Chỉ sau 3 năm từ khi thành lập, Công ty cổ phần EUBIZ đã xuất khẩu thành công nhiều loại nông sản chất lượng cao của Việt Nam sang thị trường châu Mỹ và nhiều nước châu Âu. Và hành trình đó được lèo lái bởi một người phụ nữ dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân với mong muốn ghi danh thương hiệu nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Bỏ lại vị trí quản lý cấp cao tại những tập đoàn, công ty lớn, năm 2019, chị Nguyễn Thị Thanh Hoa trở về tiếp quản công ty chuyên chế biến và kinh doanh hạt điều của gia đình tại Bình Phước. Từ đó, chị thành lập công ty cổ phần EUBIZ, mở rộng sang chế biến và xuất khẩu các loại nông sản khác nhau như điều, quế, xoài...
Công ty của gia đình chị đã tồn tại từ lâu nhưng chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô. Từ ngày về tiếp quản, chị Thanh Hoa đã đổi mới hướng đi, chuyển đổi từ cung cấp các sản phẩm thô thành chế biến hàng hóa chuyên sâu, đặt mục tiêu chinh phục những thị trường khó tính là Bắc Mỹ và châu Âu, nhằm nâng cao giá trị hàng hóa và nâng giá trị đời sống cho bà con nông dân.
Để làm được điều đó, EUBIZ đã đi sâu vào hoạt động chuyển đổi số, thúc đẩy bán hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn. Cùng với đó, EUBIZ cũng không ngừng tham gia trực tiếp xúc tiến thương mại ở các nước sở tại với tinh thần cầu tiến, không ngại khó trước những điều mới.
Hành trình mày mò học hỏi, làm việc đầy đam mê đó được chị Thanh Hoa chia sẻ cùng TheLEADER qua cuộc trò chuyện dưới đây.
Ước vọng đem thương hiệu vươn xa
Đã từng làm vị trí quản lý chính sách ở Mobifone, Sao Việt Nam với nhiều ưu đãi tốt, tại sao chị lại quyết định theo đuổi con đường nông sản?
Trước đây, tôi làm Mobifone 6 năm, phụ trách 6 chi nhánh là Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP. HCM và Đồng Nai, chịu trách nhiệm quản lý hơn 1000 nhân sự. Cùng lúc đó, tôi cũng làn song song mảng quản trị nhân sự ở công ty sơn Sao Việt Nam, chịu trách nhiệm quản lý 500 lao động. Tôi cũng từng làm tại trường doanh nhân PTI, lúc đó là trường top ở Hà Nội về doanh nhân, về quản trị và CEO. Kinh nghiệm từ các doanh nghiệp này đã giúp tôi rất nhiều điều, về quản trị và về công nghệ.
Khi bắt tay vào xây dựng EUBIZ, mục tiêu của tôi bao gồm 2 yếu tố. Yếu tố thứ nhất là tôi nghĩ rằng khi tích lũy được tương đối kinh nghiệm thì nên phát triển một thương hiệu của Việt Nam và đưa nó ra ngoài thế giới. Tôi luôn đau đáu rằng tại sao Việt Nam mình mới chỉ làm gia công, làm những cái nho nhỏ và rất phụ thuộc vào nước ngoài.
Thứ hai, gia đình tôi có nền tảng về nông nghiệp. Trông mọi người vất vả, bị phụ thuộc đầu ra bởi những thị trường gần Việt Nam và đôi khi bị ép giá quá đà khiến tôi mong muốn làm một điều gì đó.
Quản trị số trong nông nghiệp – Bước chuẩn bị đầu tiên
EUBIZ bắt đầu thành lập từ năm 2019, nhưng đã mở rộng rất nhanh sang các thị trường lớn. Chuyển đổi số là một trong những yếu tố chính góp phần vào kết quả đó, vậy đâu là lí do khiến chị tập trung vào hoạt động này?
EUBIZ phát triển từ một doanh nghiệp gia đình lên. Từ năm 2014-2018, công ty chỉ làm chế biến thô, tức là cứ chẻ hạt điều ra rồi bán thôi. Khi đó, các bên đến nhập buôn và xuất khẩu là chủ yếu chứ chúng tôi không xuất trực tiếp. Cho đến năm 2019, khi tôi bắt đầu tiếp quản công ty thì mới bắt đầu đẩy mạnh chế biến sâu và mở rộng xuất khẩu. Và cũng vì định hướng như vậy, tôi đã thành lập mới công ty, lấy tên là EUBIZ (viết tắt của từ Europe Business) để hướng đến thị trường quốc tế.
Khi tiếp quản và bắt đầu triển khai hoạt động kinh doanh, tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất mà chúng tôi cần làm là phải đưa cái mới vào hoạt động và nâng cao năng suất của công ty lên. Trước đây, với quy mô gia đình, sản lượng chúng tôi làm ra không lớn, phụ thuộc vào những người đến mua trực tiếp và thường xuyên bị đàm phán rất gắt, khiến biên lợi nhuận giảm xuống.
