Leader talk
Đi tìm động lực tăng trưởng 2020
Việt Nam đang cho thấy những động lực tăng trưởng mới bên cạnh xuất khẩu mà trong đó, tư nhân là trụ cột được đánh giá mạnh mẽ và giúp tăng trưởng bền vững hơn. Để khu vực này có thể phát huy hết tiềm năng, khơi thông dòng vốn là việc phải làm trước hết.
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2019 đạt 7,02%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra và cao hơn mức dự báo của các tổ chức nước ngoài như Ngân hàng thế giới (World Bank) hay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).
Trong Báo cáo cập nhật triển vọng khu vực châu Á 2019, ADB đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm sau từ mức 6,7% lên 6,8% giữa xu hướng hạ thấp dự báo cho các nước trong khu vực.
Phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam về các động lực tăng trưởng trong năm 2020 cùng những lưu ý giúp tăng trưởng bền vững hơn.
Xin ông cho biết vì sao ADB vừa qua lại nâng dự báo tăng trưởng cho Việt Nam vào năm tới giữa bối cảnh giảm dự báo với hầu hết nền kinh tế khác trong khu vực châu Á?
Ông Nguyễn Minh Cường: ADB tương đối lạc quan với tăng trưởng kinh tế Việt Nam và sự lạc quan này dựa trên nhiều yếu tố.
Trước hết, Việt Nam cho thấy một quá trình chuyển đổi thực sự lên một nước có thu nhập trung bình, phản ánh qua tăng trưởng của thị trường nội địa, nhu cầu nội địa rất mạnh. Đây sẽ là một động lực tăng trưởng chính khi bán sỉ, bán lẻ tăng rất mạnh thời gian qua.
Thương mại, dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm 2019 đã có những sự đột biến, như kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 500 tỷ USD, FDI từ Trung Quốc gia tăng mạnh. Kiều hối cũng có sự gia tăng mạnh mẽ.
Cùng với đó là những biện pháp tích cực của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho dòng FDI chảy vào Việt Nam mạnh hơn và cải thiện đầu tư công, giúp bổ sung nguồn vốn cho nền kinh tế.
Yếu tố cuối cùng là môi trường kinh tế vĩ mô Việt Nam tương đối ổn định với lạm phát duy trì ở mức thấp. Ngân hàng Nhà nước cũng đã áp dụng những biện pháp để có thể hỗ trợ cho việc tăng trưởng như cắt giảm lãi suất.
Trong bối cảnh đó, ADB tương đối lạc quan về tăng trưởng Việt Nam và dự báo ở mức tương đối cao dù thấp hơn năm 2019.
Với dự báo tăng trưởng cao như vậy, Việt Nam cần lưu ý những gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Cường: Để có thể đạt được mức tăng trưởng như dự báo, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện những yếu tố điều kiện cho tăng trưởng cơ sở hạ tầng, năng lực quản lý, môi trường kinh doanh, thể chế pháp luật và về lâu dài như tác động biến đổi khí hậu, già hóa dân số.
Nếu các điều kiện để phát triển đó không có, nền kinh tế sẽ dễ dẫn tới tăng trưởng nóng.
Ví dụ, tốc độ tăng trưởng nhanh yêu cầu các thủ tục hành chính phải nhanh, thủ tục phê duyệt dự án phải được rút ngắn chứ không thể 1 – 2 năm mới xong một dự án. Tốc độ giải ngân cũng phải rất nhanh bởi dòng vốn vào nhiều mà giải ngân lại như rùa thì không thể nào đáp ứng tăng trưởng. Cùng với đó là khả năng quản lý, tính hiệu quả của các cơ quan hành pháp.
Nền kinh tế không đảm bảo môi trường kinh doanh, bảo toàn hệ thống thể chế hiệu quả; trình độ quản lý không đáp ứng được thì sẽ dẫn đến mất cân đối trong kinh tế, và từ mất cân đối sẽ dẫn tới khủng hoảng. Do đó, Việt Nam nên tính toán, duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhưng phải đảm bảo điều kiện tăng trưởng, tránh tăng trưởng nóng và không bền vững.
Theo ông, đâu là yếu tố thúc đẩy tiêu dùng nội địa phát triển thời gian qua và sẽ diễn tiến thế nào trong năm tới?
