Đừng để sức hấp dẫn của doanh nghiệp nhà nước chỉ nằm ở quỹ đất vàng

An Chi - 06:49, 24/09/2018

TheLEADERNhiều doanh nghiệp nhà nước hiện đang dựa quá nhiều vào ưu đãi từ đất đai để hấp dẫn các nhà đầu tư khi cổ phần hóa chứ không phải từ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Đừng để sức hấp dẫn của doanh nghiệp nhà nước chỉ nằm ở quỹ đất vàng
Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam đã bị dư luận phản đối khá quyết liệt

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2018, mới chỉ có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 8 doanh nghiệp nhà nước và 1 đơn vị sự nghiệp. Tổng giá trị doanh nghiệp là 29.408 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.181 tỷ đồng.

Về tình hình thoái vốn, trong 7 tháng, các doanh nghiệp đã thoái vốn được 3.567 tỷ đồng, thu về 8.600 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo kế hoạch cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn 2017 - 2020, cả nước phải cổ phần hóa được 127 doanh nghiệp,  năm 2018 mục tiêu cổ phần hoá là 64 doanh nghiệp, năm 2019 là 18 doanh nghiệp và năm 2020 là 1 doanh nghiệp.

Rõ ràng, việc triển khai cổ phần hóa cũng như thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước còn chậm, nhiều khả năng không thể hoàn thành kế hoạch đã đặt ra. Những doanh nghiệp được cổ phần hóa đến thời điểm này đều là những công ty quy mô nhỏ, ít tên tuổi, không mấy thu hút sự chú ý của công chúng đầu tư. 

Lý giải thực trạng này, ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến những chậm trễ trong việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước là do sự thiếu sự quyết tâm cao của các cơ quan nhà nước, lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp, cơ quan bộ ngành. 

"Các cơ quan này chưa sẵn sàng từ bỏ quyền hạn của mình đối với vai trò là cơ quan chủ quản của doanh nghiệp, trong tâm còn luyến tiếc", ông Hùng nhìn nhận.

Mặt khác, dù Chính phủ, Nhà nước quyết liệt chỉ đạo cổ phần hoá, thoái vốn, song chưa có những quy định chặt chẽ đủ sức răn đe về việc phê bình, khiển trách những đơn vị không hoàn thành mục tiêu khiến hiệu quả của quá trình này chưa đạt như mong đợi.

Bên cạnh đó, việc cổ phần hoá các doanh nghiệp lớn đang tồn tại rất nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến pháp lý, đất đai, nợ, quyết toán ngân sách khiến việc cổ phần hoá bị chậm so với kế hoạch, ông Hùng cho hay. 

Một nguyên nhân khác khiến cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước chậm triển khai theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nhìn nhận là do các doanh nghiệp nhà nước có sức hấp dẫn lớn như Vinamilk, Sabeco hiện không còn nhiều. Các doanh nghiệp nhà nước hiện nay hầu hết đều có hiệu quả kinh doanh thấp, không thu hút các nhà đầu tư.

Đồng quan điểm, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, trong những năm qua, doanh nghiệp nhà nước đang dựa quá nhiều vào ưu đãi từ nguồn lực đất đai, không quan tâm đầu tư nhiều cho sản xuất, điều này đã dẫn tới khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế rất hạn chế.

Trong thời gian tới, doanh nghiệp nhà nước cần dựa vào chính mình, không dựa vào ưu đãi để cạnh tranh nâng cao hiệu quả hoạt động, có như vậy mới thu hút được các doanh nghiệp, nhà đầu tư mua lại cổ phần.

Cũng chính vì nguyên nhân này, một vấn đề đáng chú ý đang tồn tại trong cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước hiện nay là nhiều nhà đầu tư tham gia vào quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp chỉ "nhăm nhăm" lấy đất để phát triển dự án bất động sản, nhằm nhanh chóng thu lợi. Ví dụ điển hình như tại Hãng phim truyện Việt Nam đã khiến người dân và dư luận rất bức xúc.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa cần cổ đông chiến lược để phát triển ngành nghề, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng, tránh các nhà đầu tư cơ hội.

Ông Tiến cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước làm ngành gì nên tập trung phát triển ngành đấy, cần sử dụng nguồn lực nhà nước như đất đai một cách hiệu quả, phần đất không sử dụng đến nên trả lại cho nhà nước, sau đó mới tiến hành cổ phần hoá; tránh việc các doanh nghiệp sản xuất lại lấy đất đai để tạo giá trị hấp dẫn các nhà đầu tư khi cổ phần, lợi nhuận chủ yếu đến từ cho thuê đất chứ không phải từ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Cổ phần hoá không chỉ là việc nhà nước thu lại vốn từ doanh nghiệp mà phải tìm được cổ đông chiến lược đi cùng doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn, giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển. Còn nếu cổ đông đó lại chông đợi vào tài nguyên đất đai để làm bất động sản thì rất không nên, vị lãnh đạo này cho hay.

Chủ trương của Nhà nước trong thời gian tới cần phải rà soát, xắp xếp đất đai của doanh nghiệp trong cổ phần hoá, làm rõ khu đất đó sẽ được sử dụng như thế nào sau cổ phần hoá, đề cao công khai minh bạch. Qua đó, giúp doanh nghiệp phát triển đúng giá trị thực, tăng sức cạnh tranh trong nền kinh tế.

Làm được điều này, chắc chắn doanh nghiệp sẽ thu hút được các nhà đầu tư chiến lược chất lượng tham gia vào việc mua lại cổ phần, chứ không chỉ là các nhà dầu tư cơ hội, ông Tiến nhận định.