Ì ạch giải ngân vốn đầu tư công

An Chi - 14:02, 29/10/2022

TheLEADERTỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng năm 2022 ước đạt 46,4% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 51,3%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021.

Bộ Tài chính vừa ban hành công văn báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước lũy kế 9 tháng, ước thực hiện 10 tháng kế hoạch năm 2022. Theo đó, về giải ngân vốn kế hoạch năm 2022, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến 30/9/2022 là 249.289 tỷ đồng, đạt 38,9% kế hoạch và đạt 43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, vốn trong nước là 242.837 tỷ đồng (đạt 40% kế hoạch giao là 606.643 tỷ đồng). Vốn nước ngoài là 6.452 tỷ đồng (đạt 18,7% kế hoạch giao là 34.800 tỷ đồng).

Ước thanh toán từ đầu năm đến tháng 10/2022 là 297.774 tỷ đồng, đạt 46% kế hoạch và đạt 51% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Cùng kỳ năm 2021 đạt 48,8% kế hoạch và đạt 55,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, vốn trong nước là 290.807 tỷ đồng, đạt 48% kế hoạch và đạt 53,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Vốn nước ngoài là 6.967 tỷ đồng, đạt 20,1% kế hoạch.

Tháng 10/2022, tổng số kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được bổ sung từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 38.155 tỷ đồng, bằng khoảng 6,6% tổng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 

Con số này bao gồm vốn cho nhiệm vụ, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn là 19.570 tỷ đồng; vốn cho các nhiệm vụ không phải dự án đầu tư là 18.585 tỷ đồng. Số vốn này mới được Thủ tướng Chính phủ giao ngày 12/10/2022 nên chưa giải ngân được, do vậy đã kéo tỷ lệ giải ngân xuống thấp so với tổng số kế hoạch vốn được giao.

Tỷ lệ ước giải ngân 10 tháng năm 2022 đạt 46,4% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 51,34%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (55,80%). Trong đó, vốn trong nước đạt 53,31% (cùng kỳ năm 2021 đạt 60,9%), vốn nước ngoài đạt 20,1% (cùng kỳ năm 2021 đạt 15,3%).

Bộ Tài chính cho biết, có 11 bộ và 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 55%. 30/52 Bộ và 17/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 45%, trong đó có 19 bộ và 03 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%.

Tại phiên thảo luận trước Quốc hội chiều 28/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nội dung quan trọng, then chốt để thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi, phát triển kinh tế. 

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành rất nhiều nghị quyết, công điện, văn bản để đôn đốc, chỉ đạo, triển khai, tổ chức 3 hội trực tuyến, 6 tổ công tác. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt như mong muốn. 

Theo ông Dũng, có nhiều nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm. Thứ nhất, năm 2022 là năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn nên phải mất rất nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục đối với những dự án khởi công mới.

Thứ hai, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu xây dựng tăng cao. Và thứ ba là vốn và bổ sung vốn năm nay lớn hơn so với năm 2021.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, ông Dũng cho rằng, hiện nay, 76,5% vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý. Do vậy, vấn đề tổ chức thực hiện ở địa phương rất quan trọng.

"Trong cùng một điều kiện, trong cùng mặt bằng như nhau nhưng có rất nhiều địa phương với cách làm hay, mô hình tốt đã triển khai giải ngân rất cao, rất tốt. Nhưng cũng có rất nhiều bộ, ngành và địa phương giải ngân rất thấp. Như vậy giải ngân nhanh hay chậm phần lớn là do công tác tổ chức thực hiện”, bộ trưởng khẳng định và đề nghị cần nâng cao vai trò của Hội đồng Nhân dân và các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát địa phương giải ngân vốn đầu tư công, từ khâu lựa chọn dự án, chuẩn bị đầu tư, đến giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng, ông Dũng kiến nghị, Chính phủ cần nghiên cứu sửa ngay trong Luật Đất đai theo hướng cho thực hiện một số hành động trước như kiểm đếm, đo đạc, khảo sát khi đã có quy hoạch và có chủ trương đầu tư, như vậy sẽ giảm được 6 đến 8 tháng về tiến độ triển khai.

Về Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, bộ trưởng khẳng định đây là chương trình rất lớn và lần đầu tiên thực hiện quy mô lớn đòi hỏi phải tiết kiệm, hiệu quả và chống thất thoát, lãng phí và trục lợi vì vậy phải ban hành nhiều chính sách để quản lý. Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục đẩy nhanh hơn triển khai chương trình này…