Đừng đánh mất uy tín tôm Việt

Phạm Sơn - 13:49, 24/07/2023

TheLEADERBên cạnh việc khẳng định chất lượng, ngành tôm cũng cần phải bền vững hóa chuỗi cung ứng từ nuôi trồng, đánh bắt đến chế biến để tiếp tục giữ vững thương hiệu, nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

“Doanh nghiệp Nhật Bản rất ngại nhập khẩu tôm Việt Nam” là một trong những nguyên nhân được “vua tôm” Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú, chỉ ra cho mức sụt giảm mạnh đến 21% của xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm 2023.

Cụ thể, theo ông Quang, tôm Việt khi xuất sang Nhật bị kiểm tra 100% chỉ số kháng sinh, trong khi tôm từ các nước như Thái Lan, Ấn Độ chỉ bị kiểm tra từ 20 - 30%. Do đó, các lô hàng tôm xuất Nhật phải đưa vào kho, lấy mẫu kiểm tra, mất rất nhiều thời gian.

Lắng nghe phản hồi về các thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thường xuyên nhận được thư phản ánh của cơ quan chức năng các nước gửi về, nhất là từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nhìn chung, số lượng lô hàng của doanh nghiệp xuất khẩu tôm vi phạm tiêu chuẩn chất lượng dẫn đến bị trả hàng về chỉ chiểm tỷ lệ rất nhỏ.

Thứ trưởng cho biết, tôm không đảm bảo chất lượng xuất ra thế giới chỉ chiếm số lượng rất ít. Thực tế, công nghệ nuôi tôm của Việt Nam đang không hề thua kém các đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp cũng chú trọng đảm bảo các quy trình nuôi tôm để đảm bảo chất lượng.

Thứ trưởng lo ngại, có thể những lỗi nhỏ của con tôm Việt đang bị “thổi phồng”, ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành tôm, do đó đề nghị các thương vụ Việt Nam ở các nước cần tích cực trao đổi thông tin với cán bộ nước sở tại, tích cực bảo vệ hình ảnh thương hiệu tôm Việt Nam.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng nuôi để đảm bảo yêu cầu về chất lượng cũng như tính minh bạch khi xuất khẩu tôm. Do đó, Thứ trưởng cũng kỳ vọng, những lỗi về tiêu chuẩn chất lượng như dư lượng kháng sinh, dư lượng kim loại nặng sẽ sớm được chấm dứt hoàn toàn.

Tuy nhiên, trong xu thế tiêu dùng mới, chỉ đảm bảo chất lượng là chưa đủ để tôm Việt vững chân trên thị trường thế giới. Bà Hoàng Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, cho biết, EU nói chung và các nước Bắc Âu nói riêng đang rất quan tâm đến tiêu dùng bền vững. Do đó, muốn bán được tôm ở Bắc Âu, con tôm cần phải đảm bảo được nuôi trồng, đánh bắt theo hướng thân thiện với môi trường và đạt được các chứng nhận bền vững.

Thế nhưng yếu tố bền vững lại đang là điểm yếu của ngành tôm. Ông Đặng Văn Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã 30 tháng 4, cho biết, phong trào nuôi tôm siêu thâm canh tạo ra rất nhiều chất thải, gây áp lực nặng nề lên môi trường.

“Trước kia chỉ cho tôm ăn khoảng 100kg thì nay cho ăn đến tận 1 tấn nhưng 60% số đó dư thừa, bị thải ra môi trường”, ông Ngọc nêu thực trạng với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh, Phó viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, cũng chỉ ra thực trạng hệ thống kênh rạch thiếu đồng bộ, manh mún và lộn xộn. Hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi tôm còn thiếu, phải dùng chung với các ngành nông nghiệp khác, vừa ảnh hưởng chất lượng tôm, vừa có nguy cơ gây hại đến môi trường.

Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều thẳng thắn cảnh báo: “Nếu tiếp tục chạy theo lợi ích kinh tế mà không xử lý tốt vấn đề môi trường thì ngành tôm sẽ tạo ra nhiều thách thức lớn trong tương lai”.

Giải bài toán môi trường đối với ngành tôm, ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đề nghị, bà con nông dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp cần tìm hiểu và áp dụng các phương thức canh tác hạn chế tiêu tốn nước, tiêu tốn nguyên liệu.

Để nuôi tôm bền vững, giải pháp tốt nhất là tận dụng những điều kiện tự nhiên để hạn chế sự can thiệp “quá tay” từ phía con người. Do đó, ông Việt Anh cũng khuyến nghị đa dạng hóa phương thức nuôi trồng thủy sản theo điều kiện riêng của từng vùng. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển các mô hình tôm sinh thái như nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn, mô hình “con tôm ôm cây lúa", là những mô hình vừa cho chất lượng tốt, vừa thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.