Một số tờ báo và mạng xã hội tuần qua giới thiệu video clip với tiêu đề “massage bông dừa lấy mật”. Chuyện có vẻ lạ lùng nhưng đơn giản. Cái đáng nói và đáng học là cách người Thái lấy đó làm sản phẩm du lịch.
Cách đây gần 40 năm, khi đang làm nhiệm vụ giúp bạn, ở chung nhà với người dân Campuchia, tôi và đồng đội thường được mời thưởng thức nước thốt nốt, đặc sản của người Khmer. Không ai gọi là mật thốt nốt cả, dù được lấy từ hoa.
Cây thốt nốt có ở nhiều nước nhưng chỉ người Khmer biết lấy nước để uống giải khát, làm rượu (cho rễ cây lên men), làm mật (đường chảy) và làm đường cục. Khi lấy nước, người Khmer buộc cây tre vào thân thốt nốt làm thang, leo lên ngọn. Dụng cụ gồm các ống tre bương (để đựng nước), sợi dây thắt lưng (để móc ống bương) và con dao quắm. Lên ngọn thốt nốt, tìm chỗ ngồi, chọn bông, massage kích thích, lấy dao vạt và treo ống bương vào.
Nước từ hoa sẽ tí tách, nhỏ từng giọt tinh túy vào ống bương. Người dân sẽ lên lấy nước và thay ống mỗi ngày vào sáng sớm và chiều tối. Nước buổi sáng thơm ngon hơn buổi chiều. Trời càng nắng, nước càng ngon. Trời mưa thì không lấy. Lấy nước thì không có trái.
Trái thốt nốt hầu như không bán, chỉ để ăn chơi. Lúc non dùng nấu “somlo coco”, một loại canh kiểm. Lớn chừng trái cam sành thì lấy cơm (mỗi trái có 3 hạt) bằng quả trứng vịt, ăn sần sật như dừa non nhưng dày cùi; cho thêm nước cốt dừa, sữa đặc, chút sầu riêng thành chè thì bá cháy. Trái chín, vỏ màu vàng nâu, thơm phức, hạt cứng hơn vỏ dừa già. Vắt xơ từ trái chín làm sương sa hoặc trộn bột làm bánh bò thì khỏi chê.
Thấy tôi mê mẩn loại nước thơm nhẹ, ngọt dịu, mát lạnh; mấy lão nông tri điền Khmer cho biết “Cây dừa ở Việt Nam rất nhiều, cũng có thể lấy nước từ bông để làm rượu, làm đường tương tự như thốt nốt”. Nửa tin, nửa ngờ, mấy chục năm dò hỏi chẳng thấy. Cứ như chuyện cổ tích.
Mãi đến năm 2008, trong chuyến Famtrip của Tổng cục du lịch Thái Lan tổ chức, tôi mới được mục sở thị. Tại thị trấn Amphawa, tỉnh Samut Songkhram, cách Bangkok 80 km, điểm đến nổi tiếng của du lịch sinh thái và nông nghiệp Thái Lan. Amphawa, nơi có tượng đài đom đóm và tour xem đóm đóm buổi tối rất chuyện nghiệp. Có chợ nổi, các homestay và công nghệ lấy nước bông dừa và làm than hoạt tính.
Đom đóm thì Việt Nam đầy nhưng chưa biết làm tour. Vài nơi làm nửa chừng rồi chết yểu. Chợ nổi thua xa Việt Nam. Kênh rạch nhân tạo, chợ hai bên bờ là chính và chủ yếu phục vụ du khách chứ không tự nhiên và phong phú như các chợ nổi miền Tây.
Homestay làng nhàng như Việt Nam. So với các homestay chuẩn quốc gia, được Tổng cục du lịch Việt vinh danh như A Chu (Hua Tat, Vân Hồ, Sơn La), Minh Thơ (Mai Hịch, Mai Châu, Hòa Bình), Xuân Diện (Hợp Thành, Lào Cai)… thì homestay Thái Lan không có cửa. Nhưng cách lấy nước bông dừa và làm than hoạt tính thì trên cả tuyệt vời.
Vườn dừa không rộng lắm. Ông Somsong Sang Ta Wan, vẫn còn phong độ so với tuổi 70 (sinh năm 1949), là chủ của khu du lịch gia đình, chọn giống dừa thấp để lấy nước từ bông. Nếu gọi là nước dừa như cách gọi nước thốt nốt thì sẽ nhầm với nước trái dừa.
Theo tôi, gọi là nước bông dừa thì đúng hơn. Nước này cũng không thể gọi là mật vì độ lỏng, lẫn độ đường. Đặc biệt là không thể quá 12 giờ trong điều kiện tự nhiên. Ông Wan dùng nước này bán cho khách du lịch giải khát hoặc làm rượu bông dừa. Phần lớn nước bông dừa được nấu cô đặc lại thành đường bông dừa. Có đường cục và đường chảy. Cả nước và đường đều có vị thơm nhẹ, ngọt thanh, không có chất bảo quản.
