Dịch vụ tài chính bán lẻ: Trò chơi rủi ro cho các ngân hàng Việt Nam

Lê Vy - 16:15, 29/08/2017

TheLEADERSản phẩm khác biệt, lợi nhuận và việc áp dụng công nghệ hướng đến khách hàng là những thách thức lớn trong ngành ngân hàng bán lẻ đang phát triển của Việt Nam.

Dịch vụ tài chính bán lẻ: Trò chơi rủi ro cho các ngân hàng Việt Nam
Ngành dịch vụ tài chính bán lẻ tại Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển. Nguồn: The Asian Banker

Quy mô, khả năng sinh lời và tiềm năng tăng trưởng cao nhưng ngành ngân hàng bán lẻ đang phát triển của Việt Nam vẫn có những thách thức lớn. Một tương lai tăng trưởng bền vững trong dài hạn của mảng bán lẻ sẽ phụ thuộc vào việc các ngân hàng cân bằng giữa lợi ích và rủi ro.

Ngành dịch vụ tài chính bán lẻ tại Việt Nam sẽ trở thành thị trường phát triển dẫn đầu ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong năm nay. Ngành này dự kiến sẽ tăng 29% về tổng tài sản bán lẻ so với năm 2016 và  thu nhập bán lẻ ở Việt Nam sẽ đạt 6,5 tỷ USD vào năm 2020.

Thị trường này phần lớn chưa được khai thác ở ASEAN, nơi có 20% dân số tiếp cận với ngân hàng nhưng chỉ có 6% sở hữu thẻ tín dụng. 

Nhiều người Việt Nam lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế hơn 6% trong thời gian gần đây và muốn đầu tư vào tiết kiệm trong nước. Các ngân hàng Việt Nam đang chuyển sang hình thức bán lẻ, do các khoản tiền gửi dồi dào và tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp thấp.

Năm năm trước, chính phủ Việt Nam đã khởi xướng một kế hoạch tái cơ cấu cho năm ngân hàng nhà nước. Cùng với đó, việc thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II và các tiêu chuẩn quốc tế khác đang nâng cao niềm tin của công chúng. Tăng trưởng kinh tế đang dần đạt được mức cao sau cuộc khủng hoảng nợ xấu giữa năm 2012 và 2013. Nguyễn nhân làm giảm mức tăng trưởng ấn tượng trước đó và gây ra các khoản nợ xấu của Việt Nam.

Nhưng ngành ngân hàng bán lẻ sẽ phải đối mặt với bốn thách thức chính trong bối cảnh môi trường tài chính đang được cải thiện: Dịch vụ cung cấp vẫn chưa thực khác biệt, quy trình và cơ sở hạ tầng tương đối yếu, khả năng sinh lời thấp cản trở phát triển và khả năng phát triển một dịch vụ toàn diện hài hòa với nhu cầu khách hàng vẫn còn thấp.

Ngân hàng phải làm cho mình khác biệt

Sau khi hoạt động ngân hàng bán lẻ bắt đầu tăng trưởng mạnh vào năm 2015 và năm 2016, các ngân hàng đã đề ra những chiến lược mới cho năm 2016 – 2020, nhằm biến mảng ngân hàng bán lẻ trở thành động lực tăng trưởng chính của các ngân hàng.

Lãi suất cho vay và không có tài sản thế chấp là những mối quan tâm hàng đầu trong chiến lược bán lẻ của các ngân hàng.

Trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng bán lẻ, các ngân hàng Việt Nam đã tung ra các sản phẩm tinh vi hơn như công cụ quản lý tiền mặt và thanh khoản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc các hình thức mới trong dịch vụ quản lý tài sản.

Tuy nhiên, có vẻ các ngân hàng đã bị mắc kẹt trong áp lực duy trì lãi suất ròng từ 2,3% đến 4,6%.

Bên cạnh đó, các ngân hàng đang tìm kiếm cơ hội bán chéo cho khách hàng hiện tại bằng việc giới thiệu kèm nhiều sản phẩm trả phí hơn như bảo hiểm và thẻ tín dụng.

Chìa khóa để chiến thắng trò chơi này là phải tập trung vào khách hàng. Vì vậy, các mô hình kinh doanh mới đều đang được triển khai theo hướng dịch vụ hướng tới khách hàng.

Nhưng mức độ trung thành của khách hàng thấp và khuynh hướng thay đổi ngân hàng đang là một thách thức lớn đối với các ngân hàng Việt Nam.

Áp dụng tiêu chuẩn Basel II

Vào đầu năm 2017, NHNN đã đưa ra một chỉ thị nhằm tái cấu trúc các định chế tài chính và giải quyết nợ xấu, hướng các ngân hàng hoạt động trong khuôn khổ Basel II nhằm đưa các ngân hàng đến gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế.