Ông Nguyễn Minh Cường: Thị trường tiêu dùng nội địa của Việt Nam vừa qua đã tăng trưởng rất mạnh, là một động lực cho thấy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Việt Nam cân bằng hơn. Ngoài dựa vào xuất khẩu, dựa vào thị trường bên ngoài thì thị trường nội địa và đặc biệt là sức tiêu dùng nội địa cũng được cải thiện mạnh mẽ. Thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Trước hết là thương mại điện tử phát triển rất mạnh, kết nối trực tiếp người tiêu dùng với người sản xuất. Một loạt mạng lưới thương mại điện tử xuất hiện cùng những công cụ giao nhận được hỗ trợ đã làm cho tiêu dùng phát triển mạnh lên và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng.
Các công ty về tài chính, đặc biệt là công ty fintech (sử dụng công nghệ trong ngành tài chính), đã tạo điều kiện cho việc tiếp cận tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như ngay cả người tiêu dùng.
Bên cạnh đó là vấn đề cắt giảm lãi suất. Dù chưa tác động mạnh nhưng đây cũng là một trong những điều kiện để tiêu dùng có thể phát triển mạnh trong năm 2020.
Do đó, xu hướng tiêu dùng của Việt Nam và đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, sẽ tiếp tục tăng. ADB rất lạc quan về xu hướng tăng trưởng tiêu dùng của Việt Nam.
Động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là xuất khẩu dường như đang có sự chững lại khi tốc độ tăng tưởng năm nay giảm mạnh so với các năm trước. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này và làm thế nào để thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2020?
Ông Nguyễn Minh Cường: Sự chững lại trên là điều dễ hiểu bởi trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung,nhu cầu toàn cầu sụt giảm, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhưng sự sụt giảm của Việt Nam ít hơn các nước khác.
Năm 2020, động lực để duy trì, thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sẽ là những hiệp định thương mại có hiệu lực như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay hiệp định có thể có hiệu lực như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA).
Tuy vậy, những thách thức cũng không phải là nhỏ bởi khi có những hiệp định trên, Việt Nam cũng phải mở cửa thị trường và nhập khẩu nhiều.
Bên cạnh đó là nguy cơ phải nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ trong bối cảnh Mỹ đang xem xét lại tất cả thị trường có thặng dư thương mại lớn với Mỹ và Việt Nam cũng nằm trong danh sách ấy.
Nếu Việt Nam buộc phải nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ và đồng thời cũng nhập khẩu từ những nước có điều kiện tương tự như Mỹ thì thặng dư thương mại có thể thu hẹp lại.
Nhưng nhìn chung, năm 2020 hai hiệp định thương mại lớn sẽ là điều kiện thúc đẩy việc tiếp tục duy trì cán cân thương mại của Việt Nam dù đà sụt giảm vẫn sẽ xuất hiện.
Mặc dù Việt Nam sở hữu nhiều hiệp định thương mại (FTA), các doanh nghiệp dường như lại “bỏ quên” khi tỷ lệ sử dụng ưu đãi thấp. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào và liệu rằng Việt Nam có “tham” khi ôm nhiều FTA?
Ông Nguyễn Minh Cường: Mức độ sử dụng FTA thấp của doanh nghiệp Việt không phải là vấn đề mới, ngay từ chương trình ưu đãi thuế quan trong ASEAN từ những năm 90.
Nếu nhìn vào toàn bộ FTA sẽ thấy ở đây có hiện tượng “spaghetti bowl” (hiện tượng đan xen nhiều hiệp định thương mại), mỗi một FTA lại có một quy chế xuất xứ riêng, biểu thuế quan riêng.
Do đó, vai trò của Nhà nước rất quan trọng, làm thế nào để các doanh nghiệp có thể hiểu được những ưu đãi sẽ được hưởng, có thể tận dụng được và có được những form về xuất xứ chính xác.
Việc khai thác được đầy đủ lợi thế trong FTA không nên chỉ nhìn nhận trong khía cạnh hẹp là những ưu đãi thuế quan mà cần nhìn trong bối cảnh rộng hơn khi quá trình cải cách của Việt Nam dựa vào yếu tố bên ngoài rất lớn.
Năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN thì đấy là một động lực cho cải cách.
Năm 2000, khi Việt Nam và Mỹ ký hiệp định về quan hệ thương mại song phương, quá trình cải cách nội địa lại được đẩy mạnh và tiếp tục được thúc đẩy hơn nữa nhờ vào các cam kết của Việt Nam trong Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) khi gia nhập tổ chức này năm 2007.
CPTPP và EVFTA kỳ vọng sẽ làm động lực tiếp theo cho cải cách của Việt Nam bởi những cam kết của Việt Nam rất sâu rộng trong các hiệp định này, không chỉ trong lĩnh vực hàng hóa mà còn tài chính.
Do đó, chúng ta phải nhìn nhận việc tham gia vào các FTA là những động lực cho cải cách rất mạnh của Việt Nam.
