Cơ hội thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt mùa Covid-19

Quỳnh Chi - 09:10, 28/08/2020

TheLEADERSau hơn chục năm triển khai, thói quen và nhận thức của người dân vẫn là một cản trở lớn đối với việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Nhưng Covid-19 diễn ra có thể sẽ mang lại một cơ hội lớn để nhanh chóng xoá bỏ rào cản này!

Cơ hội thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt mùa Covid-19
Còn nhiều việc cần làm để thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt ở Việt Nam

Năm 2007, ông Huỳnh Ngọc Huy, nay là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) là một trong những người đặt nền móng triển khai ví điện tử Payoo dựa trên ý tưởng PayPal của Mỹ. Ông Huy cho biết, sau hai năm triển khai, đội ngũ của ông nhận thấy mình đi sớm quá, như “cầm đèn chạy trước ô tô” khi người dân Việt vẫn chưa chấp nhận phương thức này. Ông quyết định thoái vốn.

Với ông Huy, việc thoái vốn ở công ty sở hữu Payoo là một món lời về số tiền thu về nhưng cũng là một sự thất bại vì ông đã không triển khai thành công ý tưởng. Rõ ràng, thị trường quá tiềm năng nhưng lại không phải là miếng bánh dễ ăn!

Gần mười năm sau đó, năm 2016, Tổng công ty CP bưu chính Viettel (Viettel Post) triển khai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt vào thời điểm sơ khai của hoạt động mua sắm qua mạng. 

Ông Đinh Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel Post cho biết, văn hoá “tiền trao cháo múc” của người tiêu dùng Việt đã được hình thành quá lâu, 95% khách hàng của Viettel Post lúc đó sử dụng hoạt động thanh toán dùng tiền mặt, tạo nên một rủi ro rất lớn với doanh nghiệp này.

Ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Sau bốn năm triển khai, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã có những bước phát triển, tuy nhiên, kết quả lại không được như kỳ vọng.

Theo Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) năm 2019, gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt.

Đơn cử như Viettel Post, sau bốn năm triển khai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, đến nay, vẫn còn khoảng 70% khách hàng sử dụng phương thức thanh toán tiền mặt. Con số 30% đạt được, theo ông Sơn, cũng là nhờ vào nhiều giải pháp để khuyến khích người dùng, chẳng hạn như khách hàng thanh toán trước qua chuyển khoản sẽ được giảm cước vận chuyển đến 20 - 30%.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân rất lớn của thực trạng thiếu hiệu quả trong việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt là nhận thức và thói quen của người tiêu dùng. Một số doanh nghiệp nhỏ cũng ngại sử dụng phương tiện thanh toán hiện đại vì không giấu được doanh thu và ảnh hưởng đến các khoản nộp thuế.

Ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) đánh giá, thói quen, hành vi sử dụng tiền mặt phổ biến của người dân nhìn chung đã giảm bớt nhưng vẫn chưa chuyển dịch mạnh sang thanh toán phi tiền mặt, thanh toán điện tử. Một bộ phận người tiêu dùng còn e dè khi tiếp cận với công nghệ, phương tiện thanh toán mới, do còn lo ngại về vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán.

Theo ông Dũng, còn một số thách thức trong phát triển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt liên quan đến cơ chế, chính sách, khuôn khổ quy định cần được nghiên cứu và hoàn thiện, nhất là định rõ chính sách đối xử, khuôn khổ quy định quản lý những phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, mô hình kinh doanh đổi mới, giải pháp thanh toán sáng tạo. Nổi bật trong đó là các tổ chức phi ngân hàng, công ty Fintech, các hãng công nghệ lớn tham gia vào lĩnh vực thanh toán.

Ngoài ra, tội phạm, gian lận trong thanh toán điện tử gần đây có chiều hướng gia tăng trong bối cảnh các dịch vụ, giao dịch trực tuyến trở nên phổ biến với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn.

Ông Dũng cũng cho biết, một số vấn đề phát sinh trong lĩnh vực thanh toán điện tử gần đây diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp, xử lý của nhiều bộ, ngành. Chẳng hạn như một số tổ chức, cá nhân sử dụng máy POS, thiết bị di động có nguồn gốc từ nước ngoài để chấp nhận thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam, không tuân thủ quy định pháp luật; hay hoạt động thanh toán cho các dịch vụ của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung ứng xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam...

Bắt cơ hội thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt mùa Covid
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước)

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, hạ tầng cơ sở và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam còn kém hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng.

“Hiện nay, các tổ chức tài chính (gồm ngân hàng, trung gian thanh toán và ví điện tử) đều xây dựng hệ thống trang thiết bị thanh toán riêng tại một điểm chấp nhận thanh toán, vừa gây lãng phí, vừa không tận dụng được hạ tầng chung. Các hình thức thanh toán mới như QR Code, sinh trắc học... bắt đầu phát triển nhưng chưa được quy hoạch, đánh giá để triển khai diện rộng”, ông Lộc nói tại diễn đàn “Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg- Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp”.

