Đề xuất cơ chế kiểm toán đặc biệt về tác động môi trường
Hạ Vũ
Chủ nhật, 22/09/2019 - 20:02
Các chuyên gia đề xuất triển khai Đề án kiểm soát đặc biệt đối với các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Hơn 100 nghìn tấn hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng; 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630 nghìn tấn chất thải nguy hại phát sinh trên cả nước mỗi năm.
13.500 cơ sở y tế hàng ngày thải ra trên 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000 m3 nước thải y tế; 787 đô thị với 3 triệu m3 nước thải ngày/đêm, nhưng hầu hết chưa được xử lý.
Thêm nữa, có hơn 2.000 dự án đầu tư thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường mỗi năm.
“Nếu không được đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát hiệu quả sẽ là những nguy cơ rất lớn đến môi trường”, GS, TS. Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh tại hội thảo "Quản lý rác thải, nước thải vì sự phát triển bền vững và vai trò của Kiểm toán Nhà nước" ngày 19/9.
Đồng thời, ông Tiên cho rằng, tăng trưởng kinh tế đang đi kèm với sức ép lên tài nguyên, thiên nhiên và môi trường.
Thực tế vẫn còn các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có hoặc có hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa đạt yêu cầu; còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường chưa được xử lý triệt để…
Do đó, tại hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng Việt Nam cần phải học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới để hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn. Cần xác định, rác thải giờ đây không chỉ đơn thuần là thứ bỏ đi mà phải là đầu vào của ngành sản xuất khác.
Để làm được điều này, thời gian tới, cần tạo điều kiện để Kiểm toán Nhà nước phải phát huy hơn nữa vai trò của mình trong kiểm toán môi trường, thống kê cụ thể số lượng rác thải mỗi ngày, những loại rác thải...
Cũng cùng quan điểm đó, TS. Lê Đức Luận, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực VII nhận định ngoài các yếu tố khách quan có thể thấy nguyên nhân của các vấn đề môi trường lại do chính công tác quản lý chưa thực sự hiệu quả.
Để thực hiện tốt công tác quản lý rác thải, cần nâng cao hiệu quả, trách nhiệm công tác quản lý nhà nước của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương và sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước trong việc đánh giá và tư vấn cho các cấp chính quyền, qua đó xây dựng được cơ chế, chính sách phù hợp và triển khai đồng bộ dựa trên điều kiện riêng của từng địa phương.
Đề án kiểm soát đặc biệt với dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, trước hết cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý về môi trường; tăng cường sử dụng các công cụ kinh tế môi trường, nhất là thuế, phí và đặt cọc hoàn trả...
Mặt khác, cần triển khai Đề án kiểm soát đặc biệt đối với các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Trong đó lồng ghép bộ tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư, đảm bảo không thu hút công nghệ sản xuất lạc hậu vào Việt Nam.
Đồng thời thành lập và duy trì hoạt động có hiệu lực, hiệu quả các tổ giám sát và đường dây nóng phản ánh vi phạm môi trường về rác thải và nước thải, nhằm chủ động tiếp cận thông tin, kiểm soát tình hình và xử lý nghiêm các điểm nóng về môi trường, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các thế hệ và trách nhiệm của các doanh nghiệp…
Đánh giá về thực trạng pháp lý trong công tác kiểm toán môi trường, ông Trần Nguyên Hiền, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng khung pháp lý, cũng như đối tượng kiểm toán môi trường chưa được rõ ràng.
Về khung pháp lý đối với kiểm toán môi trường, hiện trước một số bất cập của Luật Bảo vệ môi trường năm 2015, Bộ Tài nguyên và môi trường đang dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Theo đó, khung pháp lý về kiểm toán môi trường cũng được lồng ghép vào khung pháp lý bảo vệ môi trường, điều này sẽ tạo thuận lợi cho quá trình triển khai.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đề cập đến giám sát môi trường, quản lý chất thải, nhưng chưa quy định về sự giám sát các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, do đó, cần lồng ghép để đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ.
Ông Hiền cho rằng, tại các địa phương, khi kiểm toán môi trường thì không chỉ chú trọng vào kiểm toán các chất thải phát sinh ra mà quan trọng là làm sao có những giải pháp, kiến nghị giảm chất thải ra môi trường để giảm thiểu việc xử lý.
Đồng thời, cần tăng cường kiểm toán môi trường trong các hoạt động đầu tư, như kiểm toán vật liệu, kiểm toán năng lượng, để đánh giá hiệu quả giảm thiểu chất thải.
Với ký kết sáng 11/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 12 doanh nghiệp thành viên hiện tại của Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam đặt mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định sự cố cháy nổ ở Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông liên quan đến hoá chất, ảnh hưởng đến môi trường, gây ô nhiễm không khí và nước mặt.
Hiện nay, việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn đô thị tại một số quốc gia trên thế giới đã mang lại hiệu quả lớn.
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.