Leader talk
Đại dịch Covid-19 sẽ kéo theo 'dịch kinh tế' trầm trọng trên toàn cầu
Cả thế giới bị rơi vào vòng xoáy của cả 3 yếu tố dịch chuyển đang ngưng trệ, sẽ khiến chúng ta đứng trước một tình huống khủng hoảng đa dạng có lẽ chưa từng có, cuộc khủng hoảng cả cầu, cung, tài chính và tâm lý hoảng sợ.
Trao đổi với TheLEADER, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương đã đưa ra lời cảnh báo trên trong tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn biến đầy bất trắc khôn lường.
Quan sát chu kỳ dịch bệnh Covid-19 của từng quốc gia, theo ông thiệt hại kinh tế sẽ như thế nào? Ông có thể đưa ra tiên liệu khi nào thế giới mới hết dịch bệnh và kinh tế bình ổn?
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương: Thật sự không ai lúc này đã có đủ thông tin để có câu trả lời định lượng chính xác vì đang còn có quá nhiều biến số chưa xác định được một tình huống vô tiền khoáng hậu như hiện nay. Chúng ta chỉ có thể định tính một số nền tảng để tư duy cho tương lai.
Chu kỳ dịch bệnh ở mỗi nước thì không lâu, chỉ khoảng 2-3 tháng sau điểm bùng phát nhưng hệ lụy kinh tế thì sẽ kéo dài ở những cấp độ khác nhau vì kinh tế toàn cầu bây giờ kết nối với nhau như các bộ phận của thân thể con người. Khi nào còn một nước có vấn đề thì cả thế giới đều bị ảnh hưởng ít nhiều. Nhiều cơ sở sản xuất của Trung Quốc đã dần phục hồi khả năng sản xuất nhưng thị trường thế giới ngoài Trung Quốc lại bắt đầu bị đóng thì xuất cho ai.
Doanh nghiệp sẽ còn bị nhiều cú sốc liên hoàn làm kéo dài sự xáo trộn trong kinh doanh của mình.
Trần Sĩ Chương
Chuyên gia kinh tế
Kinh tế thế giới thật sự đang ở lúc cực thịnh vào cuối năm 2019. Chỉ vì sợ con ma Covid-19 này mà thế giới co cụm không dám đi lại, không làm ăn gì được cả.
Chỉ khi nào tâm lý con người được ổn định hơn sau một thời gian “sống chung với lũ” là dịch bệnh, hoặc khi đã có vắc xin thì con người sẽ không còn sợ con ma này nữa, lúc đấy kinh tế thế giới mới bắt đầu đi vào giai đoạn bình ổn.
Dịch này giết người cũng nhiều nhưng giết doanh nghiệp còn gấp nhiều lần hơn nữa, hàng loạt doanh nghiệp sẽ phá sản, gây tổn thất nặng nề nhất so với các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây. Chuyện vẫn đang xoay, đang biến như thể đang ra biển chơi mà có lốc xoáy thì làm sao biết đường mà xoay.
Khủng hoảng hôm nay bắt đầu từ cú sốc dịch bệnh, chuỗi cung ứng bị nghẽn, cả thế giới không đủ cung, lan cả thế giới thì lại dẫn đến sốc cầu, ảnh hưởng liên hoàn đến hàng hoá cả đầu ra và đầu vào, ảnh hưởng đến dòng tiền đi lại.
Tưởng tượng trong người mình vừa bị đột quỵ, vừa bị què chân, vừa bị đói…ba cú sốc dồn lại trong một lần, mà không phải sốc chỉ một nước. Bây giờ ba cú sốc này diễn ra trên toàn cầu thì ai đỡ nổi? Đáng sợ hơn là nó chưa có hồi kết!
