Đầu tư vào đâu trước áp lực lạm phát

An Chi - 08:46, 25/03/2022

TheLEADERTính chất của lạm phát trong năm 2022 là khác hoàn toàn so với giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008.

Đầu tư vào đâu trước áp lực lạm phát
Trong bối cảnh lạm phát không quá cao, lãi suất ở mức thấp, dòng tiền vẫn sẽ đổ vào chứng khoán và bất động sản

Áp lực lạm phát có quá lớn?

Ngay từ đầu năm 2022, rủi ro lạm phát đã trở thành mối lo ngại chung của cả nền kinh tế khi giá cả nhiều mặt hàng, đặc biệt là giá dầu trên thế giới không ngừng leo thang. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 là không có gì đáng ngại.

Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho rằng, tính chất của lạm phát 2022 khác biệt hoàn toàn so với giai đoạn 2009 – 2013. Giai đoạn 2009, lạm phát do nội sinh từ nền kinh tế trong nước, Chính phủ bơm một lượng tiền lớn trong khi nền kinh tế không hấp thụ được dẫn đến lạm phát tăng cao

Những năm 2008 - 2009 là thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã áp dụng chính sách tiền tệ, nới lỏng tăng trưởng tín dụng.

Việc bơm một lượng tiền quá lớn, cung tiền tăng trưởng đến 50%/ năm đã dẫn đến lạm phát lên đến 28%. Để kiềm chế lạm phát, lãi suất ngân hàng cũng tăng mạnh. Lãi suất tiền gửi đạt 17-18%/năm, lãi suất cho vay lên đến 22-23%/năm, thậm chí 25%/năm.

Trong năm 2022, khả năng là áp lực giá sẽ gia tăng là không tránh khỏi, song ông Báu cho rằng, nguyên nhân của lạm phát không đến từ yếu tố nội sinh do việc cung tiền ra nền kinh tế của Chính phủ mà đến nhiều hơn từ các yếu tố bên ngoài. Trong đó có việc giá cả nhiều loại hàng hoá trên thế giới tăng mạnh, đặc biệt là giá xăng dầu tăng do biến động bất ổn tại nhiều quốc gia.

Trong khi đó, để giá hàng hoá nguyên liệu sản xuất đi vào chi tiêu tiêu dùng của người dân cần có độ trễ nhất định, phải từ 6 tháng 1 năm. Nguyên nhân là do giá hàng hoá lên – xuống cực kỳ nhanh. Nhiều khi giá hàng hoá tăng vọt nhưng nó chưa được thẩm thấu vào quá trình sản xuât thì đã giảm, người tiêu dùng không bị tác động quá lớn.

Thông thường, lạm phát sẽ kết thúc khi nguyên nhân gây ra nó được giải quyết. Nếu lạm phát liên quan đến nội sinh như sự bơm tiền ra nền kinh tế của Chính phủ thì sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể xử lý. Tuy nhiên, năm 2022, lạm phát không đến từ nội sinh nền kinh tế, lượng cung tiền ra thị trường hiện chỉ đạt 12-13%, thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn 2007 – 2012. 

Tăng trưởng tín dụng và cung tiền trong hai năm trở lại đây khoảng 12 - 14%, mức nền này được duy trì trong khoảng thời gian 2018-2019 đến nay và thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước đó.

Với việc chính sách tiền tệ của NHNN đã thận trọng hơn so với giai đoạn trước, ông Báu cho rằng, lạm phát giai đoạn hiện tại mặc dù có nhưng cũng không quá đáng ngại như giai đoạn năm 2008.

Trước nhiều ý kiến băn khoăn về nguy cơ giải ngân gói hỗ trợ nền kinh tế với quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng sẽ tác động tới lạm phát khi tạo ra nguồn cung tiền lớn trên thị trường, các chuyên gia cho rằng, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế có nhiều gói hỗ trợ cụ thể, nhìn qua tưởng là sẽ tạo ra cung tiền ào ạt vào nền kinh tế, nhưng thực tế không phải như vậy.

