Những xu hướng tiêu dùng ‘phất’ lên nhờ Covid-19

Kiều Mai - 12:06, 27/03/2020

TheLEADERCác ngành hàng về sức khỏe, các nền tảng thương mại điện tử cùng các kênh mua sắm mới sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nhờ dịch Covid-19.

Sự bùng phát và diễn biến bất ngờ của dịch Covid-19 thời gian qua đã tạo ra nhiều thay đổi trong thói quen mua sắm, tiêu dùng cũng như tiêu thụ một số ngành hàng của người Việt.

Trong cuộc trao đổi với TheLEADER, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Worldpanel, Kantar Việt Nam, đánh giá dịch Covid-19 sẽ là cơ hội đẩy nhanh các xu hướng trong năm 2019, bao gồm gia tăng ý thức về sức khỏe, sự phát triển của thương mại điện tử.

Thưa ông, hành vi người tiêu dùng đã thay đổi như thế nào trong ngắn hạn kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng? Những ngành hàng nào được hưởng lợi?

Ông Nguyễn Huy Hoàng: Sự lây lan của vi rút Corona trở thành một vấn đề khẩn cấp mang tính toàn cầu với số ca nhiễm bệnh tăng nhanh. Do đó, ý thức về sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể.

Để giữ an toàn và bảo vệ bản thân, người tiêu dùng hạn chế bớt các hoạt động hàng ngày có mức độ tương tác nhiều với đám đông. Tần suất đi mua sắm giảm bớt và thay vào đó, kích thước giỏ hàng mỗi chuyến tăng lên do nhu cầu tích trữ hàng hóa, đặc biệt là các ngành hàng đáp ứng nhu cầu phòng/chống dịch.

Những xu hướng tiêu dùng ‘phất’ lên nhờ Covid-19
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Worldpanel, Kantar Việt Nam

Chất tẩy rửa gia dụng và vệ sinh cá nhân được tiêu thụ nhiều hơn với tăng trưởng khối lượng tiêu dùng 2- 3 chữ số, theo số liệu từ Kantar’s Worldpanel, do tăng nhu cầu tự bảo vệ bản thân, bao gồm nước rửa tay khô diệt khuẩn, khăn giấy ướt, nước rửa tay (tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ).

Thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau củ quả, sữa chua ăn/uống, thực phẩm chức năng bổ sung vitamin, giúp tăng khả năng miễn dịch có chiều hướng tăng.

Với các chỉ thị từ Chính phủ và chính quyền địa phương, người tiêu dùng được khuyến khích ở nhà và hạn chế đi lại, đến nơi đông người. Do đó, nhu cầu dự trữ các loại thực phẩm tiện lợi ăn liền cũng tăng cao như mì/cháo ăn liền, thực phẩm đông lạnh, bánh mì ăn liền, gia vị nấu ăn. Những ngành hàng này cũng ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số cả về giá trị lẫn khối lượng tiêu dùng so với cùng kỳ.

Chi tiêu cho ăn uống (F&B) và các hoạt động tiêu dùng khác bên ngoài nhà có xu hướng bị cắt giảm trong giai đoạn bùng phát dịch do người dân hạn chế ra đường hay đến các khu vui chơi, mua sắm, trung tâm thương mại, giải trí, hoặc hạn chế du lịch.

Kéo theo đó là ngành làm đẹp bị ảnh hưởng, cụ thể là các sản phẩm trang điểm, do người tiêu dùng ở nhà nhiều hơn, ít nhu cầu ra ngoài. Tuy nhiên, phân khúc dưỡng/chăm sóc da kỳ vọng vẫn duy trì tăng trưởng.

Thời gian ở nhà nhiều hơn, cách hoạt động giải trí trực tuyến (online), làm việc online tăng cao. Thời gia sử dụng các nền tảng trực tuyến cũng kéo dài hơn. Và hành vi này nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì sau khi dịch kết thúc.

Xin ông cho biết thêm về sự thay đổi trên thị trường bán lẻ?

Ông Nguyễn Huy Hoàng: Về mặt bán lẻ, trong giai đoạn này, nhu cầu dự trữ lên cao, người tiêu dùng chuyển qua mua sắm tại các kênh có các mặt hàng đa dạng hơn với số lượng lớn hơn, khiến cho các kênh siêu thị / đại siêu thị nói chung và siêu thị mini tăng trưởng mạnh mẽ (đạt mức hai chữ số).

Ngoài ra, sự bùng phát của dịch cũng đang làm tăng đáng kể số lượng giao dịch mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng tận nơi, không chỉ với những người đã và đang mua sắm online mà còn thu hút một lượng đáng kể người mua mới, những người trước đó vẫn còn e dè với mua sắm online hay đặt hàng qua ứng dụng (app). 

Do đó, các kênh mua sắm quy mô nhỏ hơn chủ yếu phục vụ nhu cầu hàng ngày như tiệm tạp hóa hay cửa hàng tiện lợi bị ảnh hưởng, giảm tần suất mua sắm.

