Đánh thức Vân Đồn

Giang Sơn - 15:09, 22/04/2024

TheLEADERVân Đồn dần kết nối với thị trường du lịch quốc tế nhờ những dự án du lịch chất lượng cao.

Đánh thức Vân Đồn
Khu nghỉ dưỡng Wyndham Garden khai trương mở ra chương mới cho du lịch cao cấp ở Vân Đồn. Ảnh: CEO

Dấu ấn tiên phong

Không phải vô cớ ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá khu nghỉ dưỡng Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn khai trương cuối tuần qua “khắc phục được những điểm yếu tồn tại trước đây, mở ra cơ hội, vận hội mới cho Vân Đồn cất cánh”, trở thành trung tâm du lịch biển - đảo cao cấp như định hướng Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Điểm yếu mà ông Huy nhắc đến chính là mặc dù có thiên nhiên tươi đẹp, văn hoá đặc sắc, con người mến khách và ẩm thực đa dạng, nhưng Vân Đồn chưa thể níu chân du khách ở lại dài ngày, mà họ chỉ lướt qua do không có cơ sở lưu trú chất lượng. 

Chủ tịch Tập đoàn CEO Đoàn Văn Bình cũng ví Vân Đồn như “mỹ nữ ngủ quên” và chờ “những chàng hoàng tử đến đánh thức.”

Vốn là huyện đảo chỉ cách đất liền một cây cầu, Vân Đồn vẫn giữ vẻ hoang sơ khi chứa trong mình một vịnh Bái Tử Long tuyệt đẹp với hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ nhấp nhô trên vịnh. Từ lâu, vịnh Bái Tử Long bị lấn át bởi danh tiếng của vịnh Hạ Long - một “báu vật” của Quảng Ninh và “ai chưa đến vịnh Hạ Long là chưa đi du lịch Việt Nam”.

Nhưng khi du lịch Hạ Long quá tải cũng như nằm trong chiến lược chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” - nghĩa là phát triển kinh tế từ chỗ dựa trên các ngành công nghiệp khai thác tài nguyên và gây ô nhiễm sang ngành du lịch, dịch vụ - Quảng Ninh đã định hướng mở rộng không gian phát triển du lịch lấy Hạ Long nối với Vân Đồn và Cô Tô làm trung tâm.

Đón đầu chiến lược đó, nhiều nhà đầu tư như Tập đoàn CEO, Everland, Sun Group, HD Mon, Viglacera đặt chân đến Vân Đồn sánh vai cùng các doanh nghiệp địa phương như Mai Quyền, Ao Tiên.

Ông Bình cho biết, Tập đoàn CEO không phải là người đến trước mà mãi tới năm 2017, sau khi đã phát triển thành công các dự án bất động sản du lịch và khách sạn ở Phú Quốc, ông Bình mới bắt đầu khảo sát cơ hội đầu tư ở Vân Đồn và vịnh Bái Tử Long.

Sau khi cân nhắc các tiêu chí, ông đã quyết định mua lại dự án khu du lịch Việt Mỹ vốn đang được đầu tư dở dang và tái khởi động với quy mô và diện mạo hoành tráng hơn dưới thương hiệu Sonasea Vân Đồn Habour City mà trong đó khu nghỉ dưỡng Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn chỉ là một hợp phần.

Mặc dù chỉ có 200 phòng, tức là quy mô chỉ bằng một nửa các khách sạn Novotel hay Best Western Premier mà Tập đoàn CEO đã khai trương ở Phú Quốc, nhưng khu nghỉ dưỡng Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn vẫn mang lại cho ông Bình nhiều cảm xúc.

Ông tự hào vì khu nghỉ dưỡng đạt được sáu cái nhất tại Vân Đồn: khách sạn lớn nhất, khách sạn 5 sao đầu tiên, khu nghỉ dưỡng quốc tế đầu tiên, thương hiệu Wyndham đầu tiên, tòa nhà cao nhất hoàn thành đi vào hoạt động. 

Và cuối cùng, như đánh giá của ông Huy, đây là công trình hoàn thành đúng tiến độ như cam kết đầu tiên trong bốn công trình động lực tại Vân Đồn trong hai năm qua.

Tâm huyết và trách nhiệm

Điểm lại chặng đường đã qua, ông Huy đánh giá cao sự quyết tâm, quyết liệt của Tập đoàn CEO khi “giữ lời hứa với tỉnh Quảng Ninh và nhân dân huyện Vân Đồn sớm đưa dự án vào hoạt động."

Mới hai năm trước, cũng tại bãi Dài, ông Huy cùng các lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh phát động khởi công cùng lúc bốn dự án động lực của Vân Đồn, bao gồm một cụm công nghiệp và ba tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng do Tập đoàn CEO, Everland và Ao Tiên – Cát Linh làm chủ đầu tư.

