Doanh nhân phải luôn sẵn sàng, chủ động đối diện thử thách

Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC - 10:06, 14/10/2021

TheLEADERĐã là doanh nhân, luôn phải trong tâm thế sẵn sàng, chủ động đối diện thử thách. Trong lúc khó khăn mới xuất hiện những doanh nhân vượt trội, biết thích nghi với tình hình mới.

Gần hai năm qua, trước đại dịch, đất nước nói chung và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng phải đối diện với thách thức, khó khăn chưa từng có.

Phải nhìn nhận trở lại những khó khăn thách thức này ba đợt bùng phát dịch trước đó đã ảnh hưởng và có tác động nhất định đến các kế hoạch, chỉ tiêu, kết quả kinh doanh từ những tháng đầu cả nước bị bùng phát dịch Covid-19.

Chủ tịch TTC Group: Doanh nhân phải luôn trong tâm thế sẵn sàng, chủ động đối diện thử thách
Chủ tịch TTC Group Đặng Văn Thành

Từ đó, để thấy rằng sự chịu đựng, sự năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nhân và sự ủng hộ chí tình, động viên kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước thì dù khó khăn nào chúng ta vẫn vực dậy được. Điều đó chứng minh tinh thần doanh nhân rất đáng trân trọng.

Đồng thời, gần đây với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng các cấp lãnh đạo, đến các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân. Đó là niềm an ủi, động viên đối với doanh nhân chúng tôi.

Trước khi xảy ra đợt dịch lần thứ 4, bản thân tôi được mời đi tham dự những kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025 của các doanh nghiệp trực thuộc Câu lạc bộ Thương hiệu Việt (VBC). Thực sự, trong bối cảnh như vậy, chỉ có tinh thần doanh nhân mới có thể đương đầu, uyển chuyển, khẳng định để vượt qua khó khăn. Do đó, tôi muốn khẳng định lại “tâm thế của doanh nhân trên đường đua mới”.

Nhìn lại 2 năm nay, năm 2018, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc được khơi mào, tạo nên sự dịch chuyển lợi thế thương mại trong nhiều ngành nghề từ các cường quốc vốn đang có thế mạnh đến các quốc gia đang phát triển khác, đưa nền kinh tế thế giới bước vào chu kỳ tái cấu trúc quy mô lớn.

Có sự chuyển dịch từ nhà cung cấp đến nhà tiêu thụ. Dường như đã có sự “sắp lại quy luật của bàn cờ thế giới”. Thậm chí có nhiều quốc gia cũng có những chính sách để hỗ trợ, chuyển doanh nghiệp của họ sang những quốc gia có chính sách tốt hơn, thuận lợi hơn, những quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Trong quá trình dịch chuyển đó thì đại dịch Covid-19 diễn ra. Cộng với xu thế kỷ nguyên số, thời đại 4.0. Đây là sự cảnh tỉnh, nhận thức cho các doanh nhân Việt Nam nói chung và doanh nhân TP.HCM nói riêng.

Trong bối cảnh đó, đối với doanh nhân phải đối diện. Đã là doanh nhân, luôn phải trong tâm thế sẵn sàng, chủ động đối diện thử thách. Trong lúc khó khăn mới xuất hiện những doanh nhân vượt trội, biết thích nghi với tình hình mới.

"Chuyển đổi số" là xu thế tất yếu

Chính vì vậy, quá trình "chuyển đổi số" được xem là xu thế tất yếu cho rất nhiều các lĩnh vực của nền kinh tế: Quản trị số - Kiểm Soát số - Điều hành số.

Do đó, tôi cũng đề xuất Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) có thể sau đại dịch, tổ chức 1 buổi hội thảo để tôi có thể chia sẻ về sự chuyển đổi số. Kỷ nguyên số này đã nói lên tất cả tâm thế của doanh nhân là phải ý thức 4.0 bản thân mình. Mỗi doanh nhân phải chuyển đổi số từ chính bản thân mình. Tuy nhiên, đã là doanh nhân, luôn phải trong tâm thế sẵn sàng, chủ động đối diện thử thách.

Có những doanh nghiệp đã rất thành công trong việc chuyển đổi số, hiện đại hóa hoạt động và gặt hái năng lực, lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, không cần phải phức tạp hóa những kiến thức về chuyển đổi số, thực ra nó rất đơn giản. Tất cả những tinh túy nhất sẽ được mã hóa, lập trình và vận hành bằng công nghệ.