Mặt khác, việc chậm trễ /gián đoạn của các hoạt động xuất nhập khẩu do sự bùng phát của coronavirus đang tạo ra những thách thức đối với các nhà cung cấp và người bán hàng trong khâu sản xuất, phân phối và dự trữ hàng hóa. 

Chính vì vậy, trong cuộc chiến chống lại Covid-19, lượng cung suy giảm, dẫn đến đẩy giá cả leo thang (CPI đạt mức cao nhất từ 2014 đến nay), khiến người tiêu dùng cũng thắt chặt chi hầu bao và cân nhắc kỹ hơn trong chi tiêu, ưu tiên các mặt hàng “khẩn cấp” cần thiết phòng chống dịch.

Sự thay đổi hành vi người tiêu dùng trong trung và dài hạn thì ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Hoàng: Sau khi dịch được kiểm soát và sau thời điểm dịch kết thúc, một số hành vi tiêu dùng sẽ trở lại như cũ. Dự đoán sự phục hồi nhanh chóng của một số ngành hàng như ăn uống bên ngoài và giải trí khi các hàng quán, trung tâm thương mại mở cửa hoạt động trở lại, ngành du lịch tiếp tục bùng nổ sau một thời gian dài ngưng trệ, hàng hóa sản xuất, xuất nhập khẩu trở lại bình ổn.

Theo ông, dịch Covid-19 hiện nay mang lại những tác động tích cực gì?

Ông Nguyễn Huy Hoàng: Về mặt tích cực, tác động của đợt bùng phát dịch năm 2020 có thể đẩy nhanh các xu hướng mà chúng ta đã quan sát thấy trong năm 2019.

Thứ nhất, ý thức về sức khỏe và vệ sinh của người tiêu dùng Việt sẽ nâng cao, điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm vệ sinh, chăm sóc cá nhân và chăm sóc gia đình bao gồm xà phòng, nước rửa tay, nước rửa tay khô diệt khuẩn, sản phẩm tẩy rửa nhà cửa, khăn giấy.

Những mặt hàng này hiện vẫn còn khiêm tốn cả về số lượng người dùng lẫn khối lượng tiêu thụ, nhưng dự kiến sẽ trở nên phổ biến hơn khi ngày càng nhiều người bắt đầu quen với việc mua và sử dụng thường xuyên hơn.

Những xu hướng tiêu dùng ‘phất’ lên nhờ Covid-19 1
Người mua hàng dần chuyển sang mua sắm đa kênh, tích hợp nhiều kênh.

Thứ hai, năm 2020 có thể sẽ là cột mốc quan trọng cho sự phát triển hơn nữa của thương mại điện tử. Thị phần thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ tăng lên đáng kể do tính tiện lợi và việc ít tương tác trực tiếp khi mua hàng, phù hợp và đáp ứng được nhu cầu hiện nay của người tiêu dùng Việt trong thời gian dịch bệnh.

Các nền tảng mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng đã cho thấy tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng người mua lẫn doanh thu trong 4 tuần đầu tiên bùng phát dịch (riêng trong ngành hàng FMCG, thương mại điện tử tăng trưởng 3 con số dựa trên số liệu Worldpanel ngành hàng tiêu dùng nhanh FMCG).

Từ đây dễ dàng hình thành thói quen mua sắm online thường xuyên hơn không chỉ đối với những người mua hiện tại mà còn cả với những người lần đầu trải nghiệm mua hàng online.

Cuối cùng, các kênh mới nổi sẽ ngày càng phổ biến trong thời gian hậu dịch, bao gồm các siêu thị mini, thương mại điện tử, các cửa hàng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp.

Phản ánh sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt từ việc mua sắm truyền thống ở một hoặc hai kênh chính, người mua hàng dần chuyển sang mua sắm đa kênh, tích hợp nhiều kênh, củng cố xu hướng bán lẻ đa kênh ngày càng tăng trong lĩnh vực bán lẻ thời gian tới.

Xin ông chia sẻ một số khuyến nghị giúp doanh nghiệp có thể vượt qua thời điểm khó khăn này và chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi?

Ông Nguyễn Huy Hoàng: Sự bùng phát dịch vẫn đang diễn ra với nhiều người bị nhiễm bệnh hơn. Các hoạt động kinh tế và kinh doanh vẫn tiếp tục bị gián đoạn.

Để vượt qua thời gian khó khăn và chuẩn bị cho sự phục hồi trong giai đoạn tiếp theo sau khi dịch đã đi qua, doanh nghiệp nên chú trọng đến các cơ hội phát triển các sản phẩm dịch vụ tiện lợi ngay cả khi ở nhà.

Bên cạnh đó, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch truyền thông, kênh truyền thông theo hướng số hóa, phát triển hoặc đẩy mạnh các nền tảng trực tuyến (digital, O2O, mạng xã hội) như là một trong những điểm tiếp cận người tiêu dùng quan trọng.

Xây dựng hình ảnh, cải tiến các sản phẩm dịch vụ gắn liền với sức khỏe cộng đồng, người tiêu dùng.