Đại dịch Covid-19 có thể là cơ hội tốt để phục hồi kinh tế biển bền vững

Sơn Phạm - 08:50, 03/06/2020

TheLEADERĐặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Đại dương Peter Thomson đề xuất, đại dịch Covid-19 có thể là một cơ hội tốt, nếu chúng ta đặt mục tiêu phục hồi bền vững kinh tế biển vào kế hoạch phục hồi hậu đại dịch.

Đại dịch Covid-19 có thể là cơ hội tốt để phục hồi kinh tế biển bền vững
Con người còn đang khai thác tài nguyên biển một cách vô tội vạ.

Đại dương đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với hành tinh mà con người đang sinh sống. Không chỉ chiếm 3/4 diện tích Trái Đất, đây còn là ngôi nhà chung của hàng triệu loài động thực vật, cung cấp cho con người nhiều sản vật quý giá.

Năm 2019, Hội đồng Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã phát hành một bản Báo cáo đặc biệt về đại dương và tầng đối lưu trong biến đổi khí hậu. Báo cáo chỉ ra rằng, đại dương đã hấp thu tới 90% nhiệt lượng dư thừa và 20-30% lượng khí thải các bon, góp phần làm giảm hiệu ứng nóng lên của Trái Đất.

Đại dương đang bị hủy hoại

Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trung bình cứ mỗi phút, lượng rác thải nhựa có thể chất đầy một chiếc xe tải được đổ xuống biển. Đó là chưa kể những hóa chất độc hại khác như dư lượng thuốc trừ sâu, kháng sinh, dầu loang, kim loại nặng…

Cũng theo nghiên cứu được tiến hành bởi WEF, nếu tiếp tục duy trì tốc độ xả thải như hiện nay, đến năm 2050, lượng nhựa tồn tại trong biển cả sẽ còn nhiều hơn cả lượng cá. Đây có lẽ cũng không phải điều đáng ngạc nhiên, khi các chuyên gia từ Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) cho biết, số lượng rác nhựa nổi trên bề mặt đại dương – bao gồm cả đảo rác Thái Bình Dương với diện tích gấp 6 lần nước Pháp - mới chỉ chiếm khoảng 3% lượng có trong nước biển.

Bên cạnh đó, lượng khí thải các bon thải ra từ những hoạt động sản xuất của con người đang gây ra hiện tượng axit hóa nước biển, gây nguy hại cho sự sống của nhiều loài sinh vật.

Các chuyên gia cũng cho biết, nếu nước biển ấm lên khoảng 2 độ C, những rặng san hô – môi trường sống của 30% sinh vật biển – sẽ chết hàng loạt.

Không chỉ dừng lại ở xả thải, con người còn đang khai thác tài nguyên biển một cách vô tội vạ. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), sản lượng thủy hải sản đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không theo quy định (IUU) chiếm tới 30% sản lượng thủy hải sản được khai thác hàng năm, bao gồm 26 triệu tấn tôm cá, trị giá khoảng 23 tỷ đô la.

Chiến lược phục hồi kinh tế màu xanh lam

Mới đây, ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên hợp quốc đã đưa ra một thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn sự đa dạng sinh học trong việc bảo vệ môi trường, phòng chống tác hại của biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực và thậm chí là phòng chống sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Một trong những trọng tâm của bảo tồn đa dạng sinh học là bảo vệ môi trường đại dương – ngôi nhà chung của cả triệu loài động thực vật. Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về đại dương, ông Peter Thomson nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phục hồi kinh tế sau đại dịch kèm theo những mục tiêu về bảo vệ môi trường biển.

Nếu chúng ta yêu thương con cháu của mình, nếu chúng ta yêu hành tinh này, nếu chúng ta yêu cuộc sống này, thì hành động để cứu lấy môi trường là nghĩa vụ hàng đầu.
Peter Thomson
Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về đại dương.

Ông Thomson đề xuất một số biện pháp chung, bao gồm: thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, xây dựng hệ thống lương thực bền vững và chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo.

Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) cũng đồng quan điểm với các chuyên gia của Liên hợp quốc. Theo đó, WRI đưa ra 7 biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế biển một cách bền vững.

Đầu tiên, cần phải xây dựng và quản lý hệ thống xử lý nước thải một cách hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy có khoảng 3 tỷ người, tức là gần một nửa dân số thế giới đang chưa được tiếp cận với các cơ sở chất thải đạt chuẩn và được kiểm soát. Không chỉ gây hại cho sức khỏe con người và làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, phần nhiều nước thải có thể bị xả xuống sông, hồ rồi trôi ra biển.