Khủng hoảng dịch bệnh từ Ý đang lan dần sang cả châu Âu, Pháp cũng vừa ban bố lệnh khẩn cấp như thời chiến tranh, Đức và Anh cũng đang chới với… Tôi nghĩ tổn thất kinh tế kéo dài ít nhất 10 năm mới hoàn hồn.
Dịch lần này không chỉ là dịch bệnh mà là “dịch kinh tế”, nội việc nhà giữ trẻ tháng sau thôi cũng đóng cửa cả ngàn rồi.
Ông đánh giá thế nào về bức tranh toàn cảnh của kinh tế thế giới, nhất là sự hoảng loạn của hai thị trường chứng khoán Mỹ - Trung, khi Mỹ trong tuần qua đã phải dùng biện pháp ngừng giao dịch đến 2 lần để làm chậm lại đà giảm của thị trường, hệ luỵ của nó đến các nước như thế nào?
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương: Dịch bệnh nếu nhìn chu kỳ Trung Quốc kéo dài từ 2 đến 3 tháng lên đỉnh điểm rồi ổn định, nhưng như biểu đồ hình sin, cơn sóng này lại lan sang quốc gia khác, như thể cơn sóng dồi liên tục, chỗ này xuống thì chỗ khác lên.
Trên lý thuyết và cả thực tế, bất cứ nền kinh tế nào cũng dựa trên 3 sự dịch chuyển: Sự đi lại của con người, sự dịch chuyển hàng hóa mua bán qua lại và sự dịch chuyển của dòng tiền dựa trên hoạt động của con người và hàng hóa.
Khi dịch chuyển con người và hàng hóa chậm lại, đình trệ, ảnh hưởng dòng tiền tài chính cho sự dịch chuyển của các nền kinh tế cũng đình trệ. Sốc nguồn cung hiện nay đã bắt đầu và đang dẫn đến sốc nguồn cầu do thiếu hàng hóa giao thương lẫn thiếu người mua bán.
Cú sốc tài chính càng phát lộ rõ khi Mỹ đã phải dùng biện pháp ngừng giao dịch đến 2 lần. Khả năng rơi tự do của thị trường tài chính toàn cầu sẽ còn tiếp tục diễn ra. Từ cơn sốc cung giảm đột biến, khi bệnh lây lan, người ta không mua bán thì dẫn tới sốc cầu. Tuần này chứng khoán thế giới sốc thê thảm.
Khi cung và cầu trên thế giới đều giảm sâu, mất tiền chứng khoán khiến người ta nghèo đi, mua bán ít hơn, khủng hoảng sẽ nhồi xuống đáy rất sâu, không biết khi nào đụng đáy.
Thực sự không có kinh tế gia nào có thể định lượng được mất mát này, vì con số đang biến. Ý, một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới đóng cửa cả nước. Sau Ý, bà Thủ tướng Đức, một người xuất thân từ dân khoa học, tuyên bố 70% người dân Đức sẽ bị nhiễm. Có lý do gì những nước khác nhiễm ít hơn? Đặc tính của dịch bệnh Covid-19 là thời gian ủ bệnh lâu quá, tăng theo cấp luỹ thừa như thế kéo theo sự suy sụp kinh tế trầm trọng nên khó có thể kiểm soát được.
Vậy theo ông, còn dịch chuyển nào nữa đang làm cho tình hình xấu đi hơn?
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương: Tối qua đang ngủ, tôi giật mình thức dậy, không ngờ cuộc đời mình lại chứng kiến hoàn cảnh xảy ra kinh khủng vậy, sợ nhất khi xã hội bất ổn thì hệ luỵ là không lường được.
Ngoài chuyện dịch bệnh, khổ nhất là khủng hoảng tâm lý đang làm cho 3 cú sốc kia tệ hơn. Không ai làm ăn gì hết, bản thân không tỉnh táo, điều kiện không cho phép họ đi lại làm ăn. Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới ông Trump ra lệnh đóng cửa với châu Âu gây hoang mang rất lớn cho toàn thế giới.
