EVNFinance xây dựng hệ sinh thái tài chính tiêu dùng

Việt Hưng - 14:59, 27/06/2023

TheLEADERSau khi tiến sang lĩnh vực tài chính tiêu dùng, EVNFinance đã ra mắt thương hiệu FastMoney.

Được thành lập vào tháng 9/2008, Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance) ra đời với mục tiêu thu xếp vốn và quản lý nguồn vốn chuyên nghiệp cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cùng các đơn vị thành viên.

EVNFinance ưu tiên giải ngân cho vay trung, dài hạn đối với các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động trong ngành điện và đối tác ngành điện để triển khai các dự án điện trọng điểm, xây dựng nhà máy điện, nâng cấp mạng lưới truyền tải điện.

Ba cổ đông sáng lập là Tập đoàn Điện lực Việt Nam góp 40% vốn điều lệ, Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank), Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE).

Từng có thời điểm, EVNFinance được giao kiểm soát chi, quản lý uỷ thác cho vay các dự án của Bộ Tài chính và EVN với tổng giá trị hơn 5 tỷ USD, cũng như tư vấn phát hành trái phiếu với tổng giá trị 9.000 tỷ đồng cho EVN để đáp ứng nhu cầu vốn.

EVNFinance niêm yết cổ phiếu trên UPCom từ năm 2018 với mã cổ phiếu EVF. Đầu năm 2022, cổ phiếu EVF chuyển niêm yết sang sàn HOSE, với mong muốn mở rộng cơ hội kinh doanh với các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trước đó vào tháng 10/2020, EVN đã thoái hết vốn khỏi EVNFinance theo Ðề án tổng thể tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017 - 2020 do Thủ tướng phê duyệt.

Để thoát khỏi cái bóng của tập đoàn mẹ trước đây, EVNFinance đã sớm tiến sang lĩnh vực tài chính phục vụ mục đích tiêu dùng, với việc ra mắt thương hiệu cho vay tiền mặt và trả góp là Easy Credit vào tháng 10/2018.

Đối tượng khách hàng mà Easy Credit nhắm đến là những nhóm khách hàng chưa được các ngân hàng đặc biệt quan tâm và nhóm khách hàng có thu nhập trung bình với mức thu nhập hàng tháng tối thiểu là 4,5 triệu đồng.

Thời gian đầu, Easy Credit giới thiệu gói vay tiền mặt đến khách hàng tại 5 tỉnh, thành phố, bao gồm TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Vũng Tàu. Sau này, khi xu hướng tài chính tiêu dùng được gắn liền nhiều hơn với công nghệ, EVNFinance đã tích cực kết hợp với các ví điện tử hàng đầu trong nước.

Chẳng hạn, EVNFinance đã tung ra sản phẩm Easy Vay kết hợp với Vietel Digital, cung cấp dịch vụ cho vay thông qua ví điện tử Vietel Money.

Hay gần đây, khi Apple chính thức mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam, EVNFinance cũng là đơn vị duy nhất được chọn cung cấp dịch vụ trả góp thông qua ví điện tử MoMo.

Năm ngoái, EVNFinance báo lãi trước thuế tăng 10,6% so với năm 2021, đạt 455 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng đạt 24.623 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 42.197 tỷ đồng, tăng 30% so với cuối năm trước, tổng nguồn vốn huy động đạt 36.875 tỷ đồng, tăng 32,8%.

Trong số tổng dư nợ tín dụng năm 2022, EVNFinance chủ yếu vẫn cho vay phục vụ xây dựng hơn 5.300 tỷ đồng, bất động sản hơn 2.900 tỷ đồng, các ngành nghề liên quan tới điện, khí đốt, điều hòa là hơn 6.000 tỷ đồng...

Còn hoạt động cho vay tiêu dùng với các cá nhân, hộ gia đình dù đã được đẩy mạnh cũng chỉ đạt dư nợ tín dụng khiêm tốn là hơn 2.400 tỷ đồng.

Điều này buộc EVNFinance phải tìm kiếm và kết hợp nhiều hơn với các fintech trong nước, nhằm gia tăng tập khách hàng có nhu cầu vay vốn, vay tiêu dùng.

Với đối tượng chủ shop kinh doanh online, hộ kinh doanh gia đình, EVNFinance thông qua thương hiệu Easy Credit kết hợp với startup KiotViet cung cấp các khoản vay linh hoạt có hạn mức lên đến 500 triệu đồng, với lãi suất công bố từ 1,48%/ tháng. Với khách hàng cá nhân, công ty này triển khai thêm thương hiệu FastMoney by EVNFinance.