Grab chạy đua giành thị phần mảng giao nhận thức ăn tại Việt Nam

Việt Hưng - 16:15, 29/11/2018

TheLEADERVới số lượng đối tác lên tới 175.000 người, cùng thói quen sử dụng đã định hình, phía Grab tin tưởng sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị phần số 1 trong lĩnh vực giao nhận thức ăn tại Việt Nam.

Theo thông báo mới nhất của Grab, dịch vụ giao nhận thức ăn GrabFood của hãng này đã tiếp tục triển khai tại Đà Nẵng, chỉ một tháng sau khi ra mắt tại Hà Nội.

Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng, Grab đã triển khai dịch vụ GrabFood tại 3 thành phố lớn nhất Việt Nam. Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab tại Việt Nam, cho biết:

"Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, chúng tôi rất vui mừng khi GrabFood đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của khách hàng, đối tác giao nhận và đối tác kinh doanh của Grab tại TP. HCM và Hà Nội. Điều này tạo động lực rất lớn để chúng triển khai GrabFood tại Đà Nẵng sớm nhất có thể".

Theo ông Jerry Lim, lợi thế của GrabFood so với các đối thủ cùng ngành là: có sẵn tập khách hàng lớn, đội ngũ lái xe hùng hậu, cung cấp nhiều món ăn, và đặc biệt là tốc độ giao hàng nhanh.

Bên cạnh đó, phía Grab còn tiết lộ, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cho dịch vụ giao nhận thức ăn thông qua GrabPay by Moca cũng đang được thử nghiệm cho một số tập khách hàng tại Hà Nội, và sẽ sớm được áp dụng cho cả ba thành phố nơi GrabFood được triển khai.

Trước đó, Giám đốc Grab tại Việt Nam từng cho biết, khi đặt chân vào thị trường đã có các đối thủ kinh nghiệm, thử thách với Grab là không hề nhỏ. Nhưng phía Grab cũng có những thế mạnh như: dữ liệu, công nghệ...

Theo thời gian, khi số lượng các đơn đặt món tăng lên, GrabFood có thể định hình được khẩu vị của người Việt, từ đó đưa ra các gợi ý phù hợp hơn các công ty đối thủ. Mục tiêu cuối cùng mà Grab hướng đến là chất lượng dịch vụ vượt trội.

Với số lượng đối tác tại Việt Nam lên tới 175.000 người, cùng thói quen sử dụng Grab đã định hình, dịch vụ GrabFood cũng sẽ nhanh chóng được khách hàng đón nhận.

Hiện Việt Nam là thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của GrabFood ngoài Indonesia. Bên cạnh đó, thế mạnh của một công ty công nghệ giúp Grab am hiểu nhu cầu, sở thích ẩm thực của người Việt.

Theo báo cáo của Euromonitor, thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam trong năm 2018 sẽ đạt khoảng 33 triệu USD và đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020, với tốc độ tăng trưởng trung bình 11%/năm.

Thị trường này tuy nhỏ so với mảng F&B nói chung, nhưng lại thu hút các doanh nghiệp theo đuổi bởi tính trung thành của loại hình dịch vụ này khá cao.

Now.vn (trước đây là DeliveryNow) của Foody, Loship.com của Lozi và Vietnammm.com (từng thâu tóm Foodpanda vào tháng 12/2015) là 3 công ty hàng đầu tại thị trường này. Trong đó, Now.vn đang dẫn đầu thị trường về số lượng đơn hàng giao hằng ngày.

Các chuyên gia trong lĩnh vực nhận định, dư địa thị trường còn nhiều, tốc độ tăng trưởng hàng tháng nhanh là lý do Grab quyết định tham gia vào lĩnh vực đặt món trực tuyến.