Giải pháp để lấp khoảng trống việc làm sau Covid-19

Nhật Hạ - 15:51, 11/11/2021

TheLEADERĐể bù đắp lực lượng lao động gián đoạn này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần thực hiện cả ba giải pháp căn bản gồm giữ chân lao động, thu hút lao động quay trở lại và điều tiết lao động.

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động. Đến nay, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khoảng trống về việc làm do khủng hoảng chiếm khoảng 205 triệu lao động.

“Vì vậy, việc đào tạo nghề, đào tạo lực lượng lao động đang là rất cần thiết”, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tại phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội XV.

Để chống tình trạng thiếu hụt lao động, ông Dung cho biết thời gian tới, bộ cùng các bộ, ngành liên quan sẽ đưa ra các giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Đối với giải pháp ngắn hạn, trước hết cần tập trung hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết 68 và một số nghị quyết của Chính phủ.

Cùng với đó, thị trường lao động cần được đẩy mạnh điều chỉnh theo ba mô hình. Mô hình thứ nhất là thực hành, sản xuất tại doanh nghiệp, năm học thứ hai, thứ ba tiến hành vừa học vừa làm. Mô hình thứ hai là vừa học lý thuyết vừa làm thực hành tại doanh nghiệp. Mô hình thứ ba là tập trung tập nghề theo Bộ Luật Lao động quy định.

Về giải pháp dài hạn, cần thiết phải đổi mới đào tạo nghề theo hướng mở, linh hoạt và gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp là trường học thứ hai. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm cùng với nhà nước chăm lo đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động.

Bên cạnh đó, theo ông Dung, để bù đắp lực lượng lao động gián đoạn này, cần thực hiện cả ba giải pháp căn bản gồm giữ chân lao động, thu hút lao động quay trở lại và điều tiết lao động.

Cụ thể, trong trường hợp cần thiết nhất, có thể huy động sinh viên trường nghề để thực hiện các mô hình trên. Ngoài ra, có thể tăng cường bồi dưỡng kỹ năng cấp tốc để có thể sử dụng bộ phận thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, lực lượng công an nhằm cung cấp, tăng cường có tính chất cấp bách, tạm thời cho một số địa bàn, lĩnh vực, công việc đặc thù cần lực lượng lao động gấp rút.

Về dài hạn, cần đào tạo, trách nhiệm doanh nghiệp là cùng với nhà nước chăm lo vấn đề này.

Giải pháp để lấp khoảng trống việc làm sau Covid-19
Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung tại phiên chất vấn. Ảnh: Trang tin Quốc hội

Bộ trưởng cũng đồng tình với thực trạng đang có làn sóng “di chuyển kép” – người lao động về quê tránh dịch, một bộ phận lao động chân tay đơn thuần bị đảo thải trong cuộc cách mạng công nghệ mà đại biểu Quốc hội nêu ra.

Ông thừa nhận, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam còn thấp. Theo dự báo, thời gian tới, 30% công việc yêu cầu kỹ năng lao động phải nâng lên.

Mục tiêu đến năm 2030 có 40 - 45% lao động có chứng chỉ, bằng cấp đào tạo, Bộ trưởng Dung cho rằng, đây là chỉ tiêu rất khó, phải quyết liệt thực hiện, tập trung vào việc đào tạo tại doanh nghiệp mới làm được.

Về chủ trương đào tạo lao động chất lượng cao, ông Dung cho biết, Trung ương đã đồng ý chủ trương lập 80 trường đào tạo chất lượng cao trong nhiệm kỳ này, tập trung vào những ngành, lĩnh vực đang thiếu lao động, phân bố ở 3 khu vực trọng tâm.

Bên cạnh đó, đào tạo nghề cũng sẽ được thiết kế theo hướng mở, học tập suốt đời; triển khai hợp tác công tư trong đào tạo nghề. Việc này có ý nghĩa quan trọng khi nhà nước xác định con người là trung tâm, là động lực cho phát triển.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong 5 năm tới, ngành giáo dục cũng như hệ thống đào tạo nghề phải đạt được bước tiến nổi bật so với hiện tại.

