá lại các đối tác. Những đối tác dù quy mô nhỏ, gặp khó khăn chưa thể thanh toán mà chủ động bày tỏ mong muốn được kéo dài thời gian thì có thể là các đối tác uy tín. 

Nếu nhận thấy những đối tác này có khả năng phục hồi sau dịch, việc đồng hành cùng họ vượt qua khó khăn sẽ tạo sợi dây duy trì mối quan hệ giữa hai bên sau khi hồi phục. 

Còn đối với những bên quy mô lớn có vẻ gặp ít khó khăn hơn mà không chịu thanh toán cũng không trao đổi gì với ông thì ông Hữu cũng cân nhắc về việc tiếp tục đồng hành.

Cơ hội thứ hai mà nhà sáng lập Miss Ede nhận thấy là cơ hội xoay chuyển thị trường khi khách du lịch quốc tế tạm thời không có, cũng không biết bao giờ mới hồi phục trở lại. 

Trong thời điểm giãn cách xã hội, tất cả chủ doanh nghiệp lớn hay lãnh đạo các điểm bán lẻ khác cũng phải ở nhà. Đó là thời điểm thích hợp để ông Hữu gọi điện, nhắn tin kết nối với họ.

“Bình thường họ bận chả thèm để ý đến những doanh nghiệp nhỏ như mình. Covid là thời gian tôi làm việc hiệu quả nhất từ trước đến giờ, hết cách ly thì bung ra đi gặp gỡ trực tiếp, thảo luận các phương án với đối tác”, ông Hữu chia sẻ tại hội thảo trực tuyến iMAP Talk Kickoff dành cho các doanh nghiệp iMAP với chủ đề "Kinh doanh tạo tác động xã hội" do Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Xã hội (CSIE), Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Trung tâm Pháp Việt đào tạo về quản lý (CFVG) đồng tổ chức dưới quỹ bảo trợ của Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam.

Theo ông Hữu, lãnh đạo của các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại ở Việt Nam đều có tuổi đời từ 7x trở lại, phần đa là 8x, được đào tạo bài bản và có tư duy cởi mở. Đặc biệt, họ rất có tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội, tôn vinh bản sắc dân tộc. Là những người trẻ, họ cũng sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp trẻ làm thật. 

Thậm chí, nhiều sản phẩm được lên kệ mà không phải trả tiền thuê trong khi việc đưa được sản phẩm lên kệ thường sẽ phải tốn một khoản phí khá lớn. Điều này nhờ đồng quan điểm về tư duy và tinh thần giữa lãnh đạo các doanh nghiệp.

“Tôi chưa bao giờ nói chuyện với các anh chị đó về giá, về chiết khấu… Gặp họ, tôi sẽ chia sẻ các câu chuyện của tôi, về những thứ tôi đang làm, về ước mơ và cả khó khăn. Tôi cứ nói thật những gì mình có. Họ đủ khôn ngoan để biết tôi làm thật hay không, và họ luôn ủng hộ những người trẻ làm thật”, ông Hữu cho biết.

Tất nhiên, các quy trình mua hàng, bán hàng thì vẫn phải tuân thủ, sản phẩm phải đảm bảo tiêu chuẩn. Nhưng đó là công việc do các nhân viên cấp dưới tiến hành. Thông thường, quy trình này cũng diễn ra rất nhanh.

Bên cạnh đó ông Hữu cho rằng, các doanh nghiệp quy mô lớn gặp rất nhiều khó khăn buộc phải cắt giảm hàng loạt chi phí, từ marketing đến nhân sự để có thể tồn tại; và để lại một thị trường trống cực lớn cho các doanh nghiệp nhỏ nhảy vào. Các doanh nghiệp nhỏ đưa sản phẩm vào các doanh nghiệp bán lẻ trong mùa dịch sẽ không tốn nhiều chi phí, thậm chí là không mất phí.

“Các doanh nghiệp lớn cũng phải cắt giảm nhân sự, lương thưởng. Cho nên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang trong trạng thái có thể “chiến” được ngược lại với các ông lớn nếu khéo léo. Nhưng lưu ý, đừng dại dột đối đầu về tài chính vì kết cục chỉ có “chết” hoặc “bị thương”, nhà sáng lập Miss Ede nói và cho rằng: “Cơ hội có, thách thức có nhưng quan trọng là lựa chọn như thế nào”.