Thời gian qua, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh tại thị trường Mỹ, trong khi các thị trường khác lại sụt giảm. Ông đánh giá về vấn đề này như thế nào và Việt Nam cần lưu ý gì?
Ông Nguyễn Minh Cường: Việt Nam là một trong số ít nước có thị trường xuất nhập khẩu rất đa dạng, ngoài Mỹ còn có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN, kể cả những nước châu Âu, châu Phi.
Với thị trường đa dạng như vậy, nhìn trong biểu đồ thì tất nhiên sẽ có lúc thị trường này lên và có những lúc, các thị trường khác lên nhưng tổng thể sẽ bù đắp cho nhau.
Trước năm 2000, trước khi có ký kết quan hệ thương mại với Mỹ thì xuất khẩu sang Mỹ rất thấp. Sau khi ký, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có lên nhưng đây chưa phải là thị trường quan trọng.
Thị trường Mỹ đặc biệt trở nên nổi trội khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xuất hiện, Mỹ phải tìm kiếm những nguồn hàng thay thế cho nhà nhập khẩu Trung Quốc. Tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ rất mạnh và xuất phát từ nhu cầu thị trường.
Nếu quan hệ thương mại Mỹ - Trung được giải quyết, Trung Quốc quay lại thị trường Mỹ thì các thị trường xuất khẩu khác của Việt Nam có thể sẽ nổi lên như Trung, Hàn hay Nhật.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay, nếu xuất khẩu sang Mỹ tiếp tục tăng thì Việt Nam cần có những nhìn nhận, tránh trường hợp bị Mỹ liệt vào “danh sách đen”.
Trong câu chuyện xuất khẩu của Việt Nam, một vấn đề cần nhìn nhận là thành phần doanh nghiệp tham gia khi các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm ưu thế.
Cho nên, nếu thị trường đã được đa dạng hóa rồi thì vấn đề đa dạng hóa thành phần xuất khẩu cũng rất quan trọng.
Dòng FDI vào Việt Nam tăng nhưng phần lớn đến từ Trung Quốc, Hồng Kông và chủ yếu thông qua hình thức mua lại cơ sở sản xuất sẵn có. Điều này theo ông có tạo ra nguy cơ gì cho Việt Nam hay không?
Ông Nguyễn Minh Cường: Hiện tượng trên đúng là đang xảy ra và nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư thẳng vào nhà máy, mua cổ phần, mua nhà máy chứ không đầu tư xây dựng nhà xưởng từ đầu.
Mỹ đang theo dõi hiện tượng này rất chặt, họ nhìn vào biểu đồ nhập khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam, từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Do đó, thương mại với Mỹ cần hết sức cẩn thận.
Ngoài vấn đề với Mỹ, Việt Nam cần để ý tới chất lượng FDI về lâu dài. FDI từ Trung Quốc không chỉ đến Việt Nam mà đến từ nhiều nước khác nhưng thông thường, dòng FDI này lại đi kèm với lao động, thường có chất lượng thấp, ít gắn với công nghệ, trình độ quản lý và gần như chỉ có một dòng tiền.
Những dòng vốn được xem là chất lượng cao của Trung Quốc, có công nghệ, có chất xám lại chủ yếu sang các nước phát triển, Mỹ hay châu Âu.
Do đó, Việt Nam hiện đến giai đoạn cần tập trung vào mặt chất lượng, cần sàng lọc vốn đầu tư nước ngoài, không chỉ với Trung Quốc mà đối với tất cả.
Ngoài ra, nếu nhìn kỹ vào dòng vốn, về tổng thể có tăng nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, ít tập đoàn lớn. Vì vậy, không chỉ là FDI chất lượng mà còn phải là chất lượng từ các tập đoàn lớn nước ngoài.
Khu vực tư nhân Việt Nam thời gian qua đã được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua các cải cách môi trường kinh doanh. Ông có đề xuất gì giúp khu vực này phát triển mạnh hơn trong năm 2020 và những năm tiếp theo?
Ông Nguyễn Minh Cường: Trong khoảng 20 năm qua, khu vực tư nhân Việt Nam phát triển tương đối nhanh, từ một nền kinh tế mà toàn những doanh nghiệp nhỏ và vừa đã xuất hiện các tập đoàn lớn.
Dù vậy, tốc độ phát triển vẫn chưa thể đáp ứng như kỳ vọng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà trước hết là vốn, đặc biệt là vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.Mọi người đều biết các thủ tục tiếp cận vốn rất rườm rà, khó khăn nhưng ngoài ra còn là vấn đề lãi suất.
