Định vị thương hiệu ngành gỗ Việt

Quỳnh Chi - 08:07, 09/03/2021

TheLEADERĐi cùng khát vọng hướng đến một Việt Nam thinh vượng, trở thành quốc gia có thu nhập cao năm 2045, ngành gỗ và chế biến gỗ cũng cần đặt tầm nhìn xây dựng Việt Nam trở thành “trung tâm đồ gỗ của thế giới”.

Định vị thương hiệu ngành gỗ Việt
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA

Nhớ lại một hội nghị năm 2018 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Công ty CP xây dựng kiến trúc AA, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, lúc đó, Thủ tướng đã đặt mục tiêu cho ngành gỗ Việt Nam trong 5 năm tới đứng vị trí thứ hai thế giới.

“Hôm nay, sau ba năm, tôi xin vui mừng báo với Thủ tướng, chúng ta đã đứng thứ nhì thế giới”, ông Khanh nói tại cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nhân, trí thức với chủ đề “Đối thoại 2045”.

Đối mặt với cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra trong năm 2020, ngành gỗ Việt Nam tuy bị ảnh hưởng không nhỏ về mặt thương mại nhưng hầu như không bị gián đoạn về sản xuất, không có nhà máy nào bị phong tỏa hay ngừng hoạt động. Vì thế, ngành gỗ Việt Nam không những vẫn duy trì được năng lực xuất khẩu mà còn có thể lấp được vào chỗ trống mà một số quốc gia để lại.

Điều này có thể thấy qua việc một số khách hàng đã dịch chuyển đơn hàng từ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19 sang Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ những căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung khiến các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ gặp khó khăn, trong đó có các sản phẩm đồ gỗ.

Điều này ít nhiều cũng giúp cho ngành gỗ Việt Nam tạo được lợi thế khi xuất khẩu vào Mỹ, và rất đáng mừng là năm vừa qua ngành gỗ Việt Nam lần đầu tiên vượt mặt Trung Quốc, trở thành nhà xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hàng đầu vào thị trường Mỹ.

Một lợi thế khác giúp Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nhập khẩu EU chính là việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã đi vào thực thi từ ngày 1/8/2020. Từ đó, giúp các sản phẩm gỗ Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh về giá cả tại thị trường EU.

Ông Khanh cho biết, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 13,17 tỷ USD, tăng 16,4% so cùng kỳ năm 2019 và vượt 5,4% kế hoạch năm 2020. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,8 tỷ USD. Xuất siêu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,5 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ sáu trong mười nhóm ngành xuất siêu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp chế biến lâm sản vẫn đảm bảo việc làm và thu nhập cơ bản ổn định. Rừng trồng trong nước cung cấp 30 triệu m3 gỗ (đạt 105% kế hoạch năm 2020, đáp ứng 80% nguyên liệu cho chế biến). Trong đó bao gồm khai thác rừng tập trung 20,5 triệu m3 và khai thác gỗ cây vườn nhà, cây phân tán, gỗ cao su 9,5 triệu m3.

Đến năm 2045, ngành gỗ ở vị trí nào?

Ông Khanh bày tỏ, ngành gỗ thường được nhắc tới là ngành ít đổi mới sáng tạo, sử dụng nhiều lao động nhưng thực sự rất quan trọng đối với Việt Nam. Đây là ngành duy nhất của Việt Nam trong suốt 18 năm qua tăng trưởng hai con số. Hai tháng đầu năm 2021, ngành gỗ xuất khẩu 2,4 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ.

Đây là những con số ấn tượng. Ông Khanh khẳng định, ngành gỗ hoàn toàn có thể duy trì tăng trưởng, sẽ tiếp tục giữ vị trí thứ hai.

Để có được điều này, ngành gỗ sẽ tiếp tục chứng tỏ là ngành tham gia bảo vệ môi trường. Gỗ là sản phẩm có khả năng tái tạo rất lớn. Nếu xây 1m2 nhà bằng gỗ thì tiết kiệm năng lượng hơn 10 lần. Nguyên liệu nào thì cũng sẽ hết trừ gỗ.

Thị trường đồ nội thất của thế giới rất lớn, với giá trị thương mại khoảng 450 tỷ USD/năm, trong đó nội thất bằng gỗ khoảng 150 tỷ USD/năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu, nên dư địa phát triển của ngành đến năm 2045 còn rất lớn. Một số thị trường tiềm năng có cơ hội mở rộng phát triển mới như Canada, Nga, Ấn Độ, UAE…

Theo ông Khanh, Việt Nam có nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh và nhóm đồ nội thất có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu gỗ. Bên cạnh đó, có thể khai thác được các sản phẩm ngách như tủ bếp hay sofa ở thị trường chủ lực Mỹ. 