Cơ hội để bắt đầu số

Gần 20 năm làm thuê, làm chủ rồi liên doanh và sau đó bán hết cổ phần cho đối tác là một công ty nghiên cứu thị trường lớn nhất nước Nhật, TS. Trần Ngọc Dũng trở về quê hương với số vốn 100 tỷ đồng để thực hiện dự án bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa tái hiện 300 năm lịch sử của làng chài, đồng thời quyết tâm phục dựng lại thương hiệu Nước mắm Tĩn Phan Thiết.

Qua hai năm đi vào hoạt động, dù chưa đánh giá được nhiều nhưng ông Dũng cho biết rất hài lòng với các bước tiến đã đạt được, mặc dù vừa qua bị mắc nghẽn do ảnh hưởng của đại dịch. Đáng chú ý, không có bất kỳ một nhân sự nào của Làng Chài Xưa phải nghỉ việc, không ai bị giảm lương và đặc biệt là ai cũng trong tinh thần làm việc, đóng góp cao hơn cả trước mùa dịch.

Doanh nghiệp quy mô nhỏ nắm bắt cơ hội mùa Covid 1
TS. Trần Ngọc Dũng, nhà sáng lập Làng Chài Xưa

Ông Dũng cho biết, ngay từ thời điểm bắt đầu dự án khoảng 4 năm về trước, ông đã xác định không thể phụ thuộc vào du lịch quảng bá tại chỗ. Bảo tàng ở Phan Thiết chỉ là một trong số các kênh kể chuyện về những giá trị văn hoá, điểm đến Mũi Né - Phan Thiết và thương hiệu Nước mắm Tĩn. 

Ông muốn câu chuyện phải được đi xa hơn, nhiều người biết đến hơn chứ không chỉ kể cho những người lâu lâu mới đến Mũi Né vì một năm chỉ có khoảng 500 nghìn đến 1 triệu người vào tham quan bảo tàng. 

Do đó, công nghệ số đã được ứng dụng. Sau một năm Làng Chài Xưa đi vào hoạt động, ông Dũng đã thiết lập được một đội marketing kỹ thuật số với bốn bạn trẻ hoạt động tại TP. HCM. Chỉ khoảng 3-4 tháng sau đó, đội ngũ của ông đã đưa được thương hiệu lên các nền tảng trực tuyến. 

Khi dịch Covid-19 nổ ra buộc bảo tàng phải đóng cửa vì không có khách đến, toàn bộ nhân sự được dồn lên làm trên các kênh trực tuyến, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu trên các kênh trực tuyến nên doanh số Nước mắm Tĩn vào các tháng dịch cao gấp 4-5 lần so với trước dịch, bù cho sự sụt giảm doanh thu mảng du lịch.

Nhờ vậy, ông Dũng vẫn duy trì được việc làm cho 100% nhân sự và giữ nguyên mức lương cho họ. Ông cho biết, khi mọi thứ quay lại bình thường, kênh trực tuyến vẫn được duy trì và mang lại kết quả tốt. Đáng chú ý, đội ngũ nhân sự ở địa phương được học nhiều kỹ năng hơn, từ kỹ năng bán hàng, xử lý tình huống khi trả lời khách hàng…

Theo ông Dũng, các công ty rất lớn phải thực hiện chuyển đổi số trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ không cần “chuyển đổi số” phức tạp, chỉ cần “bắt đầu số hoá”, đó là một thuận lợi. Việc bắt đầu số không tốn kém, chỉ cần lập một nhóm gồm 4-5 người là đã hoàn toàn có thể nhanh chóng đưa sản phẩm lên các kênh trực tuyến chỉ sau vài tháng.

“Toàn bộ hành vi của khách hàng đang dịch chuyển lên online, họ tự tin hơn khi mua hàng online, dịch vụ giao hàng cũng đang phát triển mạnh ở Việt Nam nên phải nhanh chóng khai thác kênh này, đặc biệt là trong mùa dịch”, ông Dũng nói.

Nhà sáng lập bảo tàng Làng Chài Xưa cho biết hiện cũng đang xúc tiến với một đơn vị để đưa bảo tàng lên kênh trực tuyến mà vẫn đảm bảo trọn vẹn trải nghiệm cho khách dù không đến tham quan trực tiếp tại Phan Thiết.