Tôi cũng muốn chia sẻ thêm về khái niệm về “tầm nhìn” của doanh nhân trong thời đại “hoàng hôn” của Covid, bởi sóng Covid-19 cũng sẽ được chặn đứng khi những phát minh y học, các loại thuốc đặc trị và độ phủ của vaccine.

Do đó, đội ngũ doanh nhân phải có tầm nhìn để cùng với thành phố vượt qua. Tầm nhìn ở đây là chính là khả năng nhìn thấy những điều mà người khác chưa nhìn thấy được. Mình nhìn thấy những gì ở năm 2022, ở năm 2025 và đó chính là tầm nhìn chiến lược.

Cần một “quy trình ngược” để thúc đẩy phát triển sau đại dịch

Ngoài ra doanh nghiệp cũng nên có chính sách để thu hút công nhân quay trở lại làm việc. Để làm được thì trước mắt, doanh nghiệp và nhà nước nên làm việc với các chủ nhà trọ để hỗ trợ miễn chi phí thuê trọ, khuyến khích người lao động quay lại làm việc.

Bởi vì hiện nay không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều thiếu hụt lực lượng lao động. Chúng ta nên tạo niềm tin về chỗ ở trong lúc bản thân họ hoang mang như thế này.

Đồng thời, có nên chăng, chúng ta nên đặt một “quy trình ngược” để thúc đẩy sau đại dịch bởi ngân sách của nhà nước cũng rất khiêm tốn. Việt Nam vẫn đang ở mức 2,2%/GDP, khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực. Tương tự như đợt Covid - 19 vừa qua, có rất nhiều đoàn thiện nguyện đi từ thiện và cũng có nhiều hộ gia đình họ từ chối tiếp nhận quà tặng để chia sẻ cho những hoàn cảnh khó khăn hơn.

Do đó, doanh nghiệp cũng vậy. Việc giãn thuế, giảm thuế, miễn thuế - chúng ta có nên chăng kêu gọi những doanh nghiệp, doanh nhân nào nếu như không cần giãn, giảm, miễn này thì họ sẽ được ghi nhận, được biểu dương.

Ví như họ không nhận được vật chất thì họ sẽ được xã hội công nhận, khích lệ về mặt tinh thần, để được xã hội công nhận ý chí, sự gánh vác của doanh nghiệp với xã hội. Đối với các doanh nghiệp lớn, vững mạnh, “quy trình ngược” này sẽ rất được hưởng ứng. Ngân sách khiêm tốn thì nên tập trung chứ không nên áp dụng đại trà.

Tôi rất muốn chia sẻ “Doanh nhân phải có trách nhiệm tồn tại”. Nếu muốn như vậy, chúng ta phải nhanh chóng hành động, công tác chuẩn bị ngay từ bây giờ là phương án tốt nhất và duy nhất mà chúng ta có thể làm để chuẩn bị cho quý IV/2021 và đây sẽ là tiền đề cho năm 2022.

Không nên lấy “cục bộ” áp dụng cho “toàn cục”

Bên cạnh đó, tôi cũng xin kiến nghị với TP.HCM nên có ý kiến với Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải về vấn đề liên quan các chỉ thị 15, 16, 16+…

Cả nước 63 tỉnh thành nhưng chỉ có hơn 40 tỉnh thành có dịch bệnh Covid - 19. Do đó, các chỉ thị 16, chỉ thị 15… được ban hành rất có ý nghĩa trong vấn đề phòng chống dịch tuy nhiên nó chỉ mang tính chất “cục bộ”.

Ở đây tôi xin mượn tạm khái niệm “cục bộ”, “toàn cục”. Cụ thể như quốc lộ là “toàn cục”, còn các chỉ thị được áp dụng thì chỉ mang tính chất “cục bộ” của địa phương.

Chúng ta không nên áp dụng cái “cục bộ” đó mà đưa vào “toàn cục”. Có nhiều chuyên gia, có nhiều nhân sự, có nhiều việc cấp thiết phải đi tới điểm B nhưng tới điểm A thì bị “đuổi về” vấn đề đó là toàn cục. Địa phận từng tỉnh thì có thể áp dụng “cục bộ”. Điều này cũng là 1 khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian vừa qua.

Riêng với TTC Group thời gian qua ngoài việc đồng hành cùng cộng đồng doanh nhân thực hiện các hoạt động thiện nguyện, thì ngoài đóng góp của Hội Doanh nhân trẻ, bản thân tôi và TTC cũng đang tính toán phương án để hỗ trợ 500 suất học bổng cho các trẻ em mồ côi cha mẹ vì Covid - 19 đến năm 18 tuổi. Vấn đề phân bổ này sẽ được chúng tôi tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng vì đây là chương trình dài hơi.