Trong khi những dự án khác vẫn trên bản vẽ hoặc mới triển khai giai đoạn đầu, Tập đoàn CEO đã chứng tỏ bản lĩnh cũng như năng lực khi trở thành doanh nghiệp đầu tiên hoàn thành dự án động lực của Vân Đồn.

Sở dĩ phải nhấn mạnh đến bản lĩnh và năng lực bởi đầu tư một khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 200 phòng ở Vân Đồn là chặng đường đầy thách thức.

Thực tế cho thấy, không ít nhà đầu tư đã đề xuất những dự án quy mô lớn khi Vân Đồn manh nha định hướng trở thành khu hành chính – kinh tế đặc biệt. Tuy nhiên, khi định hướng này bị gác lại, nhiều kế hoạch tham vọng cũng vì thế bỏ dở giữa chừng. Thậm chí, có nhà đầu tư đã chấp nhận rút lui dù đã đổ không ít tiền chuẩn bị làm dự án.

Và đại dịch Covid-19 như bồi thêm cú đấm cho ngành du lịch Việt Nam nói chung và các nhà đầu tư ở Vân Đồn nói riêng. Giữa lúc du lịch gần như tê liệt bởi đại dịch, các khách sạn phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, hầu hết các nhà đầu tư chùn tay.

Và cùng với những biến động của thị trường, của nền kinh tế vĩ mô, suốt mấy năm kể từ khi sân bay quốc tế Vân Đồn đi vào hoạt động và sau đó là đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái thông xe, vẫn không có dự án du lịch tiêu chuẩn quốc tế nào đi vào hoạt động ở Vân Đồn, cho đến khi Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn khai trương.

Không chỉ đối mặt với những biến động khó lường của môi trường kinh doanh mà những người tiên phong như ông Bình cũng như các thành viên của Tập đoàn CEO đối diện với không ít thách thức khi đầu tư vào Vân Đồn.

May mắn là thủ tục đầu tư thuận lợi, bởi như ông Bình khẳng định, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ doanh nghiệp “hết mức” khi vừa đầu tư hạ tầng như hệ thống đường trục trên đảo, vừa rút ngắn thủ tục hành chính, từ đó giảm bớt được gánh nặng cho nhà đầu tư.

Nhưng khó khăn cũng không ít. Dự án triển khai trong bối cảnh cả nước phải giãn cách xã hội do Covid-19. Quy hoạch dự án phải điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển Vân Đồn. Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, giá cả vật liệu và nhân công tăng cao.

Mặc dù không phải vận chuyển vật liệu vất vả như ở Phú Quốc nhưng ông Bình tiết lộ chi phí đầu tư khách sạn ở Vân Đồn cũng cao không kém gì so với đảo ngọc phương Nam.

Đầu tư ở đảo Phú Quốc đắt đỏ vì mọi thứ đều phải “nhập” từ đất liền bằng đường biển hoặc đường hàng không.

Vân Đồn thuận lợi hơn khi gần hai thập kỷ trước một cây cầu đã nối đảo chính với đất liền và mới đây thêm cây cầu nữa nối vào đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái, từ đó đó giúp giảm chi phí vận chuyển nguyên vật liệu.

Tuy nhiên, chi phí đầu tư bị đội lên bởi dưới nền đất là các hang cácxtơ rất phức tạp, đòi hỏi công nghệ và chi phí thi công phần móng cao hơn. Hơn nữa, bãi biển Phú Quốc vẫn giữa nguyên vẻ đẹp nguyên sơ thì tại Vân Đồn, Tập đoàn CEO phải chi hàng trăm tỷ đồng mua cát từ những nơi khác để cải tạo lại bãi biển cho sạch đẹp hơn.

Ông Bình ước tính, cho đến thời điểm này, Tập đoàn CEO đã đổ gần 5.000 tỷ đồng xây dựng các hạng mục của tổ hợp Sonasea Van Don Habour City, trong đó, riêng chi phí đầu tư cho khu nghỉ dưỡng Wyndham Garden đã suýt soát 1.000 tỷ đồng.

Đánh thức Vân Đồn 1
Du lịch Vân Đồn kỳ vọng sôi động hơn mùa hè này nhờ sự xuất hiện của những dự án chất lượng. Ảnh: CEO

Đúng thời điểm

Đầu tư lớn như vậy, nhưng ông Bình cũng đủ tự tin về hiệu quả kinh doanh mà dự án mang lại. Mặc dù được chào bán giữa lúc đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp nhưng gần 750 căn nhà phố thương mại và biệt thự nghỉ dưỡng của giai đoạn 1 đã được khách hàng đặt mua hết.

Và khi khai trương khách sạn Wyndham Garden, ông Bình cũng càng tự tin về triển vọng kinh doanh, bởi đây là sản phẩm mà thị trường đang cần.

