Hồi chuông báo động cho toàn nền kinh tế

Phương Linh - 10:56, 30/06/2023

TheLEADERTheo chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 ở mức rất thấp chính là hồi chuông báo động rất lớn. Chính phủ cần có các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để đưa nền kinh tế phục hồi, lấy lại đà tăng trường.

Trước con số khiêm tốn chỉ tăng 3,32% của GDP quý I/2023, cả nền kinh tế đã kỳ vọng rất lớn vào bước đột phá, "nhảy vọt" của GDP trong quý II để đạt mức tăng trưởng 6,5% như mục tiêu đề ra cho cả năm.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng GDP quý II/2023 chỉ đạt 4,14% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ năm 2020. Những con số biết nói này đã thực sự thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận và cả nền kinh tế.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, mức tăng GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt hơn một nửa so với mục tiêu của cả năm là điều "rất đáng thất vọng".

Ông Hiếu cho rằng, các doanh nghiệp và toàn nền kinh tế đang phải đối mặt với thực trạng vô cùng khó khăn. Ở ngoài nước, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, xung đột địa chính trị căng thẳng cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia phương Tây, sự suy giảm kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.

Còn đối với tình hình trong nước, nội bộ của nền kinh tế cũng đang suy yếu trầm trọng. Sức khoẻ của các doanh nghiệp sản xuất chịu ảnh hưởng nặng nề bởi số lượng đơn hàng giảm, người dân thắt chặt chi tiêu, thị trường bất động sản đóng băng giao dịch... Tất cả các yếu tố đó đã "kìm chân" GDP "giậm chân tại chỗ" trong suốt nửa đầu năm 2023.

Với thực trạng tăng trưởng kinh tế hiện nay, để đạt mức tăng trưởng chung cả năm 6,5%, gần như là điều không tưởng. Để đạt được mục tiêu này, GDP tính chung 6 tháng cuối năm của Việt Nam phải tăng trưởng trên 9%. Điều này là rất khó thực hiện trong bối cảnh hiện tại của nền kinh tế. 

Ở kịch bản khả quan, GDP của Việt Nam trong cả năm 2023 sẽ chỉ đạt mức 5%, vị chuyên gia này nhận định.

Theo ông Hiếu, mức tăng trưởng GDP rất thấp trong đầu năm 2023 là dấu hiệu không tích cực cho cả nền kinh tế Việt Nam. Song, đây cũng là hồi chuông báo động cho cả Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước và bộ ngành địa phương cần có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để đưa nền kinh tế phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng.

Đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nói chung, ông Hiếu cho rằng, quan trọng nhất là Chính phủ cần hỗ trợ kịp thời nhằm giúp các doanh nghiệp vốn đang gần như kiệt quệ có thể phục hồi, phát triển ổn định. Sự phát triển của các doanh nghiệp sẽ đóng góp to lớn cho sự tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, giải pháp đầu tiên chính là tháo gỡ điểm nghẽn về dòng vốn cho các doanh nghiệp. Hiện các doanh nghiệp đang cạn kiệt nguồn tiền để đầu tư kinh doanh, duy trì hoạt động.

Tất cả các dòng vốn cho doanh nghiệp đều tắc nghẽn: "Chứng khoán "lình xình", trái phiếu doanh nghiệp đóng băng, các ngân hàng khép cánh cửa cho vay do lo sợ rủi ro", ông Hiếu nhận định và cho rằng, dòng tiền trong nền kinh tế giống như "máu khô đang kết lại", khiến nền kinh tế không thể phục hồi.

Số liệu của Tổng cục thống kê cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến 20/6 đạt 3,13% trong khi cùng kỳ năm trước tăng 8,51%. Do đó, vấn đề lớn nhất hiện nay là làm thế nào để bơm được dòng tiền ra nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn để sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh các ngân hàng không thể hạ chuẩn tín dụng, doanh nghiệp bắt buộc phải có tài sản thế chấp mới được cho vay, ông Hiếu cho rằng, Chính phủ cần xem xét lại hệ thống bảo lãnh tín dụng để bảo lãnh các ngân hàng "mạnh tay" cho vay đối với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngân hàng cần phải có chương trình cho vay tín chấp dựa vào các kế hoạch kinh doanh, kế hoạch dòng tiền của các doanh nghiệp. Lúc này, nền kinh tế đang rất khó khăn, trì trệ, nếu chỉ cho vay khi có tài sản thế chấp, doanh nghiệp sẽ không thể vay được vốn.

Cánh cửa ngân hàng khép lại trong khi đó chi phí sản xuất, nguyên vật liệu, tiền lương trả người lao động đang không ngừng tăng mạnh, áp lực các doanh nghiệp đang phải chịu là rất lớn. Nếu không có chính sách hỗ trợ về dòng vốn kịp thời, các doanh nghiệp sẽ không thể vượt qua khó khăn, buộc phải đóng cửa, phá sản. Khi đó, thiệt hại cho nền kinh tế sẽ chịu thiệt hại nặng nề, ông Hiếu nhận định.

Cuối cùng, theo vị chuyên gia này, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính nhanh, gọn, nhẹ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động.

Hiện tâm lý "sợ sai, sợ trách nghiệm" đang bao trùm cả bộ máy hành chính. Điều này khiến mọi thủ tục đầu tư, sản xuất kinh doanh, cấp phép dự án bị đình trệ. Doanh nghiệp vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn nhiều lần, co cụm, không thể phát triển.