Điều gì khiến các tập đoàn lớn góp vốn vào ThinkZone Fund II

Jamille Trần - 09:30, 23/02/2022

TheLEADERĐầu tư vào các startup là cánh tay nối dài của các tập đoàn truyền thống khi chúng mang đến cho họ những cơ hội hợp tác hoặc mua bán sáp nhập các sáng kiến đổi mới mà không cần phải có một bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) quy mô.

Điều gì khiến các tập đoàn lớn góp vốn vào ThinkZone Fund II
Quỹ ThinkZone Fund II huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp lớn của Việt Nam.

ThinkZone Ventures vừa công bố quỹ đầu tư doanh nghiệp khởi nghiệp có quy mô 60 triệu USD với sự tham gia góp vốn hoàn toàn từ các tập đoàn Việt Nam như IPA Investments, Phú Thái Holdings, Stavian Group.

Đây là quỹ thứ hai của ThinkZone (Fund II), tập trung đầu tư vào các startup từ giai đoạn hạt giống đến vòng gọi vốn Series A cũng như mở rộng khoảng góp vốn lên đến ba triệu USD cho mỗi thương vụ.

ThinkZone Fund II cũng là một trong số ít quỹ được thành lập dựa trên Nghị định 38/2018/ND-CP của Chính phủ ban hành ngày 11/3/2018 quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Gây quỹ 100% từ các tập đoàn lớn trong nước

Trước những bất lợi từ đại dịch Covid-19, nhà sáng lập ThinkZone Ventures Bùi Thành Đô cho biết, công ty đã phải thay đổi chiến lược gọi vốn không ít lần trước khi nhận được sự đồng thuận góp vốn hoàn toàn từ các tập đoàn Việt Nam..

“Ban đầu, chúng tôi cũng tiếp cận các nguồn vốn nước ngoài. Tuy nhiên để có thể thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài xuống tiền vào một quỹ ở xa chỉ thông qua thương thảo trực tuyến là điều rất khó khăn, nhất là khi họ còn chưa có hiểu biết về thị trường startup Việt”, anh Đô tiết lộ.

Bối cảnh này buộc ThinkZone thực hiện những bước chuyển, đặc biệt là kết nối với các tập đoàn trong nước đã là đối tác lâu năm của công ty.

Theo nhà sáng lập ThinkZone, nhà đầu tư dù ở trong hay ngoài nước đều có tiền và đều kỳ vọng lợi nhuận cao khi đầu tư. Nhưng các startup Việt đang giải quyết các bài toán của người Việt, do đó, nguồn lực từ các tập đoàn nội địa sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn hơn cho họ.

Điều gì khiến các tập đoàn lớn góp vốn vào ThinkZone Fund II
Anh Bùi Thành Đô, nhà sáng lập ThinkZone Ventures

Chẳng hạn, Công ty CP Tập đoàn Phú Thái, một trong những thành viên góp vốn vào Fund II của ThinkZone, mang đến một hệ sinh thái gồm hơn 30 công ty hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực từ phân phối, bán lẻ, đầu tư đến giáo dục. Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch tập đoàn Phú Thái cũng đồng thời là chủ tịch của một quỹ nội thành lập năm 2020 là BK Fund. BK Fund liên kết chặt chẽ với trường đại học Bách Khoa và là đối tác của ThinkZone ngay từ ngày đầu thành lập.

Không những vậy, các startup nhận vốn từ ThinkZone còn được hỗ trợ bởi các thành viên góp vốn khác với hệ sinh thái từ F&B, y tế, tài chính, xuất nhập khẩu, tạo tiền đề để kiểm chứng mô hình mới cũng như mở rộng kinh doanh nhanh chóng trên toàn quốc.

Đáng chú ý, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư IPA, một trong ba thành viên góp vốn được công khai của ThinkZone, là đối tác có kinh nghiệm sâu rộng trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi là cổ đông lớn nhất của Công ty CP chứng khoán VNDIRECT, hứa hẹn sẽ mang đến những tư vấn thích hợp cho các cơ hội thoái vốn thông qua mua bán sáp nhập hoặc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

“Điều mà tôi luôn luôn trăn trở là làm thế nào để tạo ra được sức bật của tổ chức. Trong đó, tôi rất hứng thú với việc đi theo và học hỏi các bạn trẻ khởi nghiệp trong điều kiện đất nước đang phát triển nhanh và có rất nhiều cơ hội”, bà Phạm Minh Hương, Giám đốc Điều hành IPA Investments chia sẻ.