Vì thế, EUBIZ đã tiến hành chế biến sâu sản phẩm. Ví dụ như với hạt điều, chúng tôi làm healthy snack (đồ ăn vặt tốt cho sức khỏe) để đưa vào thị trường Mỹ, thị trường châu Âu. Về phía Bắc Mỹ, chúng tôi làm việc với phía Canada, Mexico, Chile, rồi Mỹ. Riêng Mỹ, chúng tôi đã xuất sang bên đó nhiều lô hàng lớn. Hai năm gần đây, chúng tôi tiến hành xuất khẩu thêm ở thị trường châu Âu.
Điểm yếu lớn nhất của ngành nông nghiệp hiện tại là ở khâu quản trị và công nghệ. Vậy thì, về khâu quản trị, không gì tốt hơn việc đưa công nghệ số vào. Đặc biệt, EUBIZ lại muốn mở rộng các nhà cung ứng, khu tiêu thụ, nhà máy; sau đó là mở rộng thị trường. Nếu EUBIZ chỉ đi theo hướng thủ công, truyền thống thì sẽ đi chậm do phải mất nhiều thời gian vào các bước. Nhưng với chuyển đổi số, chúng tôi có thể tạo độ phủ thông tin lên đến với 100 người, 1 triệu người bán, đối tác và khách hàng chỉ trong vài tháng thôi.
Nhưng trên thực tế, tôi nghĩ việc nhiều người cho rằng có thể bỏ hoàn toàn cách làm truyền thống để dùng chuyển đổi số là chưa phù hợp. Chúng ta cần phải thực hiện các hoạt động truyền thống và chuyển đổi số song song với nhau. Hai cái này sẽ đi song hành và tương hỗ lẫn nhau.
Ví dụ, khi kinh doanh ở một số nước, ngoài việc quảng cáo trên các trang mạng xã hội, những chiến dịch trên các trang thương mại điện tử, chúng ta cần phải có những điểm phân phối trực tiếp với nhân viên sale tận nơi, điều đó sẽ tạo điểm nhấn mang tính kết nối cho thương hiệu của mình. Đó là lí do tại sao tôi nghĩ rằng hai kênh kinh doanh này là song hành.
Thứ hai, còn một vấn đề nữa đó là công nghệ. Trong ngành nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp đang còn quản lý theo kiểu sổ sách, mà sổ sách thì có thể thất lạc, gây tình trạng không thông suốt.
Vì vậy, trong khâu quản trị, tôi đã đưa chuyển đổi số vào để các bộ phận phòng ban liên kết với nhau, tránh trường hợp mọi người nhớ nhớ quên quên, không rõ ràng, rất mất thời gian. Có số liệu chính xác rõ ràng thì mới đưa ra được quyết định chính xác nhất.
Trong những công ty xuất khẩu, việc kiểm soát số liệu và tiêu chuẩn lại càng quan trọng. Chúng tôi sẽ phải kiểm soát hàng hóa theo từng mẻ hàng, từng loại hàng theo từng phút, từng giờ, từng ngày để đảm bảo được chất lượng và sản lượng cho xuất khẩu. Do đó, chúng ta không thể dùng thủ công, vì thủ công là con người, mà con người trải qua sai sót là chuyện đương nhiên. Vì vậy, đưa chuyển đổi số vào sẽ giúp chúng ta giảm thiểu công sức và ra quyết định nhanh hơn.
Ví dụ, nếu rủi ro lô hàng của chúng tôi không đủ số lượng, việc có số liệu một cách chính xác nhất sẽ giúp chúng tôi có phương hướng giải quyết nhanh chóng nhất để xử lý thật nhanh, nhằm đảm bảo về số lượng và chất lượng cho khách hàng. Điều đó sẽ đáp ứng được hai yếu tố, một là quản trị, hai là công nghệ trong sản xuất và chế biến ngành nông nghiệp.
“Lên sàn” thương mại điện tử một cách có chiến lược
Trong thời gian 2 năm COVID và cả đến sau này, EUBIZ đã tận dụng được lợi thế lớn của các nền tảng thương mại điện tử. Vậy cụ thể, EUBIZ đã làm những gì trong thời gian này?
Về vấn đề thương mại điện tử thì đó cũng là một thế mạnh của chúng tôi, khi triển khai cả B2B và B2C qua hai nền tảng Alibaba và Amazon. Đây là cách làm rất phù hợp với thời kỳ COVID vì khi đó khách hàng họ ở nhà họ mua sắm và có nhu cầu với hàng thực phẩm là rất nhiều.
Thời điểm đó là thời điểm khó khăn nhưng cũng là bước đà cho nhiều doanh nghiệp tiến hành thực hiện thương mại điện tử và phát triển sau này. Nhưng việc tiến hành thì khá là dài, cần chuẩn bị sẵn cả đội ngũ, nguồn lực, tài chính và cả định hướng nữa.
Nhiều người lên Amazon nhưng lại không có định hướng rõ ràng. Hoặc là nguồn lực tài chính, tầm nhìn của doanh nghiệp họ chưa đủ, chưa xa thì sẽ rất dễ bỏ cuộc chỉ trong vòng vài ba tháng thôi. Bởi, chúng ta cần phải biết rằng để chạy quảng cáo trên những trang như thế cần nguồn tài chính rất lớn. Có những từ khóa, chúng tôi đã phải bỏ rất nhiều tiền để chạy quảng cáo và tiếp cận người mua.