Đơn cử như với giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng 2%, thực ra giải pháp này hoàn toàn không cung tiền ra nền kinh tế mà giảm thuế, giảm thu ngân sách. Hoặc gói hỗ trợ cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp cũng không thực hiện bơm tiền vào nền kinh tế.

Các gói hỗ trợ nền kinh tế là những giải pháp mà Chính phủ, các bộ, ngành đã nghiên cứu rất kỹ và có kế hoạch triển khai bài bản, đúng liều lượng, do đó sẽ không gây ra áp lực lạm phát từ gói này. Áp lực lạm phát từ gói hỗ trợ này, nếu có chỉ là khi tổng cầu tăng thì phải sử dụng nhiều nguyên vật liệu, đơn cử như việc triển khai gói kích thích đầu tư, qua đó nhu cầu nguyên vật liệu tăng làm giá cả tăng.

Rủi ro lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 là không đáng lo ngại. Bài toán tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát năm 2022 sẽ đau đầu hơn 2021 nhưng sẽ không có rủi ro quá lớn cho nền kinh tế. Lạm phát năm nay sẽ tăng so với mức năm 2021, song sẽ không vượt khỏi 4-5%/năm và sẽ ổn định lại dần vào năm 2023.

Lựa chọn nào cho các nhà đầu tư?

Để lựa chọn được các kênh đầu tư, tích trữ tài sản trong bối cảnh lạm phát, nhiều chuyên gia cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là cần phải phân tích được rủi ro lạm phát ở mức nào.

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao như giai đoạn 2008 – 2012, theo ông Báu, ở Việt Nam không có kênh trú ẩn nào an toàn cho các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư nên lựa chọn vàng, ngoại tệ… những tài sản không được định giá bằng tiền đồng.

Nếu lạm phát tăng vọt, quá cao vượt khỏi sự kiểm soát của Chính phủ, các nhà đầu tư không nên cầm bất cứ một loại tài sản nào được định giá bằng VNĐ như bất động sản, chứng khoán.

Thực tế những diễn biến trên thị trường thời gian vừa qua cho thấy, giai đoạn 2008 – 2012, khi lạm phát tăng quá cao, Chính phủ đã buộc phải tăng lãi suất để kìm chế lạm phát. 

Hệ quá là những nhà đầu tư vay vốn ngân hàng để đầu tư bất động sản không chịu được áp lực trả lãi ngân hàng, buộc phải bán tháo tài sản. Trong khi đó, thanh khoản thị trường ở thời điểm đó rất thấp khiến giá bất động sản giảm sâu.

Trong khi đó, trong bối cảnh lạm phát được duy trì ở mức không quá cao, lãi suất huy động và lãi suất cho vay ở mức thấp, dòng tiền vẫn sẽ đổ vào hai kênh đầu tư hấp dẫn nhất trên thị trường hiện nay là chứng khoán và bất động sản. 

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Minh Tuấn CEO Công ty CP FIDT, chuyên cung cấp mô hình tư vấn đầu tư và hỗ trợ giải pháp quản lý tài sản cũng cho rằng, thị trường bất động sản và chứng khoán trong 1-2 năm tới vẫn tiếp tục được hưởng lợi nhờ chính sách giảm lãi suất của Chính phủ. 

Trong hai năm 2019 - 2020 vừa qua, khi lãi suất ở mức thấp, thị trường bất động sản và chứng khoán đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trong năm 2022, với mức lạm phát tăng những vẫn trong tầm kiểm soát, thị trường chứng khoán và bất động sản vẫn tăng trưởng nhưng sẽ không thể tăng mạnh như giai đoạn trước đó. Nguy cơ lạm phát và lãi suất tăng sẽ làm giảm sự kỳ vọng của nhà đầu tư.

Chính vì vậy, các nhà đầu tư sẽ nhậy cảm hơn với các biến động. Thị trường chứng khoán và bất động sản sẽ vẫn tăng trưởng nhưng là tăng trưởng trong trạng thái lo sợ chứ không còn là tăng trưởng mạnh mẽ trong kỳ vọng như năm 2021.