Đại học đổi mới sáng tạo và những mô hình 'động lực phát triển'

Hường Hoàng - 10:05, 25/05/2024

TheLEADERVới vai trò là trung tâm đào tạo và nghiên cứu, các trường đại học ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Đại học đổi mới sáng tạo và những mô hình 'động lực phát triển'
Nhà cộng đồng Tả Phìn lấy ý tưởng từ chiếc khăn quấn đầu của người phụ nữ Dao đỏ. Ảnh: Hoàng Thúc Hào

Trong suốt những năm qua, các trường đại học tại Việt Nam không chỉ tạo ra các sản phẩm nghiên cứu, các công nghệ kĩ thuật giúp ích cho các hoạt động sản xuất tư nhân mà còn có tính ứng dụng cao trong phát triển kinh tế, văn hóa các địa phương. 

Dưới đây là một số ứng dụng mang tính đóng góp cho cộng đồng như vậy của hoạt động đổi mới sáng tạo trong trường đại học.

Thuốc tắm người Dao đỏ Sa Pa

Dù có nhiều tác dụng tốt song nếu giữ nguyên phương pháp đun lá truyền thống, bài thuốc tắm người Dao sẽ chỉ dừng lại ở những dịch vụ tại chỗ hoặc những gói thuốc lá khô bán nhỏ lẻ chứ khó có thể phổ biến rộng rãi như những sản phẩm tắm gội hiện đại..

Đại học đổi mới sáng tạo: Động lực phát triển cho các địa phương
Thuốc tắm của người Dao đỏ có tác dụng rất tốt nhưng không thể thương mại hóa với cách làm truyền thống.

Nhận thấy vấn đề đó, năm 2002, Trường Đại học Dược Hà Nội, Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu cây thuốc dân tộc cổ truyền – CREDEP và quỹ Rockefeller đã thực hiện dự án hợp tác nghiên cứu nhằm xác định cơ sở khoa học và tính hiệu quả bài thuốc tắm do các bà mế cung cấp bí truyền và tri thức truyền thống của bài thuốc tắm.

Năm 2006, với sự giúp đỡ của Hội Nông dân Việt Nam, Đại học Dược Hà Nội và Đại học Nông nghệp I Hà Nội đã hỗ trợ cộng đồng thành lập Công ty Sapa Napro để bảo tồn bài thuốc quý và phát triển kinh tế cho cộng đồng.

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Dược Hà Nội đã phân tích, chiết xuất từ các loài cây do bà mế cung cấp, kết quả cho thấy đã phát triển được 6 loại sản phẩm với dịch chiết xuất từ cây thuốc tắm. Điều đặc biệt bài thuốc vừa giữ được hoạt tính tốt nhưng số lượng loài cây thuốc dùng ít hơn, chỉ sử dụng khoảng 20-40 loài để chiết xuất tùy vào mục đích sử dụng để tạo ra sản phẩm.

Từ khi chính thức được thành lập, công ty Sapa Napro đã xây dựng điểm bán và mạng lưới tiêu thụ, hỗ trợ bà con lập kế hoạch sản xuất và mô hình kinh doanh, hỗ trợ về giống, công nghệ trồng trọt cho bà con nông dân.

Do chính sách của công ty phù hợp (kết nạp các thành viên là người địa phương, thu mua có kế hoạch, giá cả thỏa thuận, quan tâm đời sống người dân, tạo thu nhập ổn định…) nên đã khuyến khích người dân tham gia và hiện tại công ty ngày càng phát triển.

Từ khi chỉ có 14 hộ cổ đông năm 2007, tính đến năm 201, công ty đã có đến 105 hộ tham gia là cổ đông và họ chính là những người cung cấp vật liệu cho công ty. Các cổ đông trong công ty đã khai thác và cung cấp trực tiếp cây thuốc tắm cho công ty. Mỗi hộ gia đình có khoảng 4-5ha rừng để quản lý và vườn nhỏ để trồng thêm cây thuốc khai thác cung cấp quay vòng cho công ty.

Tùy vào nhu cầu mà công ty sẽ cử người dân đi thu hái các loại cây thuốc tắm. Giá cây thuốc tắm dao động từ 3 - 5 nghìn đồng/kg đối với thuốc tươi và 10 nghìn đồng/kg đối với thuốc khô với phương thức khai thác bền vững và tạo sinh kế cho bà con nông dân.

Đại học đổi mới sáng tạo: Động lực phát triển cho các địa phương 1
Sản phẩm thuốc tắm Dao đỏ của Sapaprano. Ảnh: Sapaprano

Sản phẩm được thị trường đón nhận, do đó thu nhập của người Dao đỏ cũng tăng lên đáng kể, địa phương lại giữ gìn được nghề truyền thống. Có thể thấy, đổi mới sáng tạo trong trường đại học không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất, mà còn bảo tồn văn hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo.