Theo IBISWorld.com, người tiêu dùng ở thị trường Mỹ tăng mua các sản phẩm nhập khẩu do giá thấp hơn, phù hợp với thu nhập bình quân đầu người giảm bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2021 do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, vì vậy đây cơ hội lớn cho các thị trường cung cấp đồ nội thất văn phòng cho Hoa Kỳ.

Ngành gỗ quyết tâm thực hiện mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 14 tỷ USD trong năm 2021, duy trì chuỗi thành tích tăng trưởng hai con số nhiều năm qua.

“Để làm được việc đó, rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, hiệp hội, bên cạnh nỗ lực tự thân của doanh nghiệp tìm tòi mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, kiện toàn sản xuất”, Chủ tịch Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM nói.

Một trong những thách thức mà các doanh nghiệp ngành gỗ đang đối mặt kể từ năm 2020 là việc lo ngại về tình trạng liên tục bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu.

Tính đến nay, Bộ Công thương đã tiếp nhận và xử lý nhiều vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, riêng mặt hàng gỗ bị điều tra 7 vụ, chiếm tỷ lệ 4%. Đáng chú ý, mức độ điều tra các sản phẩm gỗ đang có xu hướng tăng.

Vì vậy, ông Khanh cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam cần duy trì chính sách nhập khẩu thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu cũng như có chính sách đảm bảo nguồn nguyên liệu. Đồng thời, cần sớm có quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu ổn định cho chế biến gỗ, tăng cường trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đang tăng trưởng cao.

Về phía bản thân các doanh nghiệp, lãnh đạo HAWA cho biết vẫn còn rất nhiều việc phải làm khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam phần lớn chưa thực sự mạnh và thiếu bền vững với các vấn đề cụ thể như: đầu tư dàn trải, quy mô nhỏ, sử dụng nguồn vốn vay, ít có khả năng đầu tư công nghệ và quy trình quản lý chuỗi tiên tiến, chủ yếu là gia công…

Ông Khanh xác định, để cải thiện các yếu điểm trên, một trong những yếu tố then chốt là đầu tư vào con người, bảo toàn và nâng cao năng lực của đội ngũ sản xuất.

Định vị thương hiệu ngành gỗ 1
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA cho biết ngành gỗ đã về đích sớm 2 năm so với yêu cầu của Thủ tướng

Định vị thương hiệu ngành gỗ

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn tiến phức tạp, ông Khanh cho rằng, năng lực cạnh tranh về kinh tế của thời đại này sẽ tùy thuộc phần lớn vào chiến lược vaccine Covid-19 của từng quốc gia.

Chủ tịch HAWA đề xuất, về ngắn hạn, Chính phủ có cơ chế, theo các quy định của ngành y tế cho các đơn vị kinh tế được tham gia vào quá trình phân phối vắc-xin dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước, cụ thể là đóng góp về nguồn cung ứng vắc-xin và tài chính để toàn bộ cán bộ công nhân viên trực tiếp tham gia sản xuất và người thân của họ được nằm trong đối tượng ưu tiên tiêm phòng vắc-xin.

Ông Khanh cho rằng, nếu việc này được thực hiện, không chỉ ngành gỗ và các ngành sản xuất kinh doanh khác sẽ đảm bảo được năng lực cạnh tranh, sản xuất được liên tục, đạt thành tích đóng góp vào tăng trưởng GDP cả nước, giải bài toán phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời kì “bình thường mới”.

Bên cạnh đó, cần giải quyết các vướng mắc trong việc xem xét tăng khả năng tăng thuế đối với ngành chế biến gỗ của Việt Nam vào các thị trường tiềm năng, đặc biệt là thị trường Mỹ.

Về dài hạn, ông Khanh đề xuất, đi cùng khát vọng hướng đến một Việt Nam thinh vượng, trở thành quốc gia có thu nhập cao năm 2045, cần đặt tầm nhìn xây dựng Việt Nam trở thành “trung tâm đồ gỗ của thế giới”.

Điều này sẽ trở thành hiện thực với những chính sách đột phá của Nhà nước, luôn đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành. Từ đó sẽ định vị được thương hiệu của ngành gỗ và chế biến gỗ ở tầm cỡ quốc gia và quốc tế.