Cơ chế cho TP.HCM cần có ‘sức nặng’ hơn nữa

Nhật Hạ - 17:39, 27/05/2023

TheLEADERDự thảo mới của Chính phủ đưa ra số lượng chính sách đặc thù cho TP.HCM là tương đối rộng, tuy nhiên cần có sự lựa chọn, có trọng tâm, tránh dàn trải để mỗi chính sách đều có cơ hội đi vào cuộc sống. Tránh tình trạng nhiều về số lượng nhưng hạn chế về sức nặng, Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội đánh giá.

Năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 với nhiều cơ chế đặc thù cho TP.HCM nhằm tạo động lực mới để ‘đầu tàu’ kinh tế cả nước bứt phá. Thành phố có vai trò quan trọng trong điều tiết về ngân sách trung ương, hiện đang đóng góp khoảng 27%.

Việc có chính sách vượt trội là cần thiết không chỉ đối với thành phố mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, thành phố vẫn chưa phát triển tương xứng với kỳ vọng. Phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách hiện hành còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá; nhiều vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển.

Do đó, trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV lần này, dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM sẽ được thảo luận và thông qua vào ngày 24/6 tới.

Trình Quốc hội dự thảo nghị quyết hôm nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nội dung chính của dự thảo có 7 nhóm cơ chế, chính sách từ Điều 4 đến Điều 10. Xét về tính mới và kế thừa, dự thảo gồm 4 nhóm cơ chế, chính sách, trong đó, có các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa.

Cụ thể, trường hợp thành phố dự kiến có nguồn thu ngân sách địa phương để bố trí tăng chi đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, thành phố được thực hiện trước việc phân bổ nguồn thu này cho các dự án mới, bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn, làm cơ sở bố trí vốn hằng năm và báo cáo Quốc hội vào năm cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Thành phố được sử dụng vốn đầu tư công của ngân sách thành phố ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam thực hiện cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm.

Cơ chế cho TP.HCM cần có ‘sức nặng’ hơn nữa
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Trang tin Quốc hội

Thành phố được áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD): sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 để thu hồi đất, thực hiện tái định cư tại chỗ và tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.

Dự thảo cũng quy định về các điều kiện cần đáp ứng đồng thời để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Thành phố được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa và được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án PPP này.

Bên cạnh đó, được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án công trình đường bộ hiện hữu với các điều kiện thực hiện bảo đảm lợi ích của người dân; được thực hiện dự án đầu tư theo Hợp đồng BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách Thành phố.

Dự thảo nghị quyết cũng quy định UBND quận được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách quận để thực hiện chi các nhiệm vụ cần thiết mà chưa được dự toán. Thành phố được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng; hỗ trợ các địa phương khác trong nước và một số địa phương tại nước khác.

Cùng với đó có các cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực cho công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) bao gồm tăng vốn điều lệ từ nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc thành phố, từ nguồn lợi nhuận còn lại của HFIC sau khi trích lập các quỹ.

Thành phố được bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Đồng thời được thu tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất từ các doanh nghiệp trong khu và ban hành quy chế thu, chi, đảm bảo tính minh bạch. Cho phép thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; tín chỉ các-bon được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế; nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon là nguồn thu ngân sách thành phố hưởng 100%.

Dự thảo cũng cho phép sử dụng các mái nhà của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công của các cơ quan để lắp đặt hệ thống điện mặt trời để cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở. Quy định cụ thể các trường hợp về lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng khi điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Ngoài ra, có quy định chính sách về xây dựng nhà ở xã hội: nhiệm vụ quy hoạch chi tiết được lập đồng thời với việc lập đồ án quy hoạch chi tiết; được bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại hoặc phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác tương đương về quy mô, ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại; quy định các loại đất cụ thể để phát triển nhà ở xã hội.

Quy định về điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng có thời hạn các công trình công cộng (nhà, sân bãi để xe; nhà vệ sinh công cộng) trên đất do nhà nước quản lý.

Cơ chế cho TP.HCM cần có ‘sức nặng’ hơn nữa 1
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Lê Quang Mạnh. Trang tin Quốc hội

Báo cáo thẩm tra dự thảo này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng phạm vi chính sách được đề xuất là khá rộng, trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên cần làm rõ với phạm vi chính sách như trong dự thảo đã đủ để tháo gỡ vướng mắc về thể chế đang cản trợ tiến trình phát triển hay chưa. Tránh tình trạng nhiều về số lượng nhưng hạn chế về sức nặng, tính sáng tạo.

Do đó, cần có báo cáo đánh giá tác động cần cụ thể cả về mặt tích cực và cả những thách thức, những tác động không thuận khi triển khai; chi tiết hơn về kết quả đầu ra; nhất là các chính sách tác động đến thu chi ngân sách nhà nước; đến nguồn lực thực hiện.

"Cần quy định rõ trong điều khoản thi hành những công việc cần triển khai; giao trách nhiệm cụ thể, tránh tình trạng ban hành xong nghị quyết nhưng không thể vận hành do không rõ căn cứ", theo ông Mạnh.

Ông đề nghị xây dựng dự thảo có trọng điểm, tránh dàn trải, đảm bảo khả thi và tránh rập khuôn như địa phương khác. Đồng thời chỉ đưa vào nghị quyết những chính sách đã rõ về căn cứ thực tiễn, rõ về nội hàm, chú trọng chính sách thực sự đột phá, khai thác hiệu quả về tiềm năng, vị trí chiến lược của TP.HCM.

Theo Ủy ban Tài chính, ngân sách, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để cân đối nguồn lực vì dự thảo đang tập trung nhiều vào chính sách chi ngân sách, tuy nhiên chính sách thu (như thuế, phí), khai thác nguồn lực còn khá mỏng.

Vì vậy, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh đề nghị nghiên cứu, có chính sách thu khả thi, góp phần cân đối nguồn lực cho những chính sách chi ngân sách. Đồng thời, đề nghị rà soát lại các chính sách có tác động trực tiếp đến ngân sách trung ương như các đề xuất miễn, giảm thuế để phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhất là khi chuẩn bị áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Mặc dù rất cần một cơ chế ưu đãi so với các địa phương khác, cần thu hút nhân tài, lao động chất lượng cao, song tránh tạo chênh lệch quá lớn về thu nhập giữa người lao động của TP.HCM với các địa phương khác.

Giám sát tối cao chuyên đề thực hành tiết kiệm chống lãng phí, cơ quan Quốc hội cũng nhận thấy TP.HCM còn nhiều dự án chậm triển khai qua nhiều nhiệm kỳ, gây lãng phí nguồn lực đất đai. Do đó, ông Mạnh đề nghị thành phố rà soát, sửa đổi quy định, căn cứ pháp lý để khơi thông nguồn lực.

Điều 6 dự thảo phân cấp cho UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, có thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị không quy định nội dung này vì TP HCM có vai trò, vị trí đặc biệt, việc điều chỉnh quy hoạch cần được cân nhắc cẩn trọng.

Về nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, có ý kiến đề nghị thực hiện theo quy định pháp luật về đất đai thay vì sử dụng cơ chế riêng để bảo đảm tính thống nhất, tránh không công bằng. Trường hợp thật cần thiết, cơ quan soạn thảo quy định rõ yếu tố đặc thù, căn cứ đề xuất để trình Quốc hội, tránh quy định trùng lắp.