Nhà cộng đồng Tả Phìn – Lào Cai

Vai trò đổi mới sáng tạo trong trường đại học đối với đời sống dân cư cũng được thể hiện rõ thông qua công trình Nhà cộng đồng Tả Phìn, Lào Cai.

Mặc dù cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa vô cùng đặc sắc, nhưng những hạn chế do địa hình phức tạp, giáo dục và giao tiếp cộng đồng khó khăn, cùng với sự thiếu trao đổi thông tin, kiến thức với các tổ chức kinh tế xã hội trong và ngoài nước, nên Xả Xéng – Tả Phìn vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh vốn có.

Đại học đổi mới sáng tạo: Động lực phát triển cho các địa phương 2
Người dân địa phương cùng tham gia xây dựng nhà cộng đồng

Do vậy, việc tạo ra một không gian cộng đồng kết nối cư dân địa phương với các tổ chức hỗ trợ phát triển là thực sự cần thiết. Đây là nơi Xả Xéng mang những nét độc đáo của mình ra thế giới, thu nhận những tri thức bên ngoài vào, từ đó hỗ trợ cho phát triền bền vững, đồng thời làm giàu thêm những giá trị tự nhiên và văn hóa bản địa.

Với những kiến thức đổi mới sáng tạo đào tạo trong trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội, do Văn phòng kiến trúc 1+1>2 (nhóm tác giả KTS Hoàng Thúc Hào, chị Viviana từ Bồ Đào Nha, chị Phạm Kiều Phúc) với sự hỗ trợ của người dân địa phương đã thiết kế một nhà cộng đồng hiện đại, với ý tưởng thiết kế lấy cảm hứng từ nhịp điệu núi đồi và hình ảnh chiếc khăn đỏ truyền thống của phụ nữ Dao.

Là trung tâm đa chức năng, công trình vừa là không gian giáo dục, triển lãm nhỏ, trưng bày đồ thủ công, thổ cẩm, vừa là trạm thông tin, không gian hội họp dân làng, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, tổ chức sự kiện. Đồng thời, có vườn ươm bảo tồn và trưng bày cây thuốc quý, một nét đặc trưng văn hóa Sapa.

Ngôi nhà thích ứng điều kiện tự nhiên, tiết kiệm năng lương do áp dụng chuỗi giải pháp kiến trúc xanh: tường gạch không nung, gỗ tái chế, móng đá, bể lọc nước mưa, bể phốt sinh thái 5 khoang, tận dụng nhiệt thừa lò sưởi, pin mặt trời.

Không chỉ thế, quá trình xây dựng nhà cộng đồng Tả Phìn còn có tham vấn, sự chung tay xây dựng của người dân địa phương, sử dụng các vật liệu địa phương.

Đại học đổi mới sáng tạo: Động lực phát triển cho các địa phương 3
Nhà cộng đồng Tả Phìn không chỉ thu hút người dân địa phương tới sinh hoạt mà còn thu hút cả du khách trong và ngoài nước ghé thăm. Ảnh: Ashui

Từ khi khánh thành tháng 5/2012, nhà cộng đồng Tả Phìn đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy sự gắn kết cộng đồng, góp phần mang lại sự phát triển bền vững cho địa phương.

Với sự phù hợp với văn hóa địa phương, đổi mới sáng tạo kết hợp kiến thức chuyên môn và nhu cầu thực tế sẽ tạo ra sản phẩm hữu dụng cho cộng đồng.

Những ví dụ trên cho thấy đổi mới sáng tạo trong trường đại học có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương thông qua tạo ra sản phẩm mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy khởi nghiệp, tạo thêm việc làm.. cho người lao động.

Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo trong trường đại học cũng có khả năng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng văn hóa địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển bền vững, bảo vệ môi trường…

Để phát huy tối đa vai trò của đổi mới sáng tạo trong phát triển địa phương, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa các trường đại học, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng. 

Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho cán bộ, giảng viên, sinh viên, đồng thời khuyến khích các trường đại học tham gia các dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển địa phương.

Ba sứ mệnh của đại học là giáo dục-đào tạo, nghiên cứu và phục vụ xã hội, thông qua các hoạt động chuyển giao tri thức, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đổi mới sáng tạo không chỉ là khởi nghiệp, mà còn là lĩnh vực mà các trường đại học Việt Nam có thể làm, nên làm và cần làm để đóng góp vào việc thực hiện sứ mệnh thứ ba.