Kinh tế rơi vào vòng xoáy khủng hoảng, khủng hoảng tâm lý lại càng làm cho người dân co cụm lại, tệ nhất người ta không ai biết khi nào đụng đáy. Nỗi lo lớn nhất của chính phủ là ổn định xã hội, khi nạn đói, nợ nần, không thấy có ngày mai sẽ diễn ra, đẩy người dân vào cảnh khốn cùng.
Chúng ta đứng trước một tình huống khủng hoảng đa dạng có lẽ chưa từng có, cuộc khủng hoảng cả cầu, cung, tài chính và tâm lý hoảng sợ.
Trần Sĩ Chương
Chuyên gia kinh tế
Về mặt tổ chức hệ thống, Mỹ bài bản hơn Việt Nam nhưng trong đại dịch này, Việt Nam lại có khả năng kiểm soát xã hội khá ổn định khi khủng hoảng nhẹ, còn nặng hơn thì chưa ai biết thế nào.
Điểm tích cực cần ghi nhận là nhà nước Việt Nam phản ứng rất nhanh, từ cuối tháng Giêng đến tháng 3 đã có nhiều chính sách về y tế, chính quyền tốt, kịp thời lắng nghe doanh nghiệp để có những chính sách giải cứu hữu hiệu. Tôi đánh giá cao nỗ lực cũng như phản ứng của chính phủ trong đại dịch này.
Tuy nhiên hàng loạt doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản là chuyện đang xảy ra. Ngay cả những công ty lớn mấy ngàn công nhân viên có đủ vốn lưu động trả cho nhân viên 1 tháng lương cũng khó mà tồn tại, bởi tiến độ đứng hết, ai trả tiền cho doanh nghiệp lúc này?
Trật tự thế giới sẽ bị chuyển hoá, sẽ đi về đâu? Chúng ta sẽ ở đâu trong thế giới đó khi tài sản của thế giới sẽ bị bốc hơi qua đêm ở mức kỷ lục và kinh tế thế giới cần nhiều năm để hoàn hồn? Hàng loạt câu hỏi cần đặt ra với từng người dân và từng doanh nghiệp, để tự chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, chưa từng có trong lịch sử thế giới.
Không ai có khả năng ứng phó một mình, mà phải có sự đoàn kết cao độ giữa nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Chúng ta sẽ hợp tác với nhau như thế nào bởi không có chuyện đại dịch này 2 - 3 tuần sẽ qua? Cả thế giới bị rơi vào vòng xoáy của cả 3 yếu tố dịch chuyển đang ngưng trệ, sẽ khiến chúng ta đứng trước một tình huống khủng hoảng đa dạng có lẽ chưa từng có, cuộc khủng hoảng cả cầu, cung, tài chính và tâm lý hoảng sợ.
Doanh nghiệp phá sản, người lao động thất nghiệp sẽ dẫn tới sự bất ổn xã hội. Dù giàu hay nghèo, khi không còn thu nhập, con cái ở nhà nheo nhóc thì dễ dẫn đến bước đường cùng, tác động cực kỳ xấu vào đời sống xã hội, có khi còn nguy hiểm hơn cả dịch bệnh vì số người bị tổn thất, bị thiệt hại lớn gấp mấy lần dịch bệnh này.
Có ý kiến cho rằng “vì sức khỏe của người dân, chúng ta sẵn sàng hy sinh kinh tế trong ngắn hạn”. Liệu như vậy có duy ý chí hay không? Bây giờ thật sự mọi tập trung đều đang dồn vào y tế mà tập trung chưa đầy đủ về mặt kinh tế xã hội, con người.