Thứ hai, cải thiện hệ thống thoát nước mưa. Nước mưa có thể cuốn theo nhiều chất thải trôi ra các nguồn nước tự nhiên. Tác hại từ quá trình này có thể được hạn chế thông qua việc giữ gìn vệ sinh, tập trung xử lý rác thải hiệu quả, hạn chế sử dụng hóa chất trong nông nghiệp. Công tác thu gom, xử lý rác thải ở những cửa sông, cửa biển cũng cần được đẩy mạnh.

Thứ ba, nghiên cứu và ứng dụng vật liệu mới. Vật liệu nhựa đang là thách thức không nhỏ đối với môi trường nhưng cũng lại đóng một vai trò không thể thiếu trong đời sống. Việc tìm ra một loại vật liệu có đẩy đủ những đặc tính của nhựa nhưng có khả năng phân hủy sinh học, cũng như quy trình sản xuất không gây hại tới môi trường sẽ là bước tiến mang tính cách mạng đối với công cuộc chống lại biến đổi khí hậu.

Thứ tư, sử dụng hiệu quả và triệt để tài nguyên thiên nhiên. Trong nhiều trường hợp, sự lãng phí chính là nguyên nhân gây ra sự quá tải chất thải, ví dụ như các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Trên thực tế, nhiều quốc gia đã áp dụng những biện pháp như thu thêm phí sử dụng túi ni lông hay các sản phẩm cốc, bát nhựa đựng thực phẩm mang đi. Ở Anh, chính sách này đã làm giảm tới 9 tỷ chiếc túi ni lông từ năm 2015 cho đến nay.

Đại dịch Covid-19 có thể là cơ hội tốt để phục hồi kinh tế biển bền vững 1
Nếu tiếp tục duy trì tốc độ xả thải như hiện nay, đến năm 2050, lượng nhựa tồn tại trong biển cả sẽ còn nhiều hơn cả lượng cá.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác tái chế. Thực tế cho thấy, chỉ có 9% rác thải nhựa kể từ năm 1950 được tái chế, 12% bị thiêu hủy và 79% còn lại thì đang nằm đâu đó trong tự nhiên. Tái chế hoặc tái sử dụng là biện pháp tốt nhất nhằm xử lý khối lượng rác thải một cách an toàn và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Việc thúc đẩy tái chế và tái sử dụng đòi hỏi sự hợp tác từ chính quyền, doanh nghiệp cho tới người dân, trong công tác thu gom, phân loại rác thải cũng như ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ; công tác sản xuất cần đảm bảo sản phẩm khả năng tái chế và chấp nhận nguyên liệu tái chế làm đầu vào cho sản xuất.

Sở hữu quy trình tái chế hiệu quả chính là nền móng cơ bản cho xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn với những ưu điểm vượt trội so với nền kinh tế tuyến tính truyền thống: giảm bớt thâm dụng tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm chi phí sản xuất và xử lý chất thải, mở ra thị trường và cơ hội việc làm mới có giá trị cao.

Thứ sáu, cải thiện quản lý cũng như nâng cao chất lượng khu vực kinh tế ven biển. Cụ thể nên hạn chế việc nuôi trồng thủy hải sản trên biển hoặc ban hành quy định nghiêm ngặt, tránh gây ra hiện tượng dư lượng hóa chất không được xử lý bị thải ra biển.

Bên cạnh đó, chính quyền các cấp phải theo dõi sát sao ngành du lịch và dịch vụ ven biển, ngăn chặn những hành vi gây hại cho môi trường từ cả khách du lịch lẫn các đơn vị cung cấp dịch vụ: vứt bỏ rác thải xuống biển, xây dựng công trình trái phép, bắt hoặc giết hại động vật…

Ngành đánh bắt hải sản cũng cần được kiểm soát chặt chẽ, tránh hiện tượng đánh bắt tràn lan, vô tội vạ, gây những tác hại nghiêm trọng tới cân bằng sinh thái.

Cuối cùng, xây dựng hệ thống nước uống sạch, an toàn tại các vùng dân cư. Thông qua việc thiết lập những hệ thống xử lý nước đạt tiêu chuẩn, được cung cấp tại nhiều điểm trong khu vực dân cư, người dân có thể sử dụng nước sạch ở bất kỳ đâu làm giảm nhu cầu sử dụng những sản phẩm chai nhựa đựng nước dùng một lần.

Không chỉ góp phần hạn chế rác thải, đây còn là vấn đề hết sức cấp thiết khi có đến 1/3 dân số thế giới không được tiếp cận với nguồn nước uống đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh.

Những gì chờ đợi chúng ta ở đằng sau đại dịch chưa hẳn đã là một tương lai tươi sáng. Covid-19 là một minh chứng cho thấy con người yếu đuối thế nào khi đối mặt với thiên nhiên. Để có thể vững bước trên con đường phát triển, chính phủ, doanh nghiệp và mỗi người dân cần có một tầm nhìn xa hơn, vượt qua khỏi nhu cầu phục hồi trước mắt mà hãy hướng tới mục tiêu lâu dài và bền vững.