Điều kiện tiên quyết để xây dựng Trung tâm Tài chính TP.HCM

Hường Hoàng - 11:09, 25/02/2022

TheLEADERĐể xây dựng thành công Trung tâm Tài chính TP Hồ Chí Minh, chúng ta cần tập trung vào việc tăng cường tự do tài chính, tăng khả năng đồng thuận chính trị và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Được nhiều thế hệ lãnh đạo của thành phố ấp ủ và nỗ lực kiến nghị, Đề án Trung tâm Tài chính TP.HCM đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và trở thành đề án cấp quốc gia. Nếu thành công, đề án sẽ tạo ra những bứt phá ngoạn mục cho nền kinh tế của thành phố và sự phát triển chung của cả nước.

Trong buổi tọa đàm Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP.HCM của báo Người Lao động diễn ra vào 17/2/2022, các chuyên gia đã đưa ra một số điều kiện tiên quyết để giải bài toán xây dựng đề án này sao cho hiệu quả và khả thi.

Điều kiện tiên quyết để xây dựng đề án Trung tâm Tài chính TP Hồ Chí Minh
Đề án Trung tâm tài chính TP.HCM dự sẽ được hoàn chỉnh và trình các cơ quan trung ương vào tháng 4/2022

Theo ý kiến của PGS RS Cấn Văn Lực, một trong những yếu tố luôn được giới tài chính trong nước và quốc tế quan tâm đó là mức độ tự do của dòng tiền. Dòng tiền càng tự do thì trung tâm tài chính càng có tiềm năng phát triển mạnh. Liệu ở trung tâm tài chính TP.HCM, dòng tiền vào ra có được luân chuyển tự do, đơn giản và nhanh gọn như Thái Lan trước năm 1997 hay Dubai ở thời điểm hiện tại hay không? 

Đây là một câu hỏi khó, không phải chỉ cần đưa ra một nghị quyết chính trị là có thể giải quyết xong. Bởi việc tự do hóa dòng tiền liên quan đến vấn đề thể chế chính trị, đồng thời ảnh hưởng đến tính độc lập của nhiều cơ quan quản lý tiền tệ của nhà nước như: ngân hàng trong nước, các cơ quan của Bộ tài chính như Ủy ban chứng khoán nhà nước và các cơ quan khác. Chúng ta cũng cần phải tăng cường khả năng chuyển đổi tiền tệ. Một trung tâm tài chính không thể thành công nếu khả năng chuyển đổi đồng tiền của chúng ta vẫn còn tiếp tục trì trệ như hiện tại.

Lại nói về khả năng chuyển đổi và tự do trong giao dịch, việc chúng ta quản lý giao dịch số và dữ liệu số xuyên biên giới như thế nào để tạo hiệu quả tốt nhất, đồng thời vẫn phù hợp với tình hình thể chế trong nước cũng vô cùng quan trọng. Điều này đòi hỏi sự đồng thuận về chính trị rất cao ở Việt Nam, nhất là sau khi Luật An ninh mạng ra đời.

Để giải quyết được vấn đề đồng thuận chính trị, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo một cách rất rõ nét rằng khi xây dựng đề án, chính quyền thành phố và các tổ chức liên quan nên tổ chức tham vấn, thảo luận rộng rãi và công khai hơn nữa, vì đây là một chương trình quốc gia chứ không phải chỉ là một đề án của riêng TP. HCM. Những băn khoăn, thắc mắc và những lợi thế của trung tâm tài chính quốc tế cần được giải thích một cách thỏa đáng để có thể nhận được sự đồng thuận cao trong cách xây dựng và triển khai đề án.

Ngoài ra, đề án cần được triển khai gắn với quy hoạch của thành phố. Mặc dù đặt mục tiêu xây dựng TP.HCM thành một trung tâm tài chính mang tầm vóc khu vực và quốc tế, đề án không thể nào phá vỡ quy hoạch của thành phố, ngược lại phải gắn với quy hoạch và kế hoạch phát triển của thành phố.

Việt Nam cũng cần tập trung vào việc nâng hạng thị trường chứng khoán. Hiện tại, chính phủ đang có mục tiêu là hoàn thành thị trường chứng khoán vào năm 2024. Để nâng hạng được thị trường chứng khoán, chúng ta cần phải thực hiện được khoảng 6 điều kiện. Vậy chúng ta cần gói gọn những điều kiện này lại và xem xét xem có thể cải thiện được những điều kiện gì để hoàn thành mục tiêu này?

Tiếp theo, chúng ta cần phải chú ý về việc nâng cấp hạ tầng thành phố và cơ sở hạ tầng tài chính. Về hạ tầng tài chính, chúng ta cần phải chú ý về hệ thống thanh toán quốc gia, hạ tầng liên quan đến việc thực hiện các báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán xem hiện tại những báo cáo này đã được thực hiện theo chuẩn mực quốc tế chưa và ở mức độ như thế nào. Cùng với đó, việc phát triển và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin cũng vô cùng cấp thiết trong quá trình này.

Cuối cùng, theo ông Lực, nguồn nhân lực là một trong những yếu tố huyết mạch cho sự phát triển của một trung tâm tài chính quốc tế. Để thu hút được đối tượng này về với TP.HCM, phải chăng thành phố chỉ cần phải tạo điều kiện hơn nữa cho người lao động trên phương diện thu nhập, nhà ở, đất đai... hay phải chính là thành phố đi tiên phong trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đổi mới và sáng tạo?

Về vấn đề làm sao để Trung tâm tài chính TP.HCM có thể sánh vai được với các trung tâm tài chính quốc tế, PGS. TS. Trần Hoàng Ngân chia sẻ: "Chúng ta cần phải nỗ lực xây dựng cho được Trung tâm tài chính Thủ Thiêm. Nếu có được trung tâm tài chính này thì thành phố sẽ có được kiềng ba chân trên các lĩnh vực tài chính, thương mại và dịch vụ, do đó thành phố sẽ phát triển bền vững. Khu đô thị Thủ Thiêm này không chỉ phát triển về tài chính mà còn thu hút nhà đầu tư nước ngoài về những lĩnh vực này. Làm được điều đó, cùng với việc kết hợp khu đô thị Thủ Thiêm với trung tâm tài chính hiện hữu ở Quận 1, TP.HCM thì sẽ hết sức tuyệt vời."

Còn theo PGS TS. Trần Đình Thiên, đề án Trung tâm tài chính TP.HCM chỉ tốt thôi chưa đủ mà phải thực sự khả thi, tránh trường hợp đề án tốt lại bị "bỏ xó" trong tiếc nuối. Cụ thể, ông Trần Đình Thiên chia sẻ: "Vấn đề là làm sao để đề án được thông qua. Dĩ nhiên là khó thông qua rồi. Khi mà (đề án) đã đột phá rồi thì chắc chắn nó là khác biệt, là vượt trội, là cải cách. Bao nhiêu năm chúng ta mới được thông qua một lần cải cách. Ba bốn chục năm nay chúng ta có bất cứ lần cải cách nào được mạnh mẽ như vậy nữa đâu. Chính vì thế, thành phố Hồ Chí Minh phải làm, phải đề xuất trên tinh thần một đề án quốc gia để thuyết phục được những người có trọng trách đồng thuận rằng phải làm, không làm là không được. Câu chuyện thuyết phục này phải rất là chi li, tỉ mỉ, thậm chí là phải có một chút mưu mẹo nữa để làm sao mà một đề án tốt như vậy được thông qua."