Hành trình trở thành nhà tư vấn chuyên nghiệp

TS. Ngô Công Trường (*) - 15:38, 08/08/2021

TheLEADERCá nhân muốn trở thành chuyên gia tư vấn doanh nghiệp sẽ phải trải qua một quá trình tích luỹ, rèn luyện nghiêm túc và bền bỉ.

Hành trình trở thành nhà tư vấn chuyên nghiệp
Cần trải qua một hành trình dài để có thể trở thành nhà tư vấn chuyên nghiệp

Nghề tư vấn doanh nghiệp được ví như nghề của những bác sĩ khám chữa bệnh cho doanh nghiệp. Điều doanh nghiệp cần là người “bác sĩ” có một cái tâm đủ lớn, một tầm nhìn đủ rộng để thấu hiểu được ý nghĩa của hai chữ “đồng hành", sẵn sàng “sống" cùng doanh nghiệp để nhìn thấu được các vấn đề thực tại, kết hợp với sự hiểu biết uyên thâm của mình về chuyên môn và thị trường, đưa ra những giải pháp đúng đắn và hợp lý cho doanh nghiệp một cách có căn cứ và hệ thống.

Có một thực tế không thể phủ nhận rằng, vì hiện nay nhu cầu tìm kiếm một người dẫn đường cho doanh nghiệp đang rất cao nên nghề tư vấn doanh nghiệp dường như trở nên không mấy xa lạ. 

Đặc biệt, xu hướng các chuyên gia/giảng viên đào tạo, các nhà quản lý lãnh đạo giỏi về chuyên môn trở thành chuyên gia tư vấn rất phổ biến. Tuy nhiên, việc trở thành chuyên gia tư vấn sẽ phải trải qua một quá trình tích luỹ, rèn luyện nghiêm túc và bền bỉ.

Trước hết, người muốn trở thành chuyên gia tư vấn cần phải hiểu rất rõ các vai trò để xác định đúng mình là ai.

Thứ nhất, giảng viên đại học (lecturer) là những người giảng dạy trong các trường đại học, có nền tảng về tri thức cao, có kinh nghiệm chia sẻ cho đối tượng sinh viên nhưng thiếu kinh nghiệm về doanh nghiệp.

Thứ hai, giảng viên doanh nghiệp (trainer) là những người giảng dạy cho doanh nghiệp nên khá hiểu về doanh nghiệp, nhưng có thực tế là một số giảng viên lại thiếu kiến thức nền tảng về tri thức.

Thứ ba, nhà cố vấn (mentor) là người hướng dẫn cách làm để người được cố vấn tự thực hiện để hoàn thành công việc.

Thứ tư, nhà huấn luyện (coach) là người cầm tay chỉ việc, huấn luyện để ra kết quả mong đợi cho người được huấn luyện.

Thứ năm, nhà tư vấn (consultant) là người kết hợp cả hai yếu tố của giảng viên doanh nghiệp và nhà huấn luyện một cách thuần thục.

Những giai đoạn trên hành trình trở thành chuyên gia tư vấn

Một người muốn trở thành chuyên gia tư vấn phải trải qua bốn giai đoạn quan trọng.

Giai đoạn thứ nhất là nhà quản lý. Đây có thể là bước đầu tiên trong hành trình trở thành chuyên gia tư vấn. Vai trò này sẽ cung cấp sự am hiểu về chuyên môn và cấu trúc hoạt động của doanh nghiệp.

Người muốn trở thành chuyên gia tư vấn cần đạt được vị trí quản lý cấp trung trở lên. Đặc biệt, việc trải qua nhiều ngành nghề và doanh nghiệp khác nhau sẽ mang lại nhiều kiến thức và góc nhìn để bổ trợ cho công việc tư vấn sau này.

Giai đoạn thứ hai là làm người chia sẻ. Nhà tư vấn tương lai cần phải là một người đam mê chia sẻ. Trước hết, có thể chia sẻ cho 5 người, sau đó tăng dần số lượng. Đặc biệt, thời điểm Covid-19 là cơ hội tốt để người muốn trở thành nhà tư vấn có thể chia sẻ tới nhiều người và rèn luyện kỹ năng này.

Giai đoạn thứ ba là làm giảng viên doanh nghiệp hoặc nhà huấn luyện. Giai đoạn này sẽ giúp hình thành những năng lực quan trọng trước khi một người trở thành nhà tư vấn chuyên nghiệp.

Cuối cùng là giai đoạn làm một nhà tư vấn. Như vậy có thể thấy, việc trở thành một chuyên gia tư vấn thực thụ là cả một quá trình dài “luyện công" thực sự nghiêm túc và bền bỉ.

Theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia tư vấn, một người cần có ít nhất 10.000 giờ để trở thành một chuyên gia tư vấn thực thụ. Khoảng thời gian này sẽ giúp người đó có đủ năng lực, kiến thức, đủ những vết “sẹo" và trải nghiệm để có thể ứng phó và giải quyết với hầu hết các tình huống khi làm chuyên gia tư vấn.

