Cơ sở để Quảng Ninh bứt tốc trong bối cảnh mới

Chi Anh - 08:53, 22/12/2021

TheLEADERViệc đạt được mục tiêu tiếp tục tăng trưởng hai con số trong năm 2022 không phải là chuyện dễ dàng trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và khó lường nhưng Quảng Ninh có những cơ sở vững chắc để có thể kỳ vọng cán đích thuận lợi trong năm tới.

Cơ sở để Quảng Ninh bứt tốc trong bối cảnh mới
Quảng Ninh đang ngày một thay da, đổi thịt với những bước phát triển mới, bền vững

Nhắc đến tỉnh Quảng Ninh hơn 10 năm về trước, những mỏ than – một thứ “vàng đen” hữu hạn mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho mảnh đất này vẫn là hình ảnh rõ nét nhất.

Thời điểm đó, tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh chiếm tới 59% cơ cấu nền kinh tế; cơ cấu thu nội địa dựa vào than và đất chiếm tới 77% số thu ngân sách nội địa. Trong đó, chỉ riêng số thu ngân sách từ ngành than đã chiếm 67% số thu nội địa của tỉnh mỗi năm.

Thế nhưng giờ đây, nếu vẽ nên bức tranh của Quảng Ninh, “đặc sản” mỏ than một thời có lẽ sẽ được đặt ở một góc nhỏ khiêm tốn mặc dù ngành than đến nay vẫn có những đóng góp lớn cho kinh tế địa phương này.

Điểm nhấn của bức tranh ấy, ở những ngày cuối năm 2021 nhìn lại, là một địa phương của những kỳ tích và đột phá do chính bàn tay và khối óc con người làm nên mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên.

Những điểm nhấn ấy được tạo nên nhờ một hành trình dài nỗ lực với tư duy cấp tiến của những người lãnh đạo qua các thời kỳ cũng như sự kỷ luật và đồng tâm của toàn bộ hệ thống.

Điểm nhấn lớn nhất phải kể đến là sự tích cực trong việc đổi mới thành công với phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh”. 

Quảng Ninh xác định, tăng trưởng xanh sẽ được thực hiện dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển gắn chặt với việc thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược: cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng.

Trong đó, Quảng Ninh được ví như một “ngôi sao cải cách” khi bốn năm qua liên tục giữ vững vị trí quán quân trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Với tư duy cải cách chỉ có điểm bắt đầu mà không có điểm kết thúc, lãnh đạo Quảng Ninh luôn xác định, dư địa cải cách vẫn còn nhiều.

Đó cũng là lý do tỉnh không ngừng đưa ra các nhiệm vụ và phương án mới mang tính đột phá, sáng tạo về cải cách để rồi trở thành hình mẫu cho các địa phương khác như DDCI, trung tâm hành chính công cấp tỉnh, tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chính quyền số…

Việc lãnh đạo các cấp của Quảng Ninh tự tạo sức ép để không ngừng lắng nghe và cầu thị các ý kiến từ phía doanh nghiệp, người dân để tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi là một trong những yếu tố khiến các nhà đầu tư lớn, nhỏ trong nước và quốc tế tin tưởng lựa chọn Quảng Ninh là điểm đến, góp phần tích cực vào quá trình phát triển của địa phương này.

Nói về hạ tầng, Quảng Ninh thực sự đã tạo nên những đột phá nhờ phương thức hợp tác công tư. Quảng Ninh coi việc hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối là mục tiêu chiến lược trong hành trình xây dựng và phát triển, tạo sức hút cho các nhà đầu tư.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Quảng Ninh đã làm nên những công trình hiện đại bậc nhất cả nước như cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. 

Cách đây không lâu, Quảng Ninh đã phát động và triển khai quyết liệt phong trào 100 ngày đêm hoàn thành ba dự án trọng điểm cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, cầu Cửa Lục 1 và đường bao biển nối thành phố Hạ Long với Cẩm Phả. Hai trong ba dự án này sẽ chính thức được khánh thành vào ngày 1/1/2022. Các lãnh đạo cấp cao nhất của tỉnh Quảng Ninh thường xuyên có mặt trên các đại công trường để kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc triển khai.

Cơ sở để Quảng Ninh bứt tốc trong bối cảnh mới 1
Không khí lao động khẩn trương ở đường hầm xuyên núi thuộc dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ninh xác định tiếp tục kiên trì thực hiện phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước chỉ như là “vốn mồi” để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là từ khu vực tư nhân, phát triển hình thức đối tác công – tư.

Quảng Ninh cũng sẽ tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghệ, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển.

Bên cạnh đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cũng là một yếu tố được Quảng Ninh xác định là then chốt trong quá trình phát triển.

Chỉ cách đây không lâu, sau khi thưởng lớn cho quán quân chương trình Đường lên đỉnh Olympia, Quảng Ninh cũng đã nhận được sự tán thưởng của người dân cả nước trước những chính sách đãi ngộ cho nhân tài, cụ thể là tăng mức thưởng đối với học sinh giỏi.

Đó chỉ là một ví dụ nhỏ cho thấy tầm nhìn chiến lược trong việc phát triển nguồn nhân lực cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế đã được tỉnh đặt ra từ lâu.

Quảng Ninh đã ra chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại các trường đại học trên địa bàn tỉnh, thu hút giảng viên chất lượng đến giảng dạy.

Đề án phát triển nguồn nhân lực được Quảng Ninh xây dựng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ tiến hành phân tích thực trạng nguồn nhân lực của tỉnh để chỉ ra những bất cập và nguyên nhân gốc rễ của vấn đề chất lượng nhân lực của tỉnh; học hỏi kinh nghiệm của các địa phương có cùng đặc điểm kinh tế - xã hội và phát triển.

Cùng với đó là nỗ lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với tăng nhanh quy mô, nâng cao chất lượng dân số và nghị quyết về phát triển khoa học công nghệ để đáp ứng được nhu cầu của quá trình dịch chuyển mạnh theo hướng dịch vụ - công nghiệp gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của tỉnh Quảng Ninh.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong nhiều năm qua, Quảng Ninh giờ đây đã thay da đổi thịt, trở thành một tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một trong những đầu tàu kinh tế miền Bắc và cả nước.

Kinh tế của Quảng Ninh liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm (2015 - 2020) đạt 10,7%, cao hơn so với bình quân chung cả nước.

Bước sang năm 2021 với nhiều khó khăn và thách thức trong bối cảnh đại dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, tỉnh Quảng Ninh vẫn là một điển hình trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa duy trì ổn định kinh tế - xã hội.

Năm 2021, Quảng Ninh đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 10,28%, đứng thứ hai so với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Với những thành tựu mà Quảng Ninh đã đạt được trong những năm qua, với kinh nghiệm trong việc tạo nên những dấu ấn và kỳ tích, cùng với tư duy cởi mở cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ để tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược, Quảng Ninh quyết tâm tiếp tục đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong năm tới dù bị đặt trong bối cảnh dịch bệnh. 

Cụ thể, Quảng Ninh đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt trên 10%, thu ngân sách nhà nước không thấp hơn 52,6 nghìn tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, thu hút vốn FDI đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2022.