Đặc biệt, Chủ tịch VCCI nhận định, dù đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ thanh toán số, nhưng vẫn còn trở ngại về mặt pháp lý, thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành. Điều này khiến thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam chưa thể mở rộng nhanh và dễ dàng tới nhóm khách hàng ưa tiện lợi, nhất là khối doanh nghiệp.

Cụ thể là sự thiếu phù hợp giữa các quy định về chứng từ điện tử hiện hành và tính chất đặc thù của những chứng từ điện tử phát sinh trong các giao dịch số; vấn đề bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng vẫn chưa đảm bảo...

Covid-19 là chất xúc tác

Từ trước đến nay, công nghệ phát triển, các chính sách được ban hành cùng nhiều chương trình được triển khai nhằm nỗ lực hướng đến một nền kinh tế phi tiền mặt nhưng lại chưa tác động được sâu rộng đến người dân. 

Covid-19 xuất hiện, thói quen của người tiêu dùng thay đổi, chuyển sang các kênh trực tuyến nhiều hơn. Đây là cơ hội lớn để nhanh chóng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Bài toán thay đổi nhận thức sẽ dễ hơn nhiều so với trước đây, cùng với việc nhanh chóng giải quyết các thách thức đã nhận diện thì mục tiêu sẽ sớm có thể đạt được.

Chủ tịch LienVietPostBank cho biết, nhận thấy được cơ hội thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, trong mùa dịch, ngân hàng này đã tung ra các chương trình như giảm lãi suất cho khách hàng, giảm phí chuyển tiền nhanh liên ngân hàng.

Bắt cơ hội thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt mùa Covid 1
Ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank

Hiện nay, ngân hàng này đang phát triển ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt như Ví Việt; xây dựng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, thanh toán số. Ngoài phát triển công nghệ, mạng lưới, số lượng người dùng, LienVietPostBank cũng đẩy mạnh kinh doanh hợp tác với các thành phố, trường học, bệnh viện… để tăng khách hàng cũng như mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông Huy cho biết, thời gian tới, ngân hàng này sẽ ra mắt ứng dụng LienViet 24h tích hợp nhiều dịch vụ trong một ứng dụng, giúp cá nhân hóa trải nghiệm người dùng và dễ dàng kết nối với các đối tác phát triển hệ sinh thái.

Theo các chuyên gia, bài toán giáo dục cộng đồng cũng cần được đẩy mạnh và duy trì thực hiện về lâu dài. Chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, cách đây 20 năm, Mỹ đã thực hiện chương trình giáo dục cơ bản về sử dụng thanh toán phi tiền mặt. Chính phủ Mỹ yêu cầu các ngân hàng, trường học phổ biến chương trình này, đồng thời đào tạo người dân, đặc biệt là các học sinh, sinh viên sử dụng các công cụ thanh toán phi tiền mặt.

“Có thể thấy, giáo dục cộng đồng là một trong những biện pháp cần thiết để tuyên truyền, truyền thông về định hướng này, tuy nhiên, Việt Nam chưa có những chương trình như vậy”, ông Hiếu nói.

Ngoài ra, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cũng đề ra một số giải pháp. Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu ban hành mới, sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ hai, thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng ACH thế hệ mới, đóng vai trò là nền tảng thanh toán số với hướng tiếp cận mở và đảm bảo kết nối liên thông.

Thứ ba, hoàn thành kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam theo tiêu chuẩn thẻ chip nội địa; triển khai tiêu chuẩn cơ sở QR Code rộng khắp.

Thứ tư, khẩn trương ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 23/2014 về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, trong đó có quy định hướng dẫn mở tài khoản thanh toán cá nhân bằng phương thức điện tử, cho phép người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ dàng mở tài khoản, tiếp cận dịch vụ thanh toán qua kênh số, không cần gặp mặt trực tiếp.

Thứ năm, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn bằng những mô hình triển khai mới, giải pháp thanh toán phù hợp, gắn với việc triển khai Chiến lược quốc gia về Tài chính toàn diện.

Thứ sáu, tăng cường quản lý, giám sát đối với các hệ thống thanh toán quan trọng, các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, hoạt động thanh toán xuyên biên giới, đảm bảo sự vận hành an toàn, hiệu quả và gia tăng lòng tin đối với thanh toán điện tử.

Ông Trần Văn Trọng, Chánh văn phòng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, các đơn vị cung cấp giải pháp hay trung gian thanh toán cần có sự liên kết với nhau để đồng nhất, tạo nên một hệ sinh thái, giúp người dùng dễ dàng sử dụng cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.