Fintech Việt Nam chuyển hướng sang các ứng dụng hỗ trợ tài chính, cho vay cá nhân

Trần Anh - 17:58, 24/05/2018

TheLEADERThị trường fintech trong nước vẫn đang chỉ tập trung vào hỗ trợ các giải pháp thanh toán trực tuyến. Trong thời gian tới, xu hướng sẽ dần chuyển dịch sang các ứng dụng hỗ trợ tài chính cá nhân và doanh nghiệp như hoạt động cho vay, gây quỹ, quản lý tài chính,…

Fintech Việt Nam chuyển hướng sang các ứng dụng hỗ trợ tài chính, cho vay cá nhân

Các công ty fintech đang ngày càng phổ biến trên thế giới khi làm thay đổi cách người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính. Theo số liệu của PWC, trong 4 năm qua, các startup Fintech trên toàn cầu đã thu hút hơn 40 tỷ USD vốn đầu tư.

Riêng khu vực châu Á Thái Bình Dương từ tháng 1/2016 đến tháng 2/2017 đã thu hút được gần 15 tỷ USD. Tại Việt Nam, thông qua công nghệ và mạng Internet, fintech cũng đang có những bước thâm nhập nhanh chóng thông qua các ứng dụng hỗ trợ khách hàng tiếp cận những khoản vay và dịch vụ thanh toán dễ dàng hơn.

Lượng người dùng Internet đông đảo kéo theo sự xuất hiện của fintech trải dài trên nhiều lĩnh vực. Có thể chia thị trường fintech ra làm 3 mảng chính. 

Đó là dịch vụ thanh toán trực tuyến (thanh toán di động, cổng thanh toán trực tuyến, ví điện tử) với những cái tên nổi bật như Zalopay, Momo. 

Dịch vụ tài chính cá nhân (ứng dụng hỗ trợ kiểm soát thu nhập, chi tiêu, đầu tư, hỗ trợ khoản vay cá nhân…) với MoneyLover, Timo, F88.

Cuối cùng là dịch vụ tài chính doanh nghiệp hỗ trợ nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là xu hướng mới với các ứng dụng cho vay ngang hàng, gây quỹ từ cộng đồng như Huydong, Comicola, Betado,…

Theo Solidiance, thị trường fintech của Việt Nam trong năm 2017 đạt giá trị giao dịch lên tới 4,4 tỷ USD. Con số này có thể tăng lên 7,8 tỷ USD vào năm 2020. Ông Phạm Thành Đức, Giám đốc Điều hành của MoMo, từng phát biểu rằng, Việt Nam lẽ ra đã phải có tới 20 triệu người dùng thanh toán di động và khối lượng giao dịch đạt 25 tỉ USD, dựa theo ước lượng từ nước láng giềng Trung Quốc. Điều này cho thấy dung lượng của thị trường fintech vẫn còn rất lớn cho các doanh nghiệp phát triển.

Đặc điểm chung của các startup fintech như Momo, MoneyLover hay ZaloPay đó là tập hợp một lượng người dùng đủ lớn sản phẩm của mình rồi từ đó tìm cách tạo ra lợi nhuận. Mặc dù vậy, phương pháp này tỏ ra khá rủi ro khi các startup phải tốn một lượng chi phí rất lớn để quảng bá, khuyến mãi kích thích người dùng sử dụng dịch vụ. Momo, sau khi gọi vốn lớn từ nhà đầu tư ngoại đã đi theo con đường này.

Một hướng đi ngược lại, đó là các doanh nghiệp đã có sẵn một lượng người dùng đủ lớn bổ sung thêm ứng dụng tài chính để ‘nhốt’ khách hàng vào chỉ dùng sản phẩm của mình. Grab tại Việt Nam là một ví dụ điển hình của mô hình này. Hiện tại, Grab chi rất nhiều tiền vào quảng bá sản phẩm ví Grabcredit, khách hàng nạp tiền vào sẽ được ưu đãi mỗi chuyến đi rất lớn. Trong tương lai, Grab dự kiến mình sẽ không chỉ còn là ứng dụng gọi xe mà sẽ mở rộng ra một hệ sinh thái rộng lớn với GrabTaxi, GrabExpress, GrabFood,…

Không chỉ các startup, các tổ chức tài chính tại Việt Nam cũng không bỏ qua làn sóng fintech. Năm 2016, VPBank cho ra mắt ngân hàng số Timo, một mô hình quản lý tài chính cá nhân với tính năng tương tự ví điện tử thông thường, nhưng được hỗ trợ thêm khả năng rút tiền mặt và quẹt thẻ của ngân hàng truyền thống.

Soldiance đánh giá, thị trường Fintech trong nước vẫn đang chỉ tập trung vào hỗ trợ các giải pháp thanh toán trực tuyến với việc đầu tư chủ yếu vào công thanh toán, thanh toán trên di động,...

Trong thời gian tới, xu hướng sẽ dần chuyển dịch sang các ứng dụng hỗ trợ tài chính cá nhân và doanh nghiệp như hoạt động cho vay, gây quỹ, quản lý tài chính, xếp hạng tín dụng cá nhân,...

Mức tăng trưởng bình quân hàng năm của hai lĩnh vực tài chính cá nhân và doanh nghiệp sẽ lần lượt đạt tốc độ 31,2% và 35,9% trong giai đoạn 2017 - 2025. Dự báo tới năm 2025, tín dụng cá nhân sẽ chiếm khoảng 24% thị trường fintech.

Fintech tại Việt Nam đang chuyển dần sang các ứng dụng hỗ trợ tài chính, cho vay cá nhân

Việc Chính phủ khuyến khích người dân bớt dùng tiền mặt là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy thị trường Fintech phát triển. Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tới năm 2020, 70% người Việt sẽ ó tài khoản ngân hàng và lượng giao dịch tiền mặt trong nước sẽ giảm được 10%.

Michael Sieburg, chuyên gia của Solidiance nhận định: “Vấn đề quan trọng trong việc tăng tốc độ ra mắt sản phẩm và dịch vụ mới là các sản phẩm và dịch vụ này cần được hướng dẫn về pháp lý để họ có thể dự đoán được thị trường cũng như giảm rủi ro về pháp lý khi hoạt động”.

Ông cũng cho rằng thời gian cấp phép quá lâu cũng là một yếu tố cản trở cho sự đổi mới của một quốc gia có tiềm năng dẫn đầu về công nghệ tài chính như Việt Nam.