Khách sạn truyền thống đang nhường chỗ cho homestay

Việt Hưng - 10:58, 30/07/2019

TheLEADERMàn gọi vốn kỷ lục 6 triệu USD mới của Luxstay - nền tảng kết nối cho thuê nhà ngắn hạn có mạng lưới chỗ ở (chung cư, biệt thự, homestay) hàng đầu Việt Nam là minh chứng rõ ràng nhất cho xu hướng này.

Shark Tank mùa 3 trở lại với màn gọi vốn kỷ lục của Luxstay - 6 triệu USD ngay trong ngày tập đầu tiên phát sóng. Nhìn vào đây, không ít nhà đầu tư chuyên nghiệp hay những người yêu kinh doanh đặt ra câu hỏi lớn cho tiềm năng của thị trường homestay Việt Nam - loại hình kinh doanh không mới nhưng phải chăng đang bùng nổ?

Du lịch phát triển mạnh mẽ kéo theo sự tăng trưởng mạnh nguồn cầu lưu trú

Theo tổ chức Du lịch Thế giới, Việt Nam hiện đang là một trong 3 quốc gia có ngành du lịch tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Với nhiều chính sách khuyến khích phát triển, giảm đáng kể các thủ tục, điều kiện về cấp thị thực (visa) cho du khách quốc tế khiến cho Việt Nam trở thành một điểm nóng thu hút khách du lịch.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Du lịch cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, lượng khách du lịch nội địa đạt 45,5 triệu lượt khách; khách quốc tế đạt gần 8,5 triệu khách. Tổng thu từ khách du lịch đạt 338.200 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Dự kiến năm 2019, ngành du lịch sẽ đón, phục vụ khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 700.000 tỷ đồng.

Tốc độ phát triển nhanh chóng của du lịch Việt Nam trong những năm gần đây kéo theo sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nguồn cầu lưu trú. Cùng với việc chính phủ đặt mục tiêu 2020 du lịch cơ bản trở thành ngành mũi nhọn của Việt Nam đã giúp bất động sản nghỉ dưỡng trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết với các nhà đầu tư kinh doanh.

Khách sạn truyền thống đang nhường chỗ cho homestay
Du lịch Việt Nam đón gần 8,5 triệu lượt khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2019

Nguồn cung khách sạn chững lại và tăng trưởng đột biến của thị trường home-sharing

Trong khi khách sạn truyền thống có dấu hiệu chững lại trong cuộc đua về nguồn cung lưu trú, thì thị trường kinh doanh home-sharing tại Việt Nam đang tăng trưởng nóng với tốc độ 452% về số lượng nguồn cung chỗ ở trong một năm qua. Lớn hơn so với mức tăng trưởng trung bình toàn cầu 140% và cao hơn rất nhiều so với ngành khách sạn truyền thống chỉ tăng trưởng 40% về nguồn cung, theo nghiên cứu của AirDNA.

Tại Việt Nam, giới đầu tư bất động sản chủ yếu tập trung ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp (villa, biệt thự…) và nhà ở. Tuy nhiên, đa phần nằm trong tay của những nhà đầu tư, đầu cơ, những người giàu khiến nguồn bất động sản này không được sử dụng thường xuyên, dẫn đến dư thừa nguồn cung, hay còn gọi là ‘bất động sản nhàn rỗi’.

Home-sharing: Giải pháp tối ưu nguồn cung lưu trú cho thị trường du lịch

Đối với nguồn cung bất động sản dư thừa, home-sharing trở thành một kênh chiến lược, giúp mang về lợi nhuận lớn tận dụng bất động sản nhàn rỗi.

Home-sharing không chỉ là lời giải cho bài toán tận dụng nguồn cung chỗ ở dư thừa mà còn giúp đáp ứng sự thay đổi về nguồn cầu lưu trú du lịch. Nếu như trước đây, khách du lịch chỉ chọn chỗ ở đơn thuần là một nơi dừng chân nghỉ ngơi, thì ngày nay, họ mong muốn nhận được giá trị nhiều hơn.

Theo khảo sát về xu hướng du lịch toàn cầu trong năm 2018 do Visa thực hiện với sự tham gia của hơn 15.000 người đến từ 27 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã chỉ ra rằng khách du lịch hiện nay thường mong muốn đạt được cả hai mục tiêu “khám phá” và “tận hưởng” trong những chuyến đi của mình.