Đó là một sân chơi rất cạnh tranh. Ở Việt Nam, chúng ta đã cạnh tranh rất khốc liệt rồi. Ở một thị trường rộng lớn và hấp dẫn như ở Mỹ, sự cạnh tranh đó lại càng khủng khiếp hơn.
Vì vậy, tôi nhấn mạnh rằng, một khi muốn tham gia vào thị trường thương mại điện tử, các doanh nghiệp cần phải cực kỳ quan tâm đến vấn đề chuẩn bị nguồn lực, đội ngũ nhân sự và định hướng phát triển kinh doanh. Đó chỉ là 3 yếu tố chính thôi, còn cụ thể và chỉ tiết thì sẽ có rất nhiều yếu tố khác nữa, đến nỗi nói trong nhiều ngày cũng không thể hết được.
Vậy thì chị đã chuẩn bị như thế nào trước khi làm thương mại điện tử để bắt đầu thực hiện mà không lạc lối?
Vào thời điểm năm 2019, khi chúng tôi bắt đầu làm Amazon thì chưa ai làm. Khi đó Amazon mới vào Việt Nam nên thậm chí nhiều người còn chưa biết Amazon là gì.
Vì vậy, chúng tôi phải mày mò, tự làm tất cả mọi thứ. Việc đưa được sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và phân phối thành công những sản phẩm của mình đến các quốc gia khác với quy mô lớn đòi hỏi sự định hướng và khả năng quản trị của người điều hành, sự quyết tâm của đội ngũ thực hiện.
Khi đó, tất cả chúng tôi đã rất quyết tâm, chịu khó đọc vì toàn bộ tài liệu lúc đó 100% bằng tiếng Anh. Bây giờ, các doanh nghiệp muốn làm đều sẽ có tài liệu bằng tiếng Việt và được trainning, cũng như có nhiều đàn anh đi trước để học hỏi. Nhưng ở thời điểm đó, chúng tôi không có người đi trước nên chỉ có thể cố gắng mày mò thôi (Cười).
Chúng tôi đọc tiếng Anh và thực hiện các chiến dịch trên đó, cứ thấy vấn đề thì sẽ chỉnh sửa, chứ lúc đấy chúng tôi có rất ít thông tin để mà tiếp cận. Và thực sự là chúng tôi đã điều chỉnh trên thực tế và đọc theo đúng quy định của Amazon luôn. Chính sách của Amazon họ cũng có những quy định rõ cho chúng ta đâu là những vấn đề vi phạm, đâu là những phần tối ưu và đâu là những tips để mình đi lên và phát triển.
Thời gian lúc đó chúng tôi triển khai không phải là ngày làm 8 tiếng, mà còn hơn nữa. Vì bên Việt Nam trái múi giờ với bên Mỹ, nghĩa là buổi sáng ở bên Mỹ là buổi đêm ở bên mình, nên có những thời điểm tôi phải chia ca ra để các bạn nhân viên trực đêm. Khi mà chạy quảng cáo mà không có người trông thì sẽ không xử lý được kịp thời.
Cũng may là bên Amazon cũng hướng dẫn, nhưng có những cái trường hợp thực tế thì chúng tôi vẫn phải là người đi sâu đi sát. Tất nhiên là tư vấn thì chỉ là cái khung thôi, còn bên mình vẫn là người chủ động và thứ hai nữa đó là khoản đầu tư của mình thì mình phải sâu sát với nó.
Qua gần 3 năm xây dựng và phát triển, EUBIZ đã khẳng định được thương hiệu của mình, đăng ký nhãn hiệu thành công tại USPTO, đạt Top 1 Best Seller trên sàn thương mại điện tử Alibaba năm 2021 và thuộc Top 100 hãng hạt điều bán chạy nhất tại Mỹ. Không chỉ vậy, EUBIZ đã có văn phòng đại diện và xuất khẩu tại một số nước châu Âu.
Để xuất khẩu nông nghiệp ra nước ngoài, nhất là những thị trường khắt khe như châu Mỹ, châu Âu thì có nhiều điều đáng quan tâm. Nhưng quan trọng là khi bắt đầu làm, chủ doanh nghiệp và doanh nghiệp phải xác định được rõ mục tiêu, xem mình sẽ đi đâu, thị trường đó yêu cầu những gì và chuẩn bị thật tốt cho nó, từ tài chính đến đội ngũ, tập trung quản trị để không bị dừng lại giữa đường và tiến lên mạnh mẽ.
Rất nhiều doanh nghiệp thường có tư duy rằng chỉ khi có đủ nguồn tiền, đủ lớn mạnh hay đã phát triển lâu dài trên thị trường thì mới cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Nhưng trước đó, nếu doanh nghiệp đó bị một tổ chức, cá nhân khác đăng ký mất nhãn hiệu, họ sẽ phải gánh chịu những thiệt hại khó lường.
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.