Hãng đồng hồ Thụy Sĩ thừa nhận sử dụng tranh của họa sĩ Việt
Hương Giang
Thứ sáu, 07/07/2023 - 16:07
Sau 1 tháng im hơi lặng tiếng trên các nền tảng truyền thông, mới đây, họa sĩ Xuân Lam vừa cho biết hãng đồng hồ Thụy Sĩ Christophe Claret đã chính thức thừa nhận anh là tác giả của bức tranh gốc “Hai Bà Trưng” – tác phẩm được vẽ trên mặt đồng hồ của họ.
Vào tháng 5 vừa rồi, khi tung ra hình ảnh chiếc đồng hồ “Hai Bà Trưng” trong bộ sưu tập Legend - Bộ sưu tập nhằm tri ân các vị danh nhân của thế giới, hãng đồng hồ Thụy Sĩ Christophe Claret đã thu hút được sự chú ý lớn của công chúng, đặc biệt là công chúng Việt Nam.
Tuy nhiên, ngoài những lời khen ngợi, chiếc đồng hồ này cũng nhận được vô số bình luận trái chiều khi hình vẽ trên mặt đồng hồ trông gần như giống hệt bức tranh của họa sĩ Xuân Lam – một họa sĩ Việt Nam, trong khi trong thông tin giới thiệu về chiếc đồng hồ này, tác giả không được thương hiệu nêu tên.
Mới đây, họa sĩ Xuân Lam vừa đăng tải thông tin cho cho biết sau một tháng trời làm việc cùng luật sư, hãng đồng hồ Christophe Claret đã thừa nhận rằng hãng đã sử dụng tranh của vị tác giả Việt. Với sự cho phép của Xuân Lâm, hiện tại, việc sử dụng tác phẩm “Hai Bà Trưng” trên mặt đồng hồ của hãng Christophe Claret là hợp pháp.
Tiết lộ với Tạp chí Sở hữu trí tuệ, họa sĩ Xuân Lam cho biết: "Sau khi Christophe Claret đăng tải bài viết đầu tiên để giới thiệu sản phẩm vào tháng 5/2023, do được nhiều người liên hệ thông báo, tôi mới biết đến việc hãng sử dụng bức tranh Hai Bà Trưng của mình. Do cho rằng khâu tìm kiếm thông tin của họ có vấn đề, tôi đã ủy quyền cho luật sư của mình liên hệ với công ty này. Luật sư của tôi đã tìm ra công ty luật đại diện cho Christophe Claret và gửi email cho họ. Sau hơn một tháng làm việc, hai bên đã đạt được thỏa thuận.
Tôi hi vọng đây sẽ là một tiền lệ tốt cho các họa sĩ Việt Nam khi giải quyết các vấn đề liên quan tới sở hữu trí tuệ, nhất là với những công ty tại nước ngoài".
Về phía Christophe Claret, hãng cũng vừa đăng tải một bài viết trên Instagram với nội dung: "Với chiếc đồng hồ này, Christophe Claret muốn bày tỏ lòng kính trọng đối với "Hai Bà Trưng" - hai nữ anh hùng Việt Nam đã đẩy lùi những cuộc tấn công của Trung Quốc trong suốt 3 năm. Mặt đồng hồ là một bức tranh thu nhỏ, được vẽ hoàn toàn thủ công bởi họa sĩ André Martinez. Christophe Claret cũng chân thành cảm ơn họa sĩ Xuân Lam đã cho phép chúng tôi sử dụng bức tranh gốc "Hai Bà Trưng" trên mặt đồng hồ”.
Trước đó, họa sĩ Xuân Lam đã tái hiện nhiều bức tranh Đông Hồ và Hàng Trống theo phong cách đương đại trong triển lãm mang chủ đề "Vẽ lại tranh dân gian: Cuộc gặp gỡ xưa và nay". Và bức tranh Hai Bà Trưng là một trong số đó.
Trong bức tranh của Xuân Lam, Hai Bà Trưng đang cưỡi voi song song. Trong khi đó trên chiếc đồng hồ Christophe Claret, hai bà được vẽ tách nhau, một người đi trước một người đi sau. Màu sắc và đường nét trên mặt đồng hồ và bức tranh “Hai Bà Trưng” của họa sĩ Xuân Lam cũng được thể hiện rất giống nhau.
Ngoài ra, hình ảnh chú chim xuất hiện trên mặt đồng hồ cũng gần như tương tự với hình ảnh trong với bức tranh "Thiên hạ thái bình" của họa sĩ Xuân Lam. Vì vậy, nhiều chuyên gia mỹ thuật trong nước, bao gồm họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (người đã giám tuyển nhiều dự án mỹ thuật cộng đồng ở Hà Nội) đã khẳng định rằng họa sĩ Xuân Lam là tác giả gốc của bức tranh.
Xuân Lam hiện 30 tuổi, tốt nghiệp khoa Hội họa tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Xuân Lam là một họa sĩ trẻ tài năng với nhiều tác phẩm được giới hội họa trong nước và quốc tế biết đến. Anh vừa mới nhận được học bổng toàn phần Fulbright từ Chính phủ Mỹ để theo học thạc sĩ mỹ thuật tại Mỹ trong mùa thu năm nay.
Christophe Claret là một công ty sản xuất đồng hồ được đặt tên theo nhà sáng lập của hãng. Hãng chuyên thiết kế các loại đồng hồ đeo tay phức tạp, có nhiều chức năng như hẹn giờ, báo thức, lịch vạn niên...
Mặc dù giá bán chính thức chưa được công bố, dựa trên giá nguyên liệu và giá các mẫu khác trong bộ sưu tập, nhiều chuyên gia dự kiến giá của chiếc đồng hồ Hai Bà Trưng sẽ vào khoảng 700.000 USD (tương đương 15 tỉ đồng).
Mới đây, một mẫu đồng hồ của hãng Christophe Claret (Thụy Sĩ) với hình ảnh Hai Bà Trưng vẽ trên mặt đồng hồ đã gây chú ý khi hình ảnh này trông khá giống so với những hình ảnh trên các bức tranh của họa sĩ Xuân Lam.
Người Thụy Sĩ đã dùng chính thế võ Aikido để tạo nên chiến thắng vang dội trước người Nhật Bản không phải trên sàn võ mà trên thương trường - cuộc chiến đồng hồ.
Phát triển bền vững tại nhiều doanh nghiệp xuất phát từ mối liên kết chặt chẽ giữa các thế hệ lãnh đạo, nhân sự với nhau, song hành với công nghệ và văn hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, khi thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.