Đổi mới cơ chế - Chìa khóa 'cởi trói' các trung tâm KH&CN công lập

Hường Hoàng - 11:51, 14/12/2022

TheLEADERNhững trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ thuộc Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp. Tuy vậy, vẫn còn đó những rào cản khiến cho các trung tâm này chưa thể tự chủ trong hoạt động.

Đổi mới cơ chế - Chìa khóa 'cởi trói' các trung tâm KH&CN công lập
Các trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ công lập vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới sáng tạo của Việt Nam hiện nay (Ảnh: TTXVN)

Nhiều thành tựu nổi bật

Theo ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ công lập đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Cụ thể, trong giai đoạn 2018 – 2022, những trung tâm này đã làm chủ hơn 400 công nghệ; triển khai hơn 14.000 hợp đồng dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ; thực hiện hơn 1.000 nhiệm vụ KH&CN để ứng dụng vào thực tiễn…

Chỉ riêng trong giai đoạn 2021 - 2022, các Trung tâm đã và đang thực hiện 206 nhiệm vụ KH&CN trong các lĩnh vực chủ yếu như: Nông nghiệp, an toàn bức xạ, năng lượng, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, xử lý môi trường, vật liệu xây dựng, sở hữu trí tuệ, điều khiển tự động, y dược...

Trong đó, 45% là nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở, 37% là nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, thành phố và 18% là nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ, cấp Quốc gia.

Đổi mới cơ chế - Chìa khóa “cởi trói” các trung tâm KH&CN công lập
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị về hoạt động ứng dụng chuyển giao công nghệ địa phương năm 2022 ngày 8/12/2022 (Ảnh: sohuutritue.net)

Theo Thứ trưởng, thời gian qua, các trung tâm là cầu nối quan trọng, tạo sự liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp để chuyển giao các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh ở địa phương.

Tuy vậy, với rất nhiều những khó khăn trong nội bộ và trong cơ chế, các trung tâm công lập của Việt Nam vẫn còn đi chậm một bước trong việc đáp ứng những nhu cầu của xã hội và của quốc gia.

Nhân sự kiêm nhiệm nhiều chức năng

Báo cáo tình hình hoạt động của các trung tâm đến tháng 11/2022, ông Phạm Thế Dũng, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN, cho biết, Việt Nam hiện nay có tất cả 26 Trung tâm khoa học và công nghệ công lập, với 1.178 viên chức và 478 nhân viên hợp đồng.

Trong đó, lực lượng nhân sự có người có trình độ 11 tiến sĩ, 351 thạc sĩ, 1.003 đại học và 291 có trình độ khác. Số nhân lực làm công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ là 693 người.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi, những con số trên không thể đáp ứng được hoạt động khoa học công nghệ của cả nước.

Ông Thành cho biết, với 4 chức năng: thông tin, khoa học công nghệ; nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ; dịch vụ kỹ thuật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng; đầu mối trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Ngãi đang gặp nhiều khó khăn về nhân sự.

Cụ thể, ông Thành cho rằng việc một trung tâm phải thực hiện đồng thời 4 chức năng là rất lớn, trong khi cơ chế còn "lúng túng" và chỉ có 25 biên chế. Trong khi đó, những viên chức có kinh nghiệm đang làm việc tại trung tâm không còn nhiều mặn mà và muốn làm cho các tổ chức, doanh nghiệp có thu nhập cao hơn.

Cuối cùng, ông Thành cũng đặt ra vấn đề các tỉnh, thành có nên thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo riêng hay không, thay vì gộp chung nhiệm vụ này vào trung tâm khoa học và công nghệ như hiện nay? Bởi lẽ, chỉ riêng với 3 chức năng còn lại, số lượng đầu việc và nhiệm vụ đã là quá sức so với lượng nhân sự hiện tại của các trung tâm.

Vướng mắc về hành lang pháp lý và tự chủ tài chính

Ngoài nhân sự, hoàn thiện hàng lang pháp lý và cơ chế tự chủ cũng là vấn đề được các trung tâm khoa học và công nghệ công lập quan tâm.

Bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ, cho biết, các Trung tâm đang gặp khó khăn trong việc thực hiện cơ chế tự chủ do thông tư hướng dẫn ban hành chậm.

Bên cạnh đó, các Trung tâm còn lúng túng trong việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, lập dự toán triển khai nhiệm vụ, tuyển dụng, bố trí nhân sự hợp lý do chưa có quy định đầy đủ về định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ KH&CN; cũng như chưa có văn bản hướng dẫn xây dựng đề án vị trí việc làm.

Đồng ý với bà Tố Uyên, ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Vĩnh Long, nhận định: Xuyên suốt nhiều năm qua, vướng mắc cơ bản nhất của việc quản lý là hành lang pháp lý. Các trung tâm luôn trong thế vừa phục vụ quản lý Nhà nước, vừa phải đi theo lộ trình tự chủ nhưng không vững do hành lang pháp lý thiếu và không đồng bộ. "Một nghị định ra đời thì rất lâu mới có thông tư hướng dẫn, không đồng bộ và thiếu chặt chẽ", ông Tùng dẫn chứng.

Ông Trần Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN, cũng nhận định rằngđể đổi mới cơ chế quản lý của tổ chức KH&CN thì cơ chế tự chủ là một phần quan trọng, đặc biệt là về kinh phí.

"Qua thực tế triển khai cơ chế tự chủ trong ngành KH&CN cho thấy phương án thuận lợi nhất để cấp kinh phí hỗ trợ chi thường xuyên của Nhà nước là khoán chi theo số lượng người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước được giao. Đồng thời kinh phí này phải trừ đi nguồn thu của đơn vị sự nghiệp thông qua kinh phí Nhà nước chi cho thực hiện các nhiệm vụ", ông Nghĩa nhận định.

Thay mặt Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết Bộ nhận định: Điều mà các trung tâm khoa học và công nghệ công lập cần nhất giờ đây là cơ chế tự chủ, từ tự chủ xây dựng kế hoạch, tài chính, biên chế cho đến hợp tác quốc tế…

Bộ cũng đang phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng nghị định về tự chủ, các cơ chế, hành lang pháp lý cho hoạt động của các trung tâm.