Giải pháp cho 1,3 triệu lao động đã về quê

Về vấn đề lao động trở về quê trong đợt dịch thứ 4, ông Dung thông tin “số lượng tương đối lớn và có ý kiến khác nhau về số liệu. Nhưng theo tất cả báo cáo của các địa phương, rà soát ban đầu, có khoảng 1,3 triệu lao động đã về quê, chiếm 60% trong tổng số người dân di chuyển từ TP.HCM, Hà Nội và các vùng trọng điểm kinh tế phía Nam về quê”.

Trên cơ sở đó, bộ đã trao đổi với các địa phương và đã đưa ra 3 giải pháp. Thứ nhất, các địa phương cùng với TP.HCM và các tỉnh lân cận, vùng kinh tế trọng điểm có kết nối để vận động, thuyết phục, giới thiệu người lao động quay trở lại làm việc.

Thứ hai, các địa phương cũng chủ động liên kết, kết nối với các địa phương khác, thậm chí ngay cả trong vùng để có thể giới thiệu việc làm. Đơn cử như tỉnh Thanh Hóa, bộ trưởng cho biết, thời gian qua đã giới thiệu người lao động về quê đi làm việc ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam. Riêng Bắc Giang, cho đến thời điểm này đã tăng hơn 50 nghìn lao động so với thời điểm trước dịch.

Thứ ba là tạo việc làm tại chỗ, như Quảng Trị, Quảng Nam tiếp nhận toàn bộ những công nhân nghề may và một số lĩnh vực khác cho công nhân làm việc tại địa phương mình.

Bộ trưởng cho rằng, cần tập trung triển khai các chính sách như chính sách giảm nghèo, chính sách cho vay quỹ quốc gia giải quyết việc làm… để hỗ trợ cho người lao động có thể ổn định, tạo công việc mới ở địa phương.

Dự báo cung cầu lao động còn yếu

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, những biến động về tình hình việc làm vừa qua cũng bộc lộ các vấn đề còn tồn tại của thị trường lao động.

Trên thực tế, thị trường lao động đang có 2 vấn đề lớn gồm đào tạo chưa gắn với nhu cầu; chất lượng lao động thấp dẫn đến năng suất lao động thấp, mức độ đào tạo, bằng cấp của lao động thấp so với khu vực. Thực tế này xuất phát từ việc dự báo cung cầu lao động còn yếu.

“Tôi từng làm việc với TP.HCM và đặt hàng địa phương thử dự báo cung cầu lao động ngắn hạn trong 4 tháng. Kết quả cho thấy lao động ở các ngành nghề được dự báo đều đang thiếu nhưng có mức lương tốt thì lập tức thay đổi. Vậy nên nếu không sớm xây dựng công cụ dự báo cung cầu lao động tốt ở cả ngắn hạn, trung hạn, dài hạn thì thị trường sẽ tiếp tục phát triển không đồng bộ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn chứng.

Vấn đề khác là liên kết đào tạo nghề hiện nay cũng còn “lỏng lẻo”. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, ở các quốc gia phát triển, sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường là đương nhiên và đã tồn tại hàng trăm năm. Chẳng hạn ở Đức, với mô hình đào tạo kép, mỗi doanh nghiệp đều phải có trách nhiệm với một trường nghề; tất cả các máy móc hiện đại nhất của doanh nghiệp đều được đặt trong trường nghề, để học sinh vừa học vừa thực hành.

Tương tự ở các nước phát triển, doanh nghiệp coi việc đào tạo lao động là bắt buộc, còn ở Việt Nam, hiện một số doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm tới việc này nhưng chủ yếu vẫn là trông chờ kết quả đào tạo nghề của trường lớp. Vì vậy nên việc liên kết này vẫn chưa đưa lại hiệu quả.

Trong bối cảnh đó, Bộ Lao động, thương binh và xã hội đã yêu cầu các trường nghề lớn ký kết cụ thể với doanh nghiệp, từ khâu đặt hàng đào tạo tới đầu ra là chỗ làm để sinh viên chưa ra trường biết được sau khi ra trường mình về đâu.