Tôi muốn đánh động gốc rễ của đại dịch Covid-19 là vấn đề khủng hoảng tâm lý sẽ đưa tới những phản ứng chưa đúng chỗ. Dĩ nhiên, trước mắt chúng ta phải giải quyết vấn đề y tế vì nếu để dịch lan rộng, số người bị nhiễm lớn phải vào bệnh viện hết thì cũng phá sản, vỡ trận. Kẻ thù đang giương đông kích tây và điều khó khăn là chúng ta phải thủ cả hai mặt trận. Tuy nhiên nếu không kịp nhìn ra mặt trận gây thiệt hại nhiều hơn vẫn là kinh tế xã hội thì trong vài tháng tới sẽ có hàng triệu người thất nghiệp khi hằng hà sa số doanh nghiệp chết âm thầm lặng lẽ.
Rủi ro lớn nhất lúc này chính là bất ổn xã hội. Mặc dù có nguồn lực giới hạn nhưng từ bây giờ nhà nước phải thật sự quan tâm việc ổn định kinh tế và trật tự xã hội, nếu không sẽ không còn kịp nữa.
Theo ông bao giờ chính phủ Việt Nam mới áp dụng chế độ ngưng giao dịch khi thị trường chứng khoán trên đà giảm sâu?
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương: Tôi không biết. Mỗi thị trường có những đặc thù khác nhau, cho nên những biện pháp bình ổn thị trường không nhất thiết phải giống nhau, nhưng biện pháp ngưng giao dịch trong ngày khi thị trường lao dốc thì nên có để giảm rủi ro từ tâm lý bầy đàn kéo nhau xuống hố.
Biện pháp này được ví như cái cầu chì để khi có sự cố chạm điện thì cầu chì sẽ tự động ngắt điện để máy móc trong nhà không bị hư hại.
Nắm bắt và dự phòng tình huống cho cuộc khủng hoảng chưa từng có có thể xảy ra, theo ông doanh nghiệp và chính phủ cần làm gì ngay trong lúc này?
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương: Việt Nam là quốc gia chưa bị ảnh hưởng nặng nề về dịch này như các nước khác, vậy mà đã có hơn 30% doanh nghiệp lớn và nhỏ “chết lâm sàng”.
Kết quả công bố của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) sau khi khảo sát trên 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh cho thấy: “74% doanh nghiệp nói sẽ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng, chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... Ngoài ra, gần 30% mất 20-50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu.
Những nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng và tức thì bởi Covid-19, theo kết quả khảo sát là du lịch (lưu trú, khách sạn, ăn uống), giáo dục, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ…Chỉ một số rất nhỏ doanh nghiệp trong các lĩnh vực như: thực phẩm, dược phẩm, hoặc ngành nghề đặc thù làm ăn được nhờ dịch lần này.
Một công ty tôi biết đang làm ăn rất tốt, mỗi năm tăng trưởng 20 - 25%, lợi nhuận từ 15 - 20% trên doanh thu. Cổ đông đang háo hức chờ đến tháng 4 tới họp đại hội và nhận cổ tức được tiên liệu sẽ rất khá. Thế mà chỉ hôm qua thôi ban lãnh đạo đã phải ngồi lại họp khẩn cấp, thay vì được nhận cổ tức hấp dẫn thì các cổ đông cần bỏ thêm vào gần 80 tỷ đồng chỉ để công ty tồn tại. Dự kiến là nếu dịch tiếp tục kéo dài chừng 3 - 6 tháng nữa sẽ buộc nghĩ tới tình huống chỉ giữ lại bộ máy tối thiểu, đợi khi dịch qua sẽ tổ chức lại thôi.
Đó là công ty thuộc dạng hàng đầu được tổ chức rất tinh gọn, chuyên nghiệp, nội lực lớn mà còn điêu đứng như vậy, huống chi bao nhiêu công ty khác tổ chức không được như công ty này. Những người buôn gánh bán bưng, vốn chỉ trông chờ vào thu nhập để sống từng ngày thì họ còn bị ảnh hưởng bởi kinh tế đến như thế nào nữa?