Theo tính toán của ông Wan, lấy nước từ bông dừa lời gấp mấy lần bán trái. Chưa kể tạo ra sản phẩm mới để du khách tham quan, trải nghiệm làm đường dừa và mua đặc sản. Chuyện này tôi đã viết trên báo Người lao động và Kinh tế Sài Gòn, phát biểu góp ý trong nhiều hội thảo nhưng không có phản hồi. Báo Dân trí cũng có bài viết chi tiết nhưng chưa được quan tâm.
Một số tờ báo và mạng xã hội vừa qua giới thiệu video clip với tiêu đề “massage bông dừa lấy mật”. Trong clip, anh Phạm Đình Ngãi ở Trà Vinh cho biết, mỗi bông dừa cho mỗi ngày 1 lít mật, giá thị trường là 170.000 đồng? Nếu vậy thì quả là siêu lợi nhuận. Mỗi cây dừa có 3 – 5 bông, có thể kiếm nửa triệu mỗi ngày?
Chuyện có vẻ lạ lùng nhưng đơn giản. Có điều cả tác giả của sáng kiến và các nhà báo hình như dùng từ chưa chính xác? Mật, theo tiếng Việt là dung dịch sền sệt, lấy từ nhụy hoa hoặc trái cây, hơi đặc. Ta thường nghe nói mật ong, mật mía, mật dâu, mật sim…
Không chỉ lấy nước từ bông dừa, làm rượu, nấu thành đường; ông Wan còn cải tạo nhà thành homestay. Nhưng ấn tượng và ngạc nhiên nhất là cách người Thái tận dụng “trái cây điếc”, đốt thành tro, dùng để khử mùi và đuổi côn trùng trong các resort và khách sạn cao cấp.
Các lò đốt đơn giản, làm bằng thùng phuy và đất sét. Mỗi mẻ chừng 50 kg vật liệu. Người Thái không sợ trái cây “Được mùa mất giá”. Bình thường dùng trái cây điếc. Gặp mùa ế, trái cây bình thường làm than càng tốt, vẫn không lỗ. Cả nhà vườn và người làm du lịch lẫn người Thái đều lời.
“Ai hướng dẫn kỹ thuật?”- “Tổng cục du lịch”. “Ai bao tiêu sản phẩm?”- “Tổng cục du lịch”. Nghe câu trả lời nhẹ tênh mà giật mình phát hoảng và ganh tị với nông dân Thái Lan. Không chỉ học cách làm du lịch sáng tạo, thực tế; mà còn học người Thái cách quản lý hiệu quả, thiết thực. Ông Wan còn tổ chức cho du khách trải nghiệm lấy nước từ bông dừa, chế biến thành đường hoặc làm than hoạt tính với chi phí từng dịch vụ khoảng 20 USD cho mỗi người. Chưa kể các khoản ăn uống, lưu trú, thuê xe đạp, mua sản phẩm…
Chỉ cần 6 ngày là có thể vừa tham quan Bangkok, Pattaya vừa đến Samphawa; khảo sát, học cách lấy nước từ bông dừa làm du lịch, cách nướng trái cây thành than hoạt tính; một công đôi việc. Đó là những cách làm kinh tế du lịch nông nghiệp rất hiệu quả. Giá tour trọn gói hiện nay, cả tiền tip, chưa tới 10 triệu mỗi người. Các địa phương ở phía Nam, nhất là Tây Nam bộ; nếu có nhu cầu tổ chức xuất ngoại du học thực tế, tôi xin tình nguyện làm hướng dẫn viên phục vụ.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours.
40 món ăn đặc sắc được chế biến từ cá tra - cá da trơn “tỷ đô” của Việt Nam được giới thiệu đến thực khách chiều ngày 5/1 vừa qua tại khu du lịch Văn ThánhTPHCM đã để lại nhiều ấn tượng cho thực khách, mở ra nhiều cơ hội cho hành trình đưa cá tra "trở về" làm thành viên của bữa ăn Việt.
Nếu một lần đến với Phú Quốc, du khách có lẽ chẳng thể quên được những người dân nồng hậu, những món ăn đặc sắc, hấp dẫn. Nhưng hình ảnh khiến người ta mãi ôm ấp về hòn đảo này chính là khung cảnh của mỗi buổi hoàng hôn.
Cả chính quyền thành phố cho đến doanh nghiệp địa phương và người dân đều quyết tâm với khát vọng biến Pleiku thành điểm sáng du lịch không chỉ của Bắc Tây Nguyên mà của cả Việt Nam và khu vực.
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.