Do lịch sử lạm phát tương đối cao, lãi suất tại Việt Nam nhiều năm cũng tương đối cao. Trong một thời gian dài, doanh nghiệp phải gồng lên để gánh lãi suất này và đây là một trở ngại rất lớn
Cùng với đó là cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp khi các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp vừa sẽ được ưu tiên tiếp cận vốn hơn dựa trên chỉ số tín nhiệm, đồng nghĩa với việc dư địa để ngân hàng cho vay doanh nghiệp nhỏ sẽ hạn chế hơn. Các hộ gia đình kinh doanh cũng sẽ bị hạn chế.
Thực trạng trên xuất phát từ việc thị trường vốn chưa phát triển, các doanh nghiệp hầu hết phải dựa vào kênh ngân hàng, khiến hệ thống ngân hàng phải gồng mình trước nhiều yêu cầu.
Hai hiệp định thương mại CPTPP và EVFTA sẽ là cơ hội để giải quyết một phần tắc nghẽn về vốn khi có sự mở cửa lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng. Khi đó, doanh nghiệp tài chính nước ngoài sẽ gia nhập và được kỳ vọng trở thành động lực giúp Việt Nam phát triển thị trường vốn, ngân hàng có nhiều dư địa để cho vay khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
Nếu không cải thiện được vấn đề vốn thì sẽ khó phát triển kinh tế tư nhân.
Vấn đề thứ hai hay được mọi người nhắc tới là môi trường kinh doanh, thể chế, pháp luật cũng như năng lực của doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được cải thiện.
Vấn đề thứ ba là hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp. So với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực, tiếp cận vốn của doanh nghiệp Việt không phải là kém hẳn mà chất lượng hiệu quả của sử dụng vốn mới là vấn đề, liên quan đến năng lực quản lý của các doanh nghiệp. Cho nên, nếu nhìn vào tổng số kỹ sư trên số công nhân, nhìn vào đầu tư cho nghiên cứu phát triển thì doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chưa được mạnh.
Xin cảm ơn ông!
Trăn trở mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% năm 2020
ADB cấp 37 triệu USD cho DHD lắp đặt dàn pin điện mặt trời nổi lớn nhất Đông Nam Á
Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD) vừa nhận khoản vay trị giá 37 triệu USD từ ADB để lắp đặt một dàn pin điện mặt trời nổi với công suất đỉnh là 47,5 MWp trên hồ chứa hiện thời của nhà máy thủy điện Đa Mi.
ADB: 2 điểm sáng của kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm
Nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,8% và 6,7% với mức lạm phát 3,0% và 3,5% tương ứng trong năm 2019 và 2020, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Ngân hàng Việt đầu tiên nhận giải Ngân hàng xanh của ADB
HDBank là ngân hàng duy nhất trong các ngân hàng thành viên trên toàn cầu của chương trình TFP năm 2019 được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trao giải thưởng Green Deal Award
ADB cấp 45 triệu USD cho 5 tỉnh phát triển cơ sở hạ tầng du lịch
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa ký hiệp định với 5 tỉnh để cung cấp vốn vay 45 triệu USD cho giai đoạn 2 của dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
Tập đoàn Sanofi nỗ lực đẩy lùi bệnh cúm mùa
Tập đoàn Sanofi đã tổ chức chuỗi hội thảo khoa học nhằm nâng cao nhận thức về bệnh cúm và giải pháp tiêm ngừa.
Công nghệ số giải bài toán chuyển đổi xanh
Công nghệ số được ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh giúp doanh nghiệp thúc đẩy hiệu quả các giải pháp chuyển đổi xanh.
Phát triển bền vững có tính kế thừa giữa các 'ông chủ' doanh nghiệp
Phát triển bền vững tại nhiều doanh nghiệp xuất phát từ mối liên kết chặt chẽ giữa các thế hệ lãnh đạo, nhân sự với nhau, song hành với công nghệ và văn hóa.
Doanh nghiệp nhà nước phải vận hành theo cơ chế thị trường
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, khi thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Kotler Award Việt Nam 2024 vinh danh nhà tiếp thị xuất sắc
Kotler Awards Việt Nam 2024 vinh danh 27 nhà tiếp thị kinh doanh, chuyên gia tiếp thị, nhà quản trị chiến lược và doanh nghiệp xuất sắc.
Cú bẻ lái của Hateco Group và dấu ấn của doanh nhân Trần Văn Kỳ
Khởi đầu rồi phát triển mạnh nhờ bất động sản, doanh nhân Trần Văn Kỳ tiếp tục dẫn dắt Hateco Group đầu tư mạnh vào hạ tầng cảng biển.
Sức mạnh thương hiệu: Chìa khóa mở cửa tương lai phát triển bền vững
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.