Trong tính toán của ông Bình, là khu nghỉ dưỡng đầu tiên ở Vân Đồn, Wyndham Garden đơn giản “không có đối thủ cạnh tranh”.

Trong khi đó, nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân miền Bắc rất lớn, và với lợi thế cách Hà Nội và cách tỉnh thành lớn của phía Bắc với hàng chục triệu dân, chỉ gần 3 tiếng lái xe, Vân Đồn sẽ trở sự lựa chọn lý tưởng, nhất là trong bối cảnh giá vé máy bay đang rất đắt mà riêng tiền vé máy bay đi nghỉ biển ở Nam Trung Bộ có thể chi trả cho hai đêm khách sạn ở Vân Đồn.

Đó là chưa kể Vân Đồn có thể tiếp cận 600 triệu dân của hầu hết các nước ASEAN, đồng thời áp sát thị trường tỷ dân Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan chỉ với vài giờ bay.

Cũng bởi thế, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh có cơ sở để tin rằng, Wyndham Garden khai trương “đúng thời điểm”. 

Ông Khánh cho biết, năm nay, ngành du lịch đang phấn đấu đưa lượng khách quốc tế phục hồi trở lại mức trước dịch Covid-19, tức là đón khoảng 17 -18 triệu lượt. 

Để đạt được mục tiêu đó cần tăng thêm sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam thông qua phát triển các sản phẩm mới cũng như mở rộng không gian phát triển du lịch.

Và ông Khánh tin rằng “khách sạn Wyndham Garden sẽ là điểm đến lý tưởng dành cho loại hình du lịch biển – đảo, du lịch chăm sóc sức khoẻ, du lịch MICE và dịch vụ tổng hợp cao cấp”.

Nhưng quan trọng hơn, dự án mang ý nghĩa tiên phong và dẫn dắt, giúp Vân Đồn thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, các thương hiệu du lịch lớn cùng đến phát triển dự án du lịch quy mô lớn, chất lượng cao, sang trọng, qua đó “đánh thức tiềm năng du lịch to lớn của Vân Đồn”.

Ông Khánh tiết lộ, từ lâu, Quảng Ninh đã mong muốn Vân Đồn trở thành khu du lịch quốc gia, nhưng vẫn còn thiếu tiêu chí có khách sạn 4 sao trở lên. Nay với khu nghỉ dưỡng 5 sao quốc tế đầu tiên, tỉnh có đủ điều kiện để làm thủ tục nâng tầm cho Vân Đồn. 

Vì thế, dù biết "đầu tiên" là vất vả, nhưng những "người tiên phong" như Tập đoàn CEO đã mang lại những đóng góp ý nghĩa ngay từ khi khu nghỉ dưỡng đi vào hoạt động

Tiên phong nhờ “nhân duyên” như cách ông Bình thường nói, nhưng ông cũng hy vọng “thêm bạn thêm bè” tạo sức mạnh cộng hưởng “đánh thức” Vân Đồn.

Cách dự án Sonasea Vân Đồn Habour City không xa, phần thân tổ hợp căn hộ biển Crystal Holidays cũng ngày càng cao hơn, phủ bóng xuống bến cảng Ao Tiên hiện đại mới đưa vào sử dụng. 

Ở phía ngoài vịnh Bái Tử Long, khách sạn Angsana đang ở khâu hoàn thiện trên đảo Quan Lạn và khi khai trương sẽ cùng Wyndham Garden kết nối Vân Đồn với du khách quốc tế thông qua hệ thống đặt chỗ toàn cầu của những tập đoàn khách sạn lớn.

Ông Bình cũng đang ấp ủ kế hoạch xây dựng một bến du thuyền đẳng cấp quốc tế cũng như rất có thể sẽ mang đến Vân Đồn chương trình biểu diễn thực cảnh quy mô hoành tráng như của Trương Nghệ Mưu. 

Ông có niềm tin rằng, vùng đất Rồng huyền thoại sẽ được phục sinh nhờ hoạt động du lịch nhộn nhịp hơn cả giao thương của một thương cảng từ nghìn năm trước.

Sự kiện khai trương Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn cũng đã mở màn mùa du lịch hè Vân Đồn. Trong năm nay, Vân Đồn dự kiến đưa vào khai thác 14 sản phẩm mới và sự xuất hiện của các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp cộng hưởng với hạ tầng giao thông đồng bộ sẽ dần đánh thức tiềm năng du lịch biển đảo chất lượng cao tại Vân Đồn.

Ông Huy nhấn mạnh, năm nay Quảng Ninh phấn đấu đón 17 triệu lượt du khách, trong đó có 3 triệu du khách quốc tế và để hoàn thành mục tiêu đó không thể thiếu những sản phẩm chất lượng cao như Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn.