Cô hướng dẫn viên du lịch bỏ lương nghìn đô để khởi nghiệp với trái dừa cười

Đặng Hoa - 08:00, 28/07/2018

TheLEADERNước da ngăm đen, nụ cười toả nắng và đầy quyết tâm là những gì người ta nhìn thấy ở Phạm Thị Vân, cô gái trẻ tạo nên thương hiệu trái dừa nắp khoen không chất bảo quản CôcôSmile hay còn gọi với cái tên thân mật là trái dừa cười Bến Tre.

Cô hướng dẫn viên du lịch bỏ lương nghìn đô để khởi nghiệp với trái dừa cười
Phạm Thị Vân, chủ của những trái dừa cười Bến Tre

Nếu từng mua hàng ở hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch như Sói Biển hay siêu thị H Mart, khách hàng cũng ít nhất một lần bị thu hút bởi những quả dừa cười CôcôSmile được thiết kế đẹp mắt bày trên kệ hàng.

Phạm Thị Vân, người tạo nên những quả dừa nắp khoen 100% tự nhiên này cho biết, trong những tháng cao điểm, mỗi ngày cơ sở sản xuất của cô phân phối khoảng 6.000 – 8.000 trái tới các cửa hàng, siêu thị thực phẩm sạch với mức giá 40.000 đồng/trái. 

Một số sản phẩm khác từ trái dừa như thạch dừa CocoMom vị lá nếp, lá cẩm, cà phê cũng đang được giới văn phòng ưa chuộng và sản xuất gần như không đủ bán vào mùa cao điểm.

Nhưng ít ai biết rằng, cô chủ nhỏ của xưởng sản xuất trái dừa cười Bến Tre này lại từng là một hướng dẫn viên du lịch, và cô đến với nghiệp kinh doanh chỉ vì tình yêu với ... trái dừa. 

Ý tưởng kinh doanh từ những chuyến du lịch

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống sản xuất, kinh doanh ở Hưng Yên, từ nhỏ Vân đã được bố cho ra chợ ngồi trông hàng hoặc phụ bố mẹ sấy khô nhãn để xuất khẩu. Sớm tiếp xúc với kinh doanh, lại khát khao trở thành doanh nhân thành đạt, nhưng công việc đầu tiên của Vân khi ra trường không phải lao vào kinh doanh, mà đi làm hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Mục tiêu của Vân là khi đến 30 tuổi phải đặt chân đến 30 quốc gia trên thế giới, rồi mới tính đến chuyện làm điều gì đó mới mẻ cho riêng mình. 

Cơ duyên với kinh doanh trái dừa cũng thật tình cờ. Trong một lần đi Úc, Vân có cơ hội uống thử dừa nắp khoen và cô gái sinh năm 1986 chợt nhận ra rằng, Việt Nam có những sản phẩm còn ngon hơn thế nhưng đáng tiếc là bạn bè trên thế giới lại không có cơ hội thưởng thức.

Cô tặng cho khách nước ngoài quả vải, nhãn, bơ và cả cà phê Việt Nam, những món quà nhận được nhiều lời khen. Và Vân khao khát một ngày không xa nông sản Việt sẽ vươn rộng ra đến thị trường thế giới.

“Tại sao mình không tìm đến các thị trường lớn ở bên ngoài trong khi ở Việt Nam cứ phải đi giải cứu nông sản?” Vân tự hỏi.

Thời điểm đó, dừa của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài vẫn chủ yếu ở dạng thô, chưa có nhiều giá trị gia tăng; chưa quảng bá được hình ảnh và giá trị thương hiệu Việt. Xuất khẩu nguyên liệu thô nên giá bán không cao, lợi nhuận thấp trong khi các sản phẩm được bày bán ở nhiều nước lại có giá cao gấp 5 lần so với giá bán ở Việt Nam.

Cô hướng dẫn viên du lịch quốc tế từ bỏ mức lương hơn nghìn đô/tháng để khởi nghiệp với trái dừa
Trái dừa vẫn đang chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô.

Nhờ cơ duyên, Vân gặp được nhóm bạn trẻ có cùng chí hướng phát triển dừa nắp khoen và góp vốn đầu tư, phát triển thị trường cho sản phẩm. Nhưng sau mấy tháng vật lộn nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm và bắt đầu được công chúng đón nhận cũng là lúc mâu thuẫn với nhóm bạn trẻ xảy ra, bao nhiêu vốn liếng cùng những nỗ lực của Vân coi như mất trắng.

Sau thất bại, bạn bè, gia đình và người thân khuyên Vân trở lại công việc cũ; an phận với số lương hơn nghìn đô mà bao người trẻ khác mơ ước và tìm cho mình một bến đỗ hạnh phúc. Nhưng với Vân, bỏ cuộc mới là thất bại; cô quyết định tự tạo nên thương hiệu cho chính mình.

Từ quả dừa Bến Tre đến hội chợ quốc tế

Bắt gặp Vân trong một sự kiện của Bộ Công thương về xuất khẩu nông sản sang thị trường Hàn Quốc, Vân gây ấn tượng bởi nụ cười tươi, nước da đen nhẻm đi vì nắng và một chiếc túi luôn có hai trái dừa nắp khoen CôcôSmile bên trong.

Vân cho biết, để mang thương hiệu đến được công chúng, cô không ngần ngại tìm kiếm thông tin và tham dự các hội thảo, hội chợ trong nước và quốc tế để gặp gỡ, giao lưu và quảng bá sản phẩm.

Là một cô gái trẻ được học hỏi rất nhiều nhờ hành trình qua hàng chục quốc gia, Vân thấy rằng không thể ngồi một chỗ để tìm kiếm khách hàng nên cô chịu khó đầu tư chi phí thăm dò thị trường; thậm chí dành nguyên một tuần để bay ra nước ngoài tìm hiểu sâu nhu cầu, quy mô và hệ thống phân phối của thị trường mà cô nhắm tới.

“Nhiều doanh nghiệp của Thái Lan và Trung Quốc sang Việt Nam nhập khẩu dừa về và gắn nhãn mác của họ; khách hàng ở đó không hề biết đến sản phẩm của Việt Nam và cũng chẳng hề biết Việt Nam có những sản phẩm tốt đến như vậy. Trong khi đó, quả dừa Bến Tre vừa được chứng nhận chỉ dẫn địa lý nên chắc chắn sẽ được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn, từ đó phát triển được các sản phẩm khác. Điều quan trọng trước mắt là phải đặt được một chân vào thị trường đó đã”, Vân chia sẻ.

Nhờ hơn 10 năm chu du khắp thế giới, Vân có được nhiều mối quan hệ và hiểu thêm thị trường các nước, hiểu rõ hoạt động của các khu chợ truyền thống, các hệ thống siêu thị nên từ đó biết được sản phẩm nào thì phù hợp bày bán ở đâu hơn. Nhờ vậy, việc kết nối kinh doanh cũng dễ dàng hơn.

Làm thị trường là một chuyện, nhưng điều quan trọng hơn hết là chất lượng sản phẩm. Cô tự tìm đến những người trồng dừa Bến Tre, cùng những người hái dừa chuyên nghiệp chọn ra những quả dừa xanh ngọt nhất, chất lượng nhất.

Nhằm giúp đỡ bà con nông dân có thêm thu nhập và hạn chế mang rác thải về thành phố, Vân thuê người gọt dừa ngay tại chỗ mua, cho họ lấy phần vỏ dừa phơi khô làm chất đốt hoặc nghiền làm phân bón hữu cơ. Những chiếc ống hút bằng tre, thân cỏ cũng được Vân sử dụng nhằm truyền thông điệp bảo vệ môi trường tới người tiêu dùng.

Cô hướng dẫn viên du lịch quốc tế từ bỏ mức lương hơn nghìn đô/tháng để khởi nghiệp với trái dừa 1
Sản phẩm dừa nắp khoen CôcôSmile.

Hướng đến tiêu chí 100% tự nhiên, Vân dành thời gian tìm hiểu phương pháp bảo quản sinh học để ngăn ngừa nấm mốc, vi khuẩn mà trái dừa vẫn trắng đẹp, không bị úa màu; nghiên cứu quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất.

Rồi cũng chính cô với sự giúp đỡ của bạn bè đã chu du khắp nơi tìm hiểu về máy cắt laser, về quy chuẩn chất liệu của nắp khoen, đinh rút...

Hiện nay, công ty của cô mặc dù hoạt động ở quy mô nhỏ với 6 nhân sự nhưng chủ yếu áp dụng kỹ thuật cao trong sản xuất. Trước đây, những quả dừa nắp khoen đầu tiên ra đời ở một xưởng nhỏ rộng 100m2 thì giờ đây nhu cầu khách hàng tăng lên cùng với chiến lược mở rộng thị trường và nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, Vân đã thuê được một nhà xưởng quy mô lớn hơn nhiều tại Bến Tre chuyên sản xuất dừa xuất khẩu có đầy đủ các chứng nhận Bio Organic, USDA Organic và vệ sinh an toàn thực phẩm. Cuối năm ngoái, những sản phẩm thương hiệu riêng của Vân đã xuất hiện trên thị trường.

Trong chiến lược của Vân, cô chọn phát triển mặt hàng nông sản hoàn toàn tự nhiên có sơ chế, chế biến thay vì làm organic và hướng đến đối tượng khách hàng vô cùng khó tính.

Vân tiết lộ, Singapore, Hong Kong và Hàn Quốc sẽ là ba thị trường chính mà các sản phẩm của cô hướng đến trong ba tháng tới.

"Hạnh phúc là được làm những gì mình thích"

Vân tâm sự, là phụ nữ làm khởi nghiệp sẽ có nhiều yếu điểm hơn so với nam giới, đặc biệt là không nhận được sự ủng hộ từ phía người thân và gia đình từ những ngày đầu tiên cho đến những cú ngã đầu đời. Bởi lẽ, việc đàn ông khởi nghiệp đi sớm về khuya, lăn lộn mưa nắng là chuyện thường tình. Nhưng là phận nữ nhi, ai mà không xót.

“Bố mẹ không nói gì cả cũng đã là một sự ủng hộ lớn rồi”, Vân nói.

Khi vấp ngã, đàn ông thường mạnh mẽ và lý trí hơn để vượt qua và đứng dậy làm lại nhưng là phụ nữ sẽ không tránh khỏi cảm giác nặng nề, thất vọng về bản thân và nếu có vượt qua khó khăn để bắt đầu lại thì cũng khó mà thoát khỏi áp lực bủa vây tứ phía. Vậy mới thấy, cô gái này mạnh mẽ đến nhường nào.

“Mọi người bảo tôi nên lấy chồng rồi chồng sẽ lo nhưng tôi không thích phụ thuộc vào người khác, đặc biệt là về kinh tế; tôi hoàn toàn có khả năng tự lo cho mình. Đối với tôi, hạnh phúc là được làm những gì mình thích”, Vân chia sẻ.

Dù có nhiều khó khăn trong quá trình lập nghiệp nhưng Vân mỉm cười thú nhận, là phụ nữ thường mềm tính hơn nên có khả năng thương lượng tốt hơn. Đôi khi, một chút mè nheo cũng giúp công việc được giải quyết nhanh hơn.

Cùng với khả năng ngoại giao sẵn có và những mối quan hệ có được, Vân nhận được nhiều giúp đỡ ở những lĩnh vực cô hoàn toàn không có khả năng như công nghệ, kỹ thuật.

Vân cũng chia sẻ, chính nhờ sự đam mê và tình yêu với trái dừa, sự nghiêm túc, quyết đoán và bản lĩnh trong công việc và những giá trị hướng tới cộng đồng là những điều khiến cộng sự của cô luôn tin tưởng và sát cánh cùng cô trên con đường mang quả dừa Việt vươn ra thế giới. 

Những trái dừa nhỏ xinh có khắc miệng cười đang ngày càng vươn xa như ánh lên sự tươi vui và lạc quan của cô hướng dẫn viên du lịch thuở nào.