Điều cần làm ngay lúc này là tập trung mọi nguồn đang có thậm chí chưa có để lên kịch bản ứng phó.
Doanh nghiệp cần phải nắm rõ với tình trạng, thể trạng của mình và chính sách hỗ trợ ưu tiên của chính phủ có thể mong chờ hỗ trợ được gì hay không. Trong dịch bệnh, chính phủ cũng như doanh nghiệp sẽ phải chi nhiều hơn thu, nguồn lực do đó càng có hạn. Vì vậy mà nhà nước, doanh nghiệp, người dân khi đều trên cùng một con thuyền, phải chung tay để bàn chuyện ứng phó.
Với chính phủ khi hỗ trợ doanh nghiệp, cần xác định sớm và ngay là hỗ trợ ai, hỗ trợ cái gì, phương thức như thế nào, với độ minh bạch cao. Không để doanh nghiệp mong đợi lâu, hiệu lực chính sách hỗ trợ đi vào thực tiễn quá trễ. Doanh nghiệp ngành nghề nào bị ảnh hưởng nhanh nhất đến số lượng người lao động lớn nên cần được ưu tiên hàng đầu.
Ngay cả với lĩnh vực y tế, chính phủ nên chăng cũng cần tính toán chủ động phương án hỗ trợ và cứu chữa như châu Âu đang áp dụng, trên cơ sở “phân loại” ưu tiên đối tượng, đề phòng khi nguồn lực cho y tế có giới hạn.
Đối với doanh nghiệp khủng hoảng là vấn đề quản lý dòng tiền, đối với nhà nước ưu tiên là trật tự xã hội. Nhà nước, doanh nghiệp và người dân phải đoàn kết thì mới có thể cùng nhau xây dựng những giải pháp tối ưu cho một tình huống ngặt nghèo như chúng ta đang trải qua.
Về mặt tư duy, doanh nghiệp cần chuyển đổi cơ cấu tổ chức của mình thế nào để đỡ bị tổn thương nhất có thể?
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương: Chắc chắn sẽ bị tổn thương, tuy nhiên phải có cách để tồn tại, sống còn và tiếp tục phát triển sau khi dịch chấm dứt.
Tử huyệt của doanh nghiệp chính là định phí. Khi khủng hoảng về “dòng tiền vào”, tức là có khủng hoảng về dòng tiền thì phải giới hạn “dòng tiền ra” bởi vì mình đã mất kiểm soát đồng vào. Doanh nghiệp cần cơ cấu để giảm rủi ro lớn nhất trong điều hành dòng tiền chính là “định phí”, tốt nhất vẫn là “Định phí = 0”.
Doanh nhân nên tư duy đầu vào, đầu ra không có ranh giới và tận dụng mọi nguồn lực sẵn có trên thế giới, của địa phương làm lợi cho mình. Giảm “định phí” lại bằng cách tái cơ cấu doanh nghiệp, có những biện pháp giãn nợ, chậm lại dòng tiền ra. Lúc này là lúc quản lý dòng tiền (nói nôm na là cầm máu, giữ máu) và tìm cơ hội để được bơm máu, tức là vốn lưu động. Cân nhắc chuyển một số định phí thành biến phí.
Việc này liên quan đến tư duy hơn là cái gì mình phải làm. Lợi từ cái thu vào hay lợi từ việc tiết kiệm đều xứng đáng công mình bỏ ra. Doanh nghiệp nên xem đó là một cơ hội để mình vừa “ngủ đông”, vừa tái cấu trúc doanh nghiệp để đi đường xa hơn. Đây cũng là cơ hội nhìn lại mình về quản trị, xác định giá trị thực của doanh nghiệp sẽ giúp ta đi qua cơn bão an toàn, phát triển bền vững trong tương lai.