Hành trình trở thành nhà tư vấn chuyên nghiệp
TS. Ngô Công Trường, nhà sáng lập và Giám đốc chuyên môn Công ty CP Tư vấn và giáo dục John&Partners

Mười sai lầm thường gặp khi trở thành chuyên gia tư vấn

Sai lầm thứ nhất là không có câu trả lời cho những câu hỏi “tại sao”: Tại sao muốn trở thành chuyên gia tư vấn? Muốn làm chuyên gia tư vấn để làm gì? Có phải là nghề và sự nghiệp của mình hay không?

Đây là câu hỏi vô cùng quan trọng và nếu xác định càng rõ thì việc thực hiện về sau sẽ càng rõ.

Thứ hai là sai lầm liên quan đến thương hiệu cá nhân. Có rất nhiều chuyên gia tư vấn nhầm lẫn “halo effect” (hiệu ứng hào quang) giữa bên trong và bên ngoài. Một người có thể có sức ảnh hưởng nội bộ nhưng khi ra bên ngoài thì chưa chắc có sức ảnh hưởng. Khách hàng sẽ quan tâm đến kết quả mà người đó mang tới chứ không quá quan tâm tới việc người đó là ai.

Thứ ba là nhầm lẫn về vai trò (động từ). Người muốn trở thành chuyên gia tư vấn cần xác định rõ công việc sẽ làm: đào tạo, huấn luyện kèm cặp, hay tư vấn.

Sai lầm thứ tư là không xác định rõ nội dung (danh từ): Đây cũng là sai lầm thường gặp của nhiều chuyên gia tư vấn khi định vị mình có thể làm rất nhiều thứ hoặc không rõ ràng mình làm thứ gì. Người muốn trở thành chuyên gia tư vấ cần xác định rất rõ lĩnh vực mà ngươi đó sẽ là chuyên gia, chẳng hạn như tài chính, nhân sự…

Thứ năm là nhầm lẫn về định vị (tính từ). Người muốn trở thành chuyên gia tư vấn cần xác định rất rõ điểm khác biệt của mình. Và khi định vị thì cũng cần quan tâm tới việc ai/ tổ chức nào xếp hạng và đánh giá

Sai lầm thứ sáu là không xác định là một nghề chuyên nghiệp. Đây là một sai lầm phổ biến vì nhiều người chỉ xem tư vấn là công việc làm thêm hoặc “khi về hưu” chứ không phải nghề chuyên nghiệp dẫn tới việc không có những sự đầu tư nghiêm túc.

Sai lầm thứ bảy là không có khách hàng đầu tiên. Khách hàng đầu tiên rất quan trọng và là nền tảng để những khách hàng tiếp theo tin tưởng bạn. Khách hàng đầu tiên sẽ rất khó khăn. Vì vậy, việc lựa chọn một chuyên gia giàu kinh nghiệm tư vấn để đi cùng họ trong dự án đầu tiên sẽ là một gợi ý tốt để hỗ trợ và minh chứng cho nhà tư vấn chuyên nghiệp tương tai.

Sai lầm thứ tám là không có đủ số giờ bay. Đây là sai lầm giết chết nhiều chuyên gia khiến họ tự ti và từ bỏ vì có cảm giác sợ hãi khi đối diện với khách hàng.

Sai lầm thứ chín là không có người hướng dẫn. Bất kỳ vận động viên nào vô địch thế giới đều có người hướng dẫn. Người hướng dẫn sẽ giúp đi nhanh hơn và chỉ ra những sai lầm. Nhiều bài học kinh nghiệm không nhất thiết phải trả giá mới có được, thay vào đó, nhà tư vấn tương lai có thể học được từ người hướng dẫn.

Sai lầm thứ mười là dựa trên kinh nghiệm cá nhân, không có mô hình, phương thức, phương pháp luận. Người đang nỗ lực trở thành nhà tư vấn chuyên nghiệp hãy dùng trải nghiệm thay vì kinh nghiệm. Thường các nhà tư vấn hay mắc sai lầm khi nói rằng: “Theo kinh nghiệm của tôi, anh chị nên làm như thế này…”. 

Tuy nhiên, kinh nghiệm là con dao hai lưỡi, vừa mang tính hỗ trợ nhưng cũng có thể khiến một cá nhân bỏ qua nhiều ý tưởng sáng tạo và bị khách hàng bắt bẻ. Hãy tiếp cận theo phương pháp luận vì có các mô hình, phương thức đã được qua kiểm chứng và nghiên cứu thì sẽ là trụ cột vững chắc trong mọi tình huống tư vấn.

Như vậy, có thể thấy, nghề chuyên gia tư vấn là một nghề rất khó khăn và cần phải đầu tư nghiêm túc về cả thời gian, về kiến thức, về năng lực, về trải nghiệm,… Tuy nhiên nó cũng là một nghề rất đáng tự hào vì giúp một doanh nghiệp thành công đồng nghĩa với giúp cho cuộc sống của rất nhiều cá nhân hạnh phúc và thành công!

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của TS. Ngô Công Trường, nhà sáng lập và Giám đốc chuyên môn Công ty CP Tư vấn và giáo dục John&Partners.