Doanh thu nửa tỷ USD của FPT Retail trong 9 tháng đầu năm

Việt Hưng - 14:15, 25/10/2018

TheLEADERDù bán lẻ công nghệ - mảng kinh doanh cốt lõi của FPT Retail đang bước vào giai đoạn bão hòa nhưng công ty vẫn mở mới 51 cửa hàng trong 9 tháng đầu năm 2018.

Công ty Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) ghi nhận doanh thu lũy kế 9 tháng năm 2018 là 11.033 tỷ đồng, tăng trưởng 20% và lợi nhuận sau thuế đạt 227,4 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ các giải pháp quản lý chi phí hiệu quả hơn, tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu là 10,7%; thấp hơn mức 12,2% trong 9 tháng đầu năm 2017.

Dù bán lẻ công nghệ - mảng kinh doanh cốt lõi của FPT Retail đang bước vào giai đoạn bão hòa, nhưng công ty vẫn mở mới 51 cửa hàng trong 9 tháng đầu năm 2018, nâng tổng số shop hiện có của FPT Retail lên 524 shop.

Theo kế hoạch, FPT Retail sẽ mở thêm 100 cửa hàng FPT Shop trong năm nay, nâng tổng số shop lên khoảng 580 cửa hàng.

Báo cáo của công ty cho thấy, doanh thu từ cửa hàng đóng góp 74,6% tổng doanh thu, đạt 8.231 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng doanh thu bình quân mỗi cửa hàng và công ty mở thêm cửa hàng.

Công ty cũng sẽ mở thêm 20 cửa hàng F-Studio chuyên bán các sản phẩm của Apple, theo lộ trình sẽ có 100 cửa hàng vào năm 2020. Đến nay, số cửa hàng F-Studio là 15 cửa hàng. Doanh số của chuỗi cửa hàng này đóng góp 301 tỷ đồng vào tổng doanh số FRT, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2017.

Mỗi cửa hàng mang về cho FPT Retail 2,34 tỷ đồng/tháng
Bên trong một cửa hàng của FPT Retail

Từ năm ngoái, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng, FRT thực hiện 2 chương trình bán hàng trả góp F-Friends và trợ giá bán hàng Subsidy.

Trong 9 tháng đầu năm, F-Friend đóng góp khoảng 563 tỷ đồng vào doanh thu của FRT. Đây là chương trình bán hàng nhóm gồm 3 bên: FRT, các doanh nghiệp ký thỏa thuận F-Friend và nhân viên của mình.

Trong khi đó, chương trình trợ giá bán hàng Subsidy đóng góp khoảng 496 tỷ đồng. Bắt đầu từ cuối năm 2017, chương trình trợ giá nhà mạng có 4 bên: FRT, một nhà mạng (Vietnamobile và Mobifone), Samsung và các khách hàng của FRT.

Doanh số đem lại từ 2 chương trình này tính lũy kế 9 tháng năm 2019 lần lượt chiếm 5,1% và 4,5% tổng doanh thu.

Các công ty phân tích cho rằng, với những thay đổi phù hợp với viễn cảnh của thị trường di động, FPT Retail vẫn sẽ duy trì tỷ suất lợi nhuận ở mức tốt trong vòng 2 - 3 năm tới mà chưa cần tới mảng kinh doanh mới.

Tất nhiên, trong giai đoàn này FRT cũng phải hy sinh tỷ suất lợi nhuận gộp để tăng tỷ trọng của các chương trình bán hàng mới trong tổng doanh thu.

Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận gộp đạt 1.481 tỷ đồng (tăng 9,8% so với cùng kỳ). Tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 13,4%;thấp hơn mức 14,6% trong 9 tháng đầu năm 2017. Công ty đã hy sinh một phần biên lợi nhuận để đẩy mạnh doanh thu qua chương trình F-Friend và chương trình trợ giá nhà mạng.

Cũng trong quý 3 năm nay, FRT công bố thành lập công ty con - Công ty cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu với tổng số vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, trong đó FRT đóng góp 75% vào tổng vốn điều lệ.

Chuỗi nhà thuốc Long Châu sẽ được hợp nhất vào kết quả kinh doanh của FRT vào cuối năm 2018. Đến năm 2019, FRT dự kiến sẽ có khoảng 80 nhà thuốc và đến năm 2020 công ty kỳ vọng bán lẻ thuốc sẽ đóng góp khoảng 30% doanh thu.