Dự báo tăng trưởng tín dụng vượt 'room' 14% do nhu cầu vốn tăng

Phương Anh - 07:03, 30/08/2022

TheLEADERNhiều ý kiến cho rằng, NHNN nên nới room tín dụng 1 - 2% để hỗ trợ cho nhu cầu phục hồi thực của nền kinh tế và doanh nghiệp.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6/2022 đạt 9,4% so với đầu năm, cao hơn mức tăng 6,4% của cùng kỳ năm trước. Diễn biến theo tháng cho thấy tín dụng tăng tốc khá mạnh cho đến cuối tháng 6, nhưng sau đó đã chững lại đáng kể do NHNN chưa cấp room tín dụng.

Tính đến 15/08/2022, tín dụng tăng 9,6%, trong gần 1 tháng rưỡi, tức là chỉ tăng thêm 0,3 điểm phần trăm – là mức khá thấp so với mức tăng bình quân 1,6%/tháng trong nửa đầu năm.

Vào cuối tháng 7/2022, NHNN cho biết vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, trong khi mức tăng so với cùng kỳ tính đến cuối tháng 6 đã là 17%.

Trên cơ sở định hướng của NHNN, dư địa tín dụng từ nay đến cuối năm chỉ còn chưa đầy 460.000 tỷ đồng, tức là chưa đến một nửa nhu cầu tín dụng tính đến 15/8, theo tính toán từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây.

Lịch sử cho thấy từ năm 2013 đến nay, tăng trưởng tín dụng thường tăng cao hơn trong nửa cuối năm so với nửa đầu năm, chỉ trừ năm 2019. Điều này phù hợp với quy luật nhu cầu vốn mạnh hơn trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, năm 2022 có một đặc thù là năm phục hồi sau đại dịch, do đó, nhu cầu vốn đã tăng tốc mạnh trong giai đoạn đầu năm.

Trong 7 tháng đầu 2022, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng lần lượt gần 18% và 50% so với cùng kỳ, hàm ý rằng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và đầu tư mới vẫn còn khá lớn.

Dự báo tăng trưởng tín dụng vượt 'room' 14% do nhu cầu vốn tăng
Tăng trưởng tín dụng theo lĩnh vực.

Xét theo lĩnh vực cho vay, diễn biến cho thấy nhu cầu vay mua bất động sản đang dẫn dắt dòng chảy tín dụng, trong khi đó, cho vay đến các nhà phát triển bất động sản bị hạn chế bởi chính sách. Nhu cầu vốn cho hoạt động thương mại trở lại mạnh mẽ, các lĩnh vực còn lại có ghi nhận sự phục hồi về nhu cầu tín dụng nhưng chậm hơn.

Dựa vào bức tranh tín dụng chung và triển vọng phục hồi của nền kinh tế, VDSC đánh giá nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế vẫn sẽ ở mức cao. Việc siết room tín dụng trong phần lớn thời gian của quý III sẽ phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và mở rộng của các doanh nghiệp trong thời gian còn lại của năm.

Điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế khi sau ba tháng thực hiện, số tiền lãi đã hỗ trợ chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng.

“Sắp tới, chúng tôi kỳ vọng NHNN có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho phù hợp hơn với nhu cầu thực tế. Tăng trưởng tín dụng cả năm ước có thể đạt 16%”, VDSC nhận định.

Tại diễn đàn “Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới” gần đây, TS. Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng, NHNN cần linh hoạt về hạn mức tăng trưởng tín dụng, không nên chờ đến quý IV mới nới room, bởi như vậy là quá trễ so với nhu cầu phục hồi của nền kinh tế và của doanh nghiệp.

Theo ông Lực, NHNN không nên quá lo ngại về lạm phát mà bóp nghẹt thị trường, trong khi có thể tận dụng được cơ hội phục hồi. “Khi cả thế giới đang đối mặt với lạm phát thì chúng ta đã kiểm soát được, đó là một cơ hội rất tốt”.

Nhu cầu vốn tín dụng trong năm nay được nhận định sẽ tăng trưởng cao gắn với nhu cầu thực hơn so với trước rất nhiều do nền kinh tế phục hồi, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, doanh nghiệp có nhu cầu vốn để hoạt động.

Hơn nữa, thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện nay hoàn toàn trong khả năng kiểm soát, trong khi dòng vốn trung và dài hạn chảy vào hệ thống các ngân hàng đang mạnh hơn.

Vị chuyên gia nhấn mạnh đây là các yếu tố khiến NHNN có thể yên tâm hơn khi xem xét nới room tín dụng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết, vốn tín dụng ngân hàng là cực kỳ quan trọng để doanh nghiệp bất động sản có đủ nguồn vốn hoạt động. Nếu vốn tín dụng ngân hàng tắc sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản lại rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng.

Liên quan đến vấn đề room tín dụng, ông Châu cho rằng cần xem xét nâng thêm 1 – 2% từ mức room 14% của năm nay. Nguyên nhân là bởi phần lớn các NHTM hiện đã gần cạn room.

Do đó, ông khuyến nghị NHNN đánh giá và cho phép 4 ngân hàng lớn nới room, và xem xét nới room cho các ngân hàng đạt chuẩn BASE II nhưng vẫn phải đảm bảo ổn định nền kinh tế và kiểm soát lạm phát.

Trước đó, tại tọa đàm Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững, TS. Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đồng quan điểm cho rằng, Việt Nam không nên quá lạm dụng chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.

Trong 3 – 4 năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng của Mỹ trung bình 14%/năm, thì con số của Việt Nam ở mức 15-16%/năm là chấp nhận được. Do vậy, nếu Chính phủ thận trọng kiểm soát được lạm phát thì NHNN hoàn toàn có thể nới rộng room tín dụng khoảng 15% hoặc 16%.