Điều quan trọng cuối cùng là phải bình tĩnh, đừng vì hoảng hốt mà có những phản ứng gây tốn kém và không giải quyết được vấn đề. Trước tiên là ai cũng nên ăn ngủ điều độ, thể dục thể thao đảm bảo sức khỏe cá nhân, triển khai những biện pháp vệ sinh nơi công sở...
Vấn đề còn lại là quan tâm đến sự tồn tại, chính là dòng tiền, giảm đồng ra, giảm định phí, ngồi lại với ngân hàng - chủ nợ để tổ chức lại chương trình trả nợ và vận động chinh sách với nhà nước qua hiệp hội của mình nhằm chuẩn bị những khoản tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nếu tình trạng này trở nên quá xấu.
Xin cám ơn ông!
Liệu Covid 19 có gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu?
280 nghìn tỷ 'cứu' doanh nghiệp vượt Covid-19: Rất tốt nhưng chưa đủ!
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Chính phủ cần có nhiều giải pháp tài khóa mạnh mẽ hơn nữa mới có thể hỗ trợ được các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.
Động lực tăng trưởng chính cho Đà Nẵng hậu Covid-19
Trải qua “sóng gió” Covid-19, kinh tế tư nhân được kỳ vọng là động lực chính giúp du lịch Đà Nẵng tăng trưởng trở lại và tiếp tục duy trì ngôi vị điểm đến toàn cầu.
'Lên dây cót' cho đội ngũ bán hàng trong mùa dịch bệnh
Khi đại dịch Covid-19 đang phủ bóng đen lên hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế thì việc gia tăng động lực cho đội ngũ bán hàng trong công ty trở nên rất quan trọng.
Liệu Covid 19 có gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu?
Khi các nền kinh tế lớn 'viêm phổi cấp', cả thế giới sẽ lao đao.
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Thái Bình Dương tham gia các dự án hạ tầng lớn
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Thái Bình Dương nghiên cứu, tham gia các dự án lớn như xây cầu Tứ Liên Hà Nội, cầu Ngọc Hồi qua sông Hồng, đường sắt đô thị…
Ông Nguyễn Long Hải làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị
Ông Nguyễn Long Hải được bổ nhiệm làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị, kế nhiệm ông Lê Quang Tùng vừa giữ chức Tổng thư ký Quốc hội.
Thoải mái chi tiêu với thẻ tín dụng miễn 100% phí của SHB
Với thông điệp “Tự do tận hưởng”, thẻ SHB Mastercard Truly Free của SHB giúp khách hàng gạt bỏ những bận tâm về các loại chi phí và thoải mái trong chi tiêu.
Cách ông chủ những con tàu Lux Cruises kể chuyện di sản
Bằng cách kể chuyện qua từng hành trình, ông Phạm Hà và đội ngũ không chỉ giữ gìn di sản mà còn làm sống lại những giá trị lịch sử trong tâm trí du khách.
Tin Vay: 'tân binh' quyết chiến của hệ sinh thái dịch vụ vay tại Việt Nam
Là sản phẩm ra đời với sứ mệnh “số hóa tài chính” của Công ty tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit), Tin Vay đã rất nhanh chóng “phủ sóng” trên các ứng dụng fintech hàng đầu như MoMo, Viettel Money, tiện ích Tài chính Fiza trong Zalo.
Sacombank chi 33 tỷ đồng tri ân khách hàng mừng sinh nhật 33 tuổi
Từ ngày 9 - 31/12/2024, Sacombank triển khai chương trình “Đón sinh nhật vàng – Trọn tháng tri ân” với tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 33 tỷ đồng nhằm thay lời cảm ơn đến tất cả các khách hàng đã tin tưởng, đồng hành nhân dịp kỷ niệm 33 năm thành lập ngân hàng (21/12/1991 – 21/12/2024).
Gỡ vướng 34 dự án ở TP.HCM
34 dự án trên địa bàn TP.HCM đã được địa phương phối hợp với Tổ công tác của Chính phủ tháo gỡ vướng mắc.