Trong quỹ trị giá 60 triệu USD lần này, ThinkZone còn thành công gây quỹ từ một số tập đoàn trong các ngành nghề truyền thống như Stavian, đơn vị sở hữu Công ty CP Stavian Hóa chất là một trong những nhà phân phối hóa chất lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Đầu tư vào các startup là cánh tay nối dài của các tập đoàn truyền thống khi chúng mang đến cho họ những cơ hội hợp tác hoặc mua bán sáp nhập các sáng kiến đổi mới mà không cần phải có một bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) quy mô”, anh Đô nói.

Bên cạnh đó, khi bỏ vốn vào một quỹ nội đáng tin cậy, họ cũng có thể tối ưu hóa chi phí và hiệu quả quản lý quỹ, đồng thời mang đến những hỗ trợ đa dạng hơn cho startup đến từ nguồn lực cộng hưởng của các thành viên góp vốn khác.

ThinkZone Ventures là quỹ đầu tư mạo hiểm do Công ty CP ThinkZone quản lý. Đây cũng là đơn vị cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh cho các startup Việt tạo được nhiều dấu ấn trong năm qua. Theo TechinAsia, ThinkZone Ventures được đánh giá là một trong những quỹ năng động nhất cả nước khi đầu tư vào 13 startup riêng trong năm 2021.

Anh Đô cũng cho rằng, điều này mang lại lợi thế chiến lược lớn cho ThinkZone khi tham gia cùng đầu tư vào các thương vụ có sự hợp tác với các quỹ nước ngoài. Bên cạnh đó, việc sử dụng đồng tiền Việt Nam (VND) khi đầu tư có ý nghĩa rất lớn vì thời điểm xuống tiền nhanh hơn cũng như cấu trúc đầu tư linh hoạt hơn.

“Việc thành lập ThinkZone Fund II mang đến những kinh nghiệm quan trọng cho các quỹ nội sẽ thành lập tại Việt Nam trong tương lai. Tôi đánh giá cao sự tập trung và sức bền của ThinkZone trong suốt một năm gọi vốn ngay giữa đại dịch”, ông Trần Trí Dũng, Quản lý Chương trình khởi nghiệp Thụy Sĩ (Swiss EP), đánh giá.

Từ tổ chức thúc đẩy kinh doanh tiến đến quỹ đầu tư hàng đầu

Ra mắt từ tháng 2/2019, bên cạnh nghiên cứu đổi mới sáng tạo, ThinkZone phát triển từ một tổ chức thúc đẩy kinh doanh đến một quỹ đầu tư với danh mục nổi bật như nền tảng ứng lương linh hoạt GIMO, ứng dụng cung cấp thực phẩm sạch tại nhà FoodHub, nền tảng điều vận xe trực tuyến EMDDI, doanh nghiệp công nghệ giáo dục Educa, hay nền tảng thương mại điện tử xã hội OnGroup.

Điều gì khiến các tập đoàn lớn góp vốn vào ThinkZone Fund II 1
ThinkZone Ventures ra mắt tháng 2/2019

Để có thể hoàn thành nhiều thương vụ đầu tư nhất tại Việt Nam trong năm qua, ThinkZone cho thấy chiến lược khác biệt của mình khi không chỉ đầu tư mà còn góp phần xây dựng thế hệ doanh nhân Việt chất lượng cao thông qua chương trình tăng tốc theo chuẩn quốc tế.

Trong nhiều năm qua, ThinkZone làm việc với các đối tác quốc tế như AWS, Hubspot, Deloitte và đặc biệt là Swiss EP. Cụ thể, Swiss EP đã kết nối ThinkZone đến các nhà quản lý chương trình tăng tốc, luật sư và cố vấn startup kinh nghiệm trên thế giới nhằm nâng cao năng lực hỗ trợ startup.

“Điều này tạo ra những kết nối quan trọng với hệ sinh thái trong nước và liên khu vực, đặc biệt là góp phần tạo đà cho những chương trình thử nghiệm kết hợp giữa chính phủ và tư nhân để hỗ trợ các công nghệ mới, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo”, anh Đô cho biết.

Năm nay, ngoài việc có thể tham gia vào các vòng gọi vốn lớn hơn của startup, ThinkZone Fund II sẵn sàng đầu tư lên đến 200 nghìn USD vào các startup ngay từ giai đoạn ý tưởng. Đồng thời, công ty còn hỗ trợ các dự án này mở rộng mạng lưới, phát triển tư duy thiết kế sản phẩm và kinh doanh cũng như nâng cao năng lực quản trị tài chính. Anh Đô cho biết quỹ mới vẫn sẽ phân bổ 20-30% tổng số vốn vào các hoạt động thúc đẩy kinh doanh này cho startup.

