Hưng Thịnh đặt cược tỷ đô vào Bình Định

Phương Linh - 16:08, 25/03/2022

TheLEADERNhững hạn chế về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch khiến lượng khách du lịch đến Bình Định chưa nhiều và chất lượng khách thấp.

Hưng Thịnh đặt cược tỷ đô vào Bình Định
Bán đảo Hải Giang, Bình Định

Từ một doanh nghiệp bất động sản vốn thành công với phân khúc nhà ở, khu đô thị tại TP. HCM, thời gian gần đây, Tập đoàn Hưng Thịnh đã bất ngờ lấn sân sang thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. 

Dù mới bước chân vào lĩnh vực nhưng Hưng Thịnh đang cho thấy tham vọng rất lớn của mình với dự án MerryLand Quy Nhơn tại bán đảo Hải Giang ở Bình Định - một điểm đến cũng mới mẻ không kém trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Với quy mô lên tới 695 ha với tổng mức đầu tư giai đoạn đầu lên tới 57.000 tỷ đồng, sau khi hoàn thiện, Hải Giang - Quy Nhơn được kỳ vọng sẽ vươn mình ra thế giới là “Thành phố bán đảo du lịch thương mại thông minh đẳng cấp quốc tế”.

Dự án bao gồm 15 phân khu phục vụ lưu trú cao cấp được quy hoạch hiện đại, thông minh bởi công ty kiến trúc quốc tế nổi danh đến từ Mỹ Steelman Partners LLP. hệ thống tiện ích gồm quảng trường nhạc nước Hologram 3D Mapping lớn nhất và dài nhất Việt Nam, sân golf 18 lỗ do huyền thoại Greg Norman thiết kế, công viên giải trí.

Để phát triển dự án này, Tập đoàn Hưng Thịnh đã bắt tay với gần 20 thương hiệu toàn cầu và những tập đoàn nổi tiếng trong nước như Marriott, Sheraton, Samsung Everland, Boston Consulting Group (BCG), Vietravel…

Trước Hưng Thịnh, Tập đoàn FLC cũng đã mạnh tay đầu tư vào Quy Nhơn với dự án FLC Quy Nhơn. Đây là dự án đạt tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên tại địa phương này. FLC Quy Nhơn Beach & Golf Resort có diện tích 1.300 ha, tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng. 

Dự án gồm các hạng mục biệt thự nghỉ dưỡng và khách sạn 5 sao 1.500 phòng, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ, sân golf 36 hố, học viện golf, khu du lịch sinh thái biển, khu công viên động vật hoang dã, khu tâm linh và nhiều tiện ích khác.

Tại sao là Bình Định?

Mặc dù là điểm đến mới nhưng theo nhiều chuyên gia, Bình Định là địa phương sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Nơi đây có đường bờ biển dài 72km với nhiều cảnh quan tự nhiên đa dạng, các bãi biển đẹp, di tích lịch sử - văn hóa đậm nét riêng cùng khí hậu nhiệt đới ấm áp quanh năm, ẩm thực phong phú. Bên cạnh đó là vẻ đẹp nguyên sơ, trong lành của Eo Gió, Kỳ Co, Cù Lao Xanh, Bãi Trứng, Hòn Khô, Ghềnh Ráng hay bán đảo Hải Giang... 

Mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng có thể phát triển du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp nhưng cơ sở hạ tầng lưu trú tại nơi đây vẫn chưa thực sự được đầu tư xứng với tiềm năng. 

Toàn tỉnh hiện có chưa đến 500 khách sạn và nhà nghỉ các loại. Trong đó chủ yếu là các nhà nghỉ và khách sạn 3 - 4 sao, chất lượng dịch vụ còn nhiều hạn chế. Số lượng khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 4 sao trở lên, hiện đã đưa vào sử dụng và sắp hoàn thành xây dựng tại Bình định chỉ đạt 3.000 phòng, sức chứa cho khoảng 1 triệu lượt khách/năm. 