Chính sự thay đổi trong nhu cầu tìm kiếm cảm giác kết nối - tận hưởng - khám phá mà homestay trở thành một sự lựa chọn tối ưu không chỉ về trải nghiệm mà còn cả chi phí dành cho những người đam mê xê dịch hiện nay.

Sự tăng trưởng ngoạn mục của Airbnb (hiện được định giá khoảng 50 tỷ USD) trên thế giới là minh chứng rõ ràng nhất cho sự bùng nổ của lĩnh vực home-sharing mà sự xuất hiện của Luxstay là một nước cờ đi trước thông minh của nhà khởi nghiệp trẻ.

Theo báo cáo mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường AirDNA, kinh doanh homestay tại Việt Nam tăng trưởng gấp 5 về số lượng nguồn cung chỗ ở trong một năm qua, cao hơn rất nhiều so với ngành khách sạn truyền thống chỉ tăng trưởng 40% về nguồn cung. 

Chỉ tính riêng tại TP. HCM năm 2016 có khoảng 6.200 chỗ ở dạng homestay, giữa năm 2018 đã ở mức trên 20.000 trong đó có tới hơn 11.000 chỗ ở có hoạt động thực sự. Tại Hà Nội số lượng chỗ ở cũng gia tăng từ xấp xỉ 3.200 chỗ ở năm 2016 và tới hơn 11.200 trong nửa đầu năm 2018 trong đó có trên 6.400 chỗ ở có hoạt động thực sự.

Người Việt Nam nhanh chóng nắm bắt cơ hội tham gia vào thị trường kinh doanh homestay tạo ra doanh thu vào khoảng 130 triệu USD trong năm 2018 và tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao.

Báo cáo của AirDNA chỉ rõ các khu vực thành phố có doanh thu lớn nhất về homestay hiện nay như: TP. HCM (41,6 triệu USD), Đà Nẵng (19 triệu USD), Hà Nội (13,3 triệu USD), Lâm Đồng (2,2 triệu USD).

Chưa kể đến tiềm năng của những khu du lịch mới nổi như Vũng Tàu, Phú Yên, Hạ Long - nơi mà mô hình homestay còn chưa phổ biến, cầu của khách du lịch luôn có nhưng cung thì chưa đủ đáp ứng, sẽ còn là một bài toán hấp dẫn những người làm du lịch.

Luxstay: Nước cờ đi trước của startup Việt với tham vọng thâu tóm thị trường Đông Nam Á

Khách sạn truyền thống đang nhường chỗ cho homestay 1
Luxstay với tham vọng trở thành biểu tượng của giới startup Việt Nam

Nhìn từ cuộc chiến "đốt tiền" của Grab và Uber tại Đông Nam Á, dễ thấy các startup địa phương hoàn toàn có thể chiến thắng một đối thủ toàn cầu. Startup địa phương có nhiều lợi thế hơn tại thị trường mà mình khởi nghiệp.

Nếu tiền giải quyết được mọi vấn đề thì đã không sinh ra startup. Việc startup địa phương có thể dành chiến thắng là do họ có thể giải quyết được những bài toán của thị trường.

Tuy nhiên bài toán đặt ra đó là liệu Luxstay có phát triển đủ nhanh để trở nên tiên phong và chiếm lĩnh được thị trường?

Trước khi Airbnb đổ bộ chính thức vào Đông Nam Á, hoặc một startup Đông Nam Á khác tấn công thị trường Việt Nam, việc xuất hiện một startup của Việt Nam tiên phong xây dựng và chiếm lĩnh thị trường là một tín hiệu tích cực cho ngành du lịch nước nhà và cũng là một điểm sáng tiềm năng của cộng đồng khởi nghiệp Việt.

Khát khao thực hiện được mục tiêu chính là lý do khiến Luxstay xuất hiện trên Shark Tank và cũng vì tham vọng đó mà các shark đã rót tiền vào Luxstay với mục tiêu xây dựng một "biểu tượng startup" của Việt Nam.

Màn gọi vốn kỉ lục trên Shark Tank lần này không chỉ là một tập đầy ắp kiến thức cho những người đam mê kinh doanh, khởi nghiệp, mà còn là một lời chào đặc biệt gửi gắm rất nhiều kì vọng của cộng đồng vào một startup Việt sẽ chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á và trở thành một thương hiệu quốc gia trong tương lai.