Điểm danh loạt chủ đầu tư yếu kém trong lĩnh vực nông nghiệp

Thái Bình - 20:38, 11/11/2020

TheLEADERBộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê bình 9 chủ đầu tư do chậm triển khai dự án, giải ngân thấp dù đã được các cơ quan có liên quan tháo gỡ khó khăn.

Điểm danh loạt chủ đầu tư yếu kém trong lĩnh vực nông nghiệp
Giải phóng mặt bằng phục vụ dự án hồ chứa nước Cánh Tạng (tỉnh Hòa Bình)

Thông tin nêu trên được đưa ra trong đánh giá của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về tình hình thực hiện và kết quả giải ngân của 136 chủ đầu tư (9 tháng đầu năm).

Điển hình, ở các dự án vốn trái phiếu chính phủ, ghi nhận bốn đơn vị có vốn lớn nhưng giải ngân dưới 40% hoặc không đạt cam kết.

Cụ thể gồm: Ban quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng hồ Krông Pách), BQLDA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông tỉnh Đắk Nông (hồ Nam Xuân), BQLDA đầu tư và xây dựng thủy lợi 8, BQLDA tỉnh Hòa Bình (được ủy thác phần xây lắp của giải phóng mặt bằng hồ Cánh Tạng).

Thuộc dự án nhóm A, dự án hồ chứa nước Cánh Tạng có tổng mức đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành, hồ sẽ chứa được khoảng 95 triệu m3 nước. Đây là dự án được xây dựng nhằm cấp nước tưới cho khoảng 6.500ha đất canh tác của 17 xã thuộc huyện Lạc Sơn và Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình). 

Đồng thời tạo nguồn cấp nước bổ sung cho các công trình ở hạ lưu trong mùa khô của huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Tổng diện tích giải phóng mặt bằng theo phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hồ chứa nước Cánh Tạng được duyệt là 1.238ha.

Ở dự án vốn ngân sách tập trung, ba đơn vị có vốn lớn nhưng giải ngân dưới 40%, không đạt cam kết hoặc chưa giải ngân. 

Các đơn vị này gồm: Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Kiểm nghiệm kiểm chứng và tư vấn chất lượng nông lâm thủy sản; Cục Kiểm ngư (Trạm kiểm ngư Phú Quốc); Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre (hạ tầng nuôi trồng thủy sản tập trung Bình Đại, Bến Tre).

Liên quan tới dự án vốn ODA, hai đơn vị giải ngân thấp (dưới 40%), chậm làm thủ tục rút vốn với Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) gồm: BQLDA Nông nghiệp - CPO Nông nghiệp; BQLDA Lâm nghiệp - CPO Lâm nghiệp.

Đối với ba chủ đầu tư yếu kém là đơn vị thuộc UBND tỉnh (Đắk Lắk, Đắk Nông, Bến Tre), bộ này đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh rà soát năng lực và việc thực thi nhiệm vụ của các đơn vị này, xử lý nghiêm thủ trưởng và tập thể lãnh đạo đơn vị nếu tiếp tục chậm trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công hợp phần dự án được giao.

Bộ giao Cục Quản lý xây dựng công trình và Vụ Kế hoạch tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện cả năm và phân loại từng chủ đầu tư dự án, báo cáo trước 10/2/2021. 

Đối với những đơn vị không hoàn thành kế hoạch 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2020, bộ sẽ xem xét không giao chủ đầu tư trong trung hạn 2021 - 2025.