Hiện Bình Định chỉ có một khu du lịch quy mô lớn, đẳng cấp 5 sao là dự án FLC Quy Nhơn với đa tiện ích, dịch vụ. 

Chính những hạn chế về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch khiến lượng khách du lịch đến Bình Định chưa nhiều và chất lượng khách thấp. Kể cả khách quốc tế thì cũng chỉ đạt chưa đến nửa triệu lượt, chiếm 10% tổng lượt khách đến là quá ít. Khách cũng chủ yếu là du lịch ba lô, chi tiêu ít.

Theo Sở Du lịch Bình Định, khách du lịch tăng trưởng bình quân 11%/năm trong giai đoạn từ 2016 - 2019, nhưng vẫn còn ít so với các điểm du lịch truyền thống tại miền Trung. Điển hình, năm 2019, khách du lịch quốc tế đến Bình Định là 484 nghìn lượt, trong khi con số này của Đà Nẵng là 3,52 triệu lượt, cao hơn rất nhiều lần. 

Mặt khác, khách đến Bình Định chủ yếu là khách nội địa; trong khi đó ở Khánh Hòa hay Đà Nẵng chiếm gần 50% là du khách quốc tế. Thời gian lưu trú trung bình của khách quốc tế tại Quy Nhơn cũng chỉ 2,1 ngày/người, thấp hơn nhiều so với Đà Nẵng là 4,5 ngày/người. Hoạt động kinh doanh lữ hành của Quy Nhơn cũng còn yếu và chưa chủ động được nguồn khách.

Đánh thức tiềm năng "ngủ quên"

Trong khi Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc đã phát triển rất mạnh mẽ các hoạt động du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng thì du lịch Bình Định vẫn đang "ngủ quên". Song, nói như GS. Đặng Hùng Võ thì điểm yếu này lại là thế mạnh để nơi đây bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

"Bây giờ là thời cơ thuận lợi để khởi động lại, biến nơi đây trở thành điểm đến đầy mới mẻ và hấp dẫn sau đại dịch", ông Võ nhấn mạnh.

Bằng chứng là từ vài năm trước, khi có sự xuất hiện của FLC Quy Nhơn, du lịch Bình Định đã khởi sắc hơn trước đáng kể. Quần thể FLC Quy Nhơn đã góp phần tăng lượng du khách đến với Bình Định lên mức 3,2 triệu lượt trong năm 2016 (tăng 23% so với năm 2015); đón tiếp hàng vạn lượt du khách trong nước và quốc tế.

Dù là địa phương có ngành du lịch chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, song sự xuất hiện của các quần thể nghỉ dưỡng cao cấp, đã cho thấy rất rõ tiềm năng bứt phá của Quy Nhơn, Bình Định trong tương lai. Chỉ cần có các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, đáp ứng nhu cầu của du khách, du lịch Quy Nhơn sẽ sẵn sàng bứt phá.

Bà Đỗ Hương Giang, Phó tổng giám đốc Hưng Thịnh Legacy, Phó tổng giám đốc Công ty CP PropertyX cho hay, với cam kết của Hưng Thịnh, tập đoàn luôn đi trước và phát triển các tiện ích để đón bắt các xu hướng sau đại dịch. Đơn cử có bến đỗ cho các du thuyền, sân bay cho chuyên cơ, sân golf với các lỗ đặc biệt thách thức người chơi.

Mới đây, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với Vietravel; xây dựng các gói tour, combo đến những cung đường du lịch mới; thực hiện các chương trình quảng bá, kết nối Quy Nhơn với các thị trường du lịch quốc tế giàu tiềm năng tại châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc). Tổ chức các chuyến bay charter trong nước và quốc tế cho du khách; sẵn sàng hải trình quốc tế với du thuyền 2 thân lớn nhất Đông Nam Á.