Giao thông miền Tây lấy đường thủy làm trọng tâm

09:39, 15/12/2022

TheLEADERTheo kế hoạch mới đây của Bộ Giao thông vận tải, giao thông miền Tây sẽ phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, chú trọng vận tải đa phương thức, lấy đường thủy làm trọng tâm.

Giao thông miền Tây lấy đường thủy làm trọng tâm
Miền Tây ưu tiên phát triển vận tải đa phương thức và lấy đường thủy làm trọng tâm.

Hạ tầng giao thông yếu, chưa phát triển là một trong những nút thắt lớn của Đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì lý do này, phát triển hạ tầng giao thông là chủ trương quan trọng được nhấn mạnh tại quy hoạch tổng thể của vùng giai đoạn 2021 – 2030.

Mới đây, tiếp tục tháo gỡ khó khăn về giao thông cho miền Tây, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Kế hoạch phát triển vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo kế hoạch này, miền Tây sẽ tiếp tục thúc đẩy cơ cấu thị phần vận tải để đảm bảo kết nối hài hòa, hiệu quả. Đối với hệ thống cảng biển, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến, đổi mới công nghệ xếp dỡ hàng hóa.

Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh việc ưu tiên phát triển vận tải đa phương thức trên các hành lang vận tải chính, hành lang kết nối với quốc tế, từ đó tăng khối lượng hàng, giảm chi phí logistics. Hệ thống cảng cạn cũng sẽ được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt là các cảng kết nối nội thủy khu vực phía nam.

Một yếu tố quan trọng cho phát triển giao thông vận tải miền Tây là tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp vận tải, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, đáp ứng được khâu vận tải xuất khẩu với giá hợp lý, chất lượng cao.

Song song với đó, kết nối doanh nghiệp vận tải với các chủ hàng cũng cần được chú trọng. Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch vận tải, giao dịch logistics, khuyến khích bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ logistics tham gia vào các sàn này.

Kế hoạch cũng nhấn mạnh, trong kết nối giao thông đa phương thức, giao thông đường thủy vẫn là trọng tâm. Giao thông đường thủy từ lâu đã là một lợi thế của “miền sông nước”, nhờ hệ thống sông ngòi và kênh đào dày đặc.

Thực tế, một số doanh nghiệp vận tải lớn đang khai thác tương đối hiệu quả hệ thống giao thông đường thủy tại Đồng bằng sông Cửu Long, tiêu biểu như dịch vụ “taxi đường thủy” của Tân cảng Sài Gòn.

Để thực hiện kế hoạch, Bộ Giao thông vận tải cho biết cần hoàn thiện, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật để tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp tham gia vào cung ứng dịch vụ giao thông vận tải, cùng với cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực vận tải.

Cơ chế liên quan đến đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) cũng cần được hoàn thiện, làm cơ sở thu hút vốn xã hội hóa nâng cao chất lượng giao thông vận tải.

Một mũi nhọn cần được đẩy mạnh là công nghệ thông tin phục vụ giao thông vận tải, bao gồm không chỉ các sàn giao dịch đã nói ở trên mà còn hệ thống dịch vụ công trực tuyến trong ngành vận tải, hệ thống giao thông thông minh, hệ thống dữ liệu…

Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ điều chỉnh và bổ sung cơ chế, chính sách phát triển vận tải xuyên biên giới phù hợp với thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, đồng thời chuẩn hóa các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, định mức về vận tải, lưu thông hàng hóa.