Chẳng hạn, startup ứng lương linh hoạt GIMO đã tham gia ThinkZone Accelerator Batch 3/2020 và hình thành được nhóm nhà sáng lập, sau đó gọi vốn thành công 1,9 triệu USD vòng hạt giống năm 2021 và đặc biệt là được tiếp cận nguồn vốn cho vay với chi phí vốn thấp.

“GIMO đặt mục tiêu hỗ trợ tiếp cận tài chính số cho người lao động ở Việt Nam thông qua hình thức ứng lương, đó là lý do chúng tôi cần nguồn vốn bền vững và có chi phí thấp để nâng cao hiệu quả mô hình. ThinkZone đã giúp đỡ chúng tôi thực hiện việc này thông qua mạng lưới nhà đầu tư và đối tác của quỹ”, nhà đồng sáng lập GIMO Nguyễn Anh Quân cho biết.

Cho đến nay, GIMO đã cung cấp lương ứng trước theo yêu cầu cho gần 100 nghìn người lao động chủ yếu trong ngành sản xuất và bán lẻ cùng số lượng người hưởng lợi tăng trung bình khoảng 130% hàng tháng. Đây cũng là startup được nhận vào khóa mùa đông năm 2022 (Winter 2022 Batch) của tổ chức thúc đẩy kinh doanh Y Combinator có trụ sở tại Thung lũng Silicon.

Đưa quy định của Nhà nước vào thực tiễn

Từ năm 2019, ThinkZone đã chủ động tham gia vào các diễn đàn chính thức và phi chính thức để hỗ trợ cải thiện hành lang pháp lý về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho Việt Nam, trong đó có những góp ý sửa đổi Nghị định 38, nền tảng pháp lý đằng sau việc thành lập quỹ đầu tư như ThinkZone Fund II và BK Fund.

Điều gì khiến các tập đoàn lớn góp vốn vào ThinkZone Fund II 2
Ông Trần Trí Dũng, Quản lý Chương trình khởi nghiệp Thụy Sĩ (Swiss EP). Ảnh: Fiis

Ông Dũng cho biết, tháng 2/2022, ThinkZone và Swiss EP đã cùng tham gia thảo luận với Cục Phát triển doanh nghiệp và Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư để cùng nhận diện 15 điểm cần điều chỉnh trong Nghị định 38”, ông Dũng cho biết. 

“Chúng ta cần thêm nỗ lực và thời gian, nhưng chắc chắn là những thay đổi này sẽ mang lại kết quả tốt hơn cho hệ sinh thái”, ông Dũng nói.

Mặc dù gặp phải một số vướng mắc về thủ tục do là lần đầu thực hiện, ThinkZone vẫn hoàn thành việc thành lập Fund II đồng bộ với quy định của Nhà nước Việt Nam cũng như tiêu chuẩn của thế giới. 

Anh Đô cho biết, ThinkZone đã cấu trúc quỹ một cách chuyên nghiệp thông qua một hợp đồng thỏa thuận Limited Partnership Agreement (LPA), một văn bản thường thấy trong cộng đồng đầu tư mạo hiểm thế giới dù không được quy định trong Nghị định 38. Trong thỏa thuận này sẽ bao gồm những điều khoản liên quan đến phí quản lý, biên lợi nhuận, hiệu quả đầu tư hay quy trình ra quyết định theo quy mô đầu tư.

Tuy nhiên, anh Đô vẫn băn khoăn về lợi thế cạnh tranh thực sự của việc thành lập quỹ theo nghị định này.

“Còn nhiều vấn đề mà chúng tôi cho rằng phải đưa quỹ vào triển khai thực tiễn trong những năm tới mới có thể biết chính xác được. Đến nay tôi nhận thấy hình thức thành lập này vẫn chưa có những lợi ích rõ rệt so với việc thành lập quỹ theo mô hình công ty đầu tư mà ThinkZone đã làm với Fund I của mình”, nhà quản lý Quỹ cho biết. 

Thực tế đa số quỹ mới thành lập của Việt Nam lựa chọn con đường dễ dàng hơn là thành lập pháp nhân tại nước ngoài, chẳng hạn như tại Singapore, để có thể nhận được những ưu đãi thuế hay tránh các rào cản pháp lý. Việc này kéo theo các startup Việt cũng phải thành lập ở nước ngoài để tiếp nhận vốn đầu tư.

“Có nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm trong hệ sinh thái nhưng lại ngại trao đổi với Nhà nước để cải thiện môi trường đầu tư hiện tại. Tôi cho rằng trách nhiệm này không chỉ nằm ở Chính phủ mà còn cần sự tham gia của khối tư nhân trong việc bỏ tiền đầu tư, hiểu và áp dụng quy định, phản hồi, cũng như đóng góp cho sự phát triển lâu dài của xã hội”, anh Đô nhận định.