Basel là bộ quy tắc tiêu chuẩn ngân hàng quốc tế về giám sát ngân hàng, thiết lập các yêu cầu về vốn tối thiểu và yêu cầu ngân hàng áp dụng các phương pháp quản lý rủi ro.

Số liệu từ NHNN cho thấy ngành tài chính Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỷ lệ nợ xấu, từ mức cao khoảng 4,93% trong năm 2012, xuống còn khoảng 2,46% vào cuối năm 2016. Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp ngành này tìm được sự cân bằng giữa rủi ro và đảm bảo tương lai phát triển bền vững.

Áp dụng các tiêu chuẩn Basel II ở Việt Nam là cần thiết để hội nhập với hệ thống ngân hàng toàn cầu, giúp bảo vệ khách hàng và giảm rủi ro khi phát triển các sản phẩm tài chính mới.

Theo một báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính guốc gia, mức tiêu chuẩn an toàn vốn tối thiểu (tỷ lệ vốn bắt buộc tính trên tổng tài sản điều chỉnh theo hệ số rủi ro - CAR) của toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam ước đạt 11,3% trong năm 2017.

Tập trung vào cải tiến quy trình và cơ sở hạ tầng

Các ngân hàng sau khi đầu tư vào hệ thống cho vay và thu hồi khoản vay đang bắt đầu tập trung hơn vào tự động hoá hệ thống giao dịch. Hầu hết các ngân hàng đang đẩy nhanh quy trình ra quyết định tín dụng và giảm thủ tục xin vay.

Một xu hướng liên kết giữa các bộ phận tín dụng của các ngân hàng cho phép các ngân hàng có thể chấp thuận cho vay gần như ngay lập tức đối với các phân khúc khách hàng nhất định.

Các ngân hàng cũng đang ngày càng chú ý tới việc xây dựng hệ thống quản lý thông tin quản lý (MIS) và quản lý quan hệ khách hàng (CRM). Ngoài việc đầu tư vào công nghệ, hệ thống quản lý rủi ro và dịch vụ khách hàng sẽ là điều thiết yếu để đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Số hóa và rủi ro thị trường

Nhiều ngân hàng tại Việt Nam đang bắt tay vào chiến lược số hóa để tạo ra những cơ hội mới nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu hóa chi phí hoạt động.

Các ngân hàng như VPBank đang cải tiến các quy trình tự động hoá và số hóa kênh phân phối dịch vụ được truy cập thông qua máy tính và các thiết bị di động.

VPBank duy trì tỷ lệ nợ xấu cao hơn so với mức trung bình của ngành (2,9% so với 2,46% vào cuối năm 2016, theo Ngân hàng Nhà nước). VP Bank đang nỗ lực giảm tỷ lệ này thông qua việc tận dụng nguồn dữ liệu khổng lồ về khách hàng để tạo mô hình mới trong việc phê duyệt và xử lý tín dụng. Điều này giúp kiểm soát hiệu quả những rủi ro khi ngân hàng này tăng trưởng đột biến về dịch vụ bán lẻ.

Chiến lược ngân hàng số đầu tiên

Một số ngân hàng mới đã áp dụng thay đổi công nghệ trong ngành ngân hàng bán lẻ nhanh hơn và rộng rãi hơn các ngân hàng khác. TPBank (Ngân hàng Tiên Phong) được thành lập năm 2008 và đã có những ưu tiên chiến lược rõ ràng để trở thành ngân hàng số tốt nhất tại Việt Nam.

TP Bank đã có nền tảng vững chắc về công nghệ tài chính (fintech) và một lợi thế trong việc áp dụng các công nghệ mới cho các giải pháp ngân hàng kỹ thuật số và ngân hàng tự động, cũng như phát triển sản phẩm mới.

Năm 2016, ngân hàng này đã đưa ra các sản phẩm mới để tăng thu nhập từ phí và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng thông qua các chương trình khuyến mại và hợp tác.

Dự án "LiveBank" của TPBank đa dạng hóa các kênh giao dịch ngân hàng và cung cấp dịch vụ khách hàng 24/7. Thông qua LiveBank, ngân hàng cung cấp nhiều điểm truy cập hơn đồng thời giảm thời gian giao dịch của khách hàng.

TPBank có tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,7% vào cuối năm 2016 và vẫn đang tăng cường quản trị rủi ro hướng đến việc áp dụng Basel II, với các tiêu chuẩn tương đương với 10 ngân hàng